Phóng to |
Nguyễn Thành Trung tại cuộc thi Tay nghề thế giới 2013 ở Leigzig (Đức) - Ảnh: CTV |
Trở về sau cuộc thi Tay nghề thế giới năm 2013 hôm 9-7, Nguyễn Thành Trung (Sóc Sơn, Hà Nội) - một trong 13 thí sinh đại diện cho Việt Nam - lại tất bật với việc học hành hằng ngày. Trung hiện là sinh viên Trường cao đẳng Xây dựng công trình đô thị Hà Nội.
Phần thi của Trung khá hóc búa: lắp đặt hệ thống ống nước theo chiều thẳng đứng, trong khi đó ở Việt Nam học viên chỉ được học lắp đặt trên mặt phẳng. Việc gắn các mối nối ống nước bằng mối nối ép nén là hoàn toàn lạ lẫm khi mà ở Việt Nam Trung chỉ sử dụng mối nối ống bằng cách hàn xì thủ công. Ngay cả công cụ để hoàn thành bài thi trong bốn ngày như máy cắt thanh thép, máy uốn ống nước cũng hiện đại và Trung chưa từng thấy. Trung chỉ được làm quen với các thiết bị này trong vòng một ngày. Cố hết sức, Trung cũng chỉ đạt được 483 điểm thi, gần cán đích 500 điểm - mốc đạt chứng chỉ nghề xuất sắc thế giới. Trung nói rất ngưỡng mộ tác phong chuyên nghiệp của các thí sinh từ châu Âu khi họ thao tác trên máy móc hiện đại.
Với Nhữ Thị Phương, sinh viên Trường cao đẳng nghề Du lịch và dịch vụ Hải Phòng, cuộc thi chính là cuộc cọ xát giúp cô mở rộng tầm mắt trong ngành dịch vụ nhà hàng. Đây cũng là ngành đào tạo mà Phương cảm thấy ít bị khoảng cách công nghệ hay thiết bị chi phối nhất trong số các môn mà Việt Nam dự thi. Vì thế Phương cảm nhận được sự bài bản, tinh tế đến từng chi tiết trong quy trình nghiệp vụ của ngành dịch vụ nhà hàng.
Phương chia sẻ: “Nếu như trước đây người ta chỉ chú trọng phần yếu tố phục vụ, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm thì nay người phục vụ giỏi còn phải tinh tế”. Phương học được cách phục vụ một tiệc “chuẩn tắc” (tiệc yêu cầu sử dụng tất cả kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp nhất) bài bản nhất theo tiêu chuẩn quốc tế, cách phục vụ bằng tay (thay vì bê khay như trước đây) để thực khách cảm nhận được bằng chính cảm xúc, thái độ tận tụy, lịch lãm của một nhân viên nhà hàng. Hay độc đáo như cách thức phục vụ rượu vang cho khách hàng theo cách mới nhất là phải rót trực tiếp để lắng cạn “vang già”, làm dậy mùi “vang trẻ”... những bài học sơ đẳng mà một nhân viên phục vụ nhà hàng phải có.
Đã từng cọ xát ở nhiều cuộc thi trong nước, khu vực trước khi đến với cuộc thi quốc tế này nhưng hầu hết thí sinh năm nay vẫn khá run khi tiếp cận cuộc thi. Ra biển lớn nhìn rõ mình, những bạn trẻ khi trở về vẫn còn “say sóng”. Nhưng ắt hẳn với lần cọ xát này, họ đã tìm được nhiều điều mong muốn.
Nếu không trang bị, không có thợ giỏi Bài toán khó về cách thích nghi với công nghệ mới của các thí sinh Việt không chỉ ở trong cuộc thi này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tấn Thuyết - phó tổng giám đốc Công ty Toyota Biên Hòa - về việc đào tạo nghề ở VN hiện nay, ở góc độ chương trình đào tạo và máy móc thực tập với quan hệ chất lượng nghề. * Đa số thí sinh Việt Nam tham dự cuộc thi tay nghề thế giới lần 42 đều bị yếu thế về mặt tiếp cận công nghệ, máy móc hiện đại. Theo ông, có phải thợ mình dở? - Chúng tôi từng tham gia ra đề cho các cuộc thi tay nghề tại TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. Qua đó, chúng tôi cũng nhận thấy khả năng tiếp cận tài liệu sửa chữa của sinh viên trường nghề còn nhiều hạn chế. Như khi được giao việc đo hệ thống điện trên một chiếc Toyota Camry đời mới, hầu hết các em đều bị “choáng” với hệ thống hiện đại của nó, vì trước đây các em chỉ dùng đồng hồ đo trên một mô hình cố định, chưa được hướng dẫn sử dụng sơ đồ mạch điện Toyota để đo kiểm điện trên xe Toyota tương ứng. Cái chính là phải có phương tiện, học cụ hiện đại để các em tiếp cận công nghệ, thiết bị mới. * Vậy theo ông, chất lượng tay nghề nằm ở cách đào tạo? - Có thể nói như vậy. Tôi đã đi tham quan một số trường dạy nghề có ngành công nghệ ôtô ở Việt Nam và thấy học viên đều đang thực hành để củng cố lý thuyết đã học chứ không phải thực hành để huấn luyện kỹ năng làm việc như một người thợ. Còn ở các nước khác học viên được tháo lắp, kiểm tra sửa chữa, chạy thử xe theo tài liệu sửa chữa của nhà sản xuất tương ứng. Cho nên khi rời ghế nhà trường, họ sẵn sàng để bắt tay vào dây chuyền sản xuất ngay, dù máy móc hiện đại cỡ nào cũng không thành vấn đề. * Vậy sao trường nghề của ta không làm được điều đó? - Thiết bị có thể hơi đắt nhưng nếu cứ nói vậy hoài thì vấn đề không thể giải quyết. Tôi từng hỗ trợ một trường nghề lập dự toán đầu tư trang thiết bị thực hành nghề sửa chữa ôtô, tổng dự toán khoảng 2 tỉ đồng. Với hiện trạng của các trường nghề hiện nay, 2 tỉ đồng không phải quá lớn. * Nhưng là người sử dụng lao động, doanh nghiệp cũng nên có trách nhiệm trong việc đào tạo thợ lành nghề chứ, thưa ông? - Chúng tôi muốn cùng các trường nghề tham gia đánh giá, xây dựng chuẩn đầu ra cho học viên. Vì hơn ai hết, chúng tôi là những người sử dụng lao động. Chúng tôi cũng luôn mở cửa cho các học viên đến tham quan dây chuyền sản xuất, cung cấp tài liệu chuyên môn trong chừng mực có thể. đây là điều rất cần cho việc hoàn thiện khả năng đọc tài liệu sửa chữa hay tiếp cận công nghệ mới cho người thợ. Trong công tác đào tạo, chúng tôi có thể cung cấp giáo viên thỉnh giảng cho trường nghề, tạo môi trường cho các em thực tập... Đó là những yếu tố để bổ sung vốn kinh nghiệm thực tế quý giá mà tôi nghĩ bất kỳ học viên nào cũng phải trang bị. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận