PGS.TS Trần Hoàng Ngân - giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM - Ảnh: Viễn Sự |
“50 năm qua, Học viện Cán bộ có một truyền thống vẻ vang được xây dựng từ xương máu, mồ hôi, trí tuệ của các bậc tiền bối. Đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển của TP cũng là để tiếp nối truyền thống đó |
PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN, giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM |
PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN - giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM - đã chia sẻ như vậy về định hướng phát triển Học viện Cán bộ TP.HCM - Trường Đảng vừa tròn 50 năm tuổi.
Cán bộ phải đồng hành với cuộc sống
* Thay đổi chính mình như ông nói sẽ là những thay đổi gì?
- Thời gian tới, ngoài việc đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ TP, bồi dưỡng nghiệp vụ chính trị, học viện còn mở nhiều khóa học ngắn hạn để bồi dưỡng và cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ và công chức, viên chức của TP như bồi dưỡng kỹ năng cho người lãnh đạo; giao tiếp với công chúng; tổ chức quản lý; PR; quản lý truyền thông... để phù hợp với cuộc sống hiện tại.
Khi doanh nghiệp hội nhập nhưng quản lý nhà nước, quản lý hành chính không hiểu được về hội nhập sẽ không khớp nhau, phải bổ sung kịp thời cho đội ngũ quản lý nhà nước, thẩm thấu để hỗ trợ với doanh nghiệp.
Học viện cũng mở những ngành đào tạo đại học cho học sinh có thể học như cử nhân quản lý hành chính, cử nhân quản lý nhà nước để sau khi ra trường có thể ứng tuyển, thi vào bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước.
* Sự thay đổi đó liệu có làm giảm đi định hướng phải có của một trường Đảng?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đào tạo cán bộ là cái gốc của Đảng và những thay đổi này của học viện để làm tốt công tác cán bộ, nên chúng tôi khẳng định đây là định hướng đúng.
Định hướng này vừa tiếp nối được truyền thống 50 năm qua để xây dựng và phát triển học viện, vừa đáp ứng tình hình mới. Góp phần cho chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, để TP đạt được mục tiêu xây dựng TP văn minh hiện đại nghĩa tình, trở thành trung tâm lớn trong khu vực, tiếp tục là đầu tàu kinh tế đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Nhiệm vụ chủ lực của học viện là đào tạo cán bộ cho hệ thống chính trị, nhưng học viện sẽ phải hoạt động đa dạng hơn, thực hiện đúng theo chức năng mà Thủ tướng Chính phủ đã ký.
Đó là đào tạo trình độ cao về lý luận chính trị, mở ngành đào tạo đại học, sau đại học, hợp tác mở rộng liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước, được bồi dưỡng mở lớp ngắn hạn, được thực hiện dịch vụ khoa học công nghệ, tham mưu tư vấn chính sách kinh tế, quản lý kinh tế chính sách của Đảng bộ TP...
Chất lượng đào tạo sẽ được bảo đảm
* Trước yêu cầu mở rộng đào tạo, đưa Học viện Cán bộ trở thành một thương hiệu, học viện đã chuẩn bị như thế nào?
- Sắp tới, Học viện Cán bộ TP.HCM sẽ mở thêm những lớp bồi dưỡng doanh nhân trẻ khởi nghiệp, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, kiến thức, chính sách của Đảng và Nhà nước với doanh nhân để có niềm tin vào chính sách.
Học viện cũng có kế hoạch mở lớp bồi dưỡng cho các giám đốc, ban giám đốc các sở y tế để tổ chức quản trị trong một bệnh viện. Bệnh viện chỉ lấy tư duy của đại học y thì không quản trị được bệnh viện, mà cái này trường y lại không dạy.
Bên cạnh đó sẽ mở rộng hoạt động liên kết với các trường đại học, viện đại học nổi tiếng trên thế giới như Trường Lý Quang Diệu, ENA của Pháp...
* Được nâng cấp từ trường lên học viện, cơ sở vật chất khang trang, ông có kiến nghị gì để phát huy hết khả năng của học viện?
- Có một vấn đề là hiện nhu cầu đào tạo cao cấp chính trị của TP.HCM khoảng 2.700 người mỗi năm. Nhưng Học viện Chính trị quốc gia chỉ có hai lớp cao cấp, hai lớp cử nhân chính trị tại TP, Học viện Cán bộ TP.HCM chỉ quản lý học viên.
Sắp tới sẽ kiến nghị với trung ương trong hai năm đầu, đội ngũ giảng viên của học viện được tham gia giảng dạy ở những môn mà học viện có thể đảm đương được. Tiến tới cho phép học viện chiêu sinh mở lớp đào tạo cao cấp chính trị. Còn đào tạo cử nhân, thạc sĩ hiện học viện đã làm hồ sơ gửi Bộ Giáo dục - đào tạo xin cấp phép.
Hiện mỗi năm ngân sách rót cho học viện khoảng 10,5 tỉ đồng. Nếu cho học viện tự chủ về tài chính thì ngân sách nhà nước sẽ không cần rót xuống nữa, chất lượng đào tạo sẽ được bảo đảm và đời sống của cán bộ, giảng viên sẽ tốt hơn.
* PGS.TS TRƯƠNG THỊ HIỀN (nguyên giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM):
Tự hào và giữ vững định hướng của một trường Đảng 50 năm hình thành, từ Trường Đảng khu ủy Sài Gòn - Gia Định đến Học viện Cán bộ TP.HCM là một chặng đường đáng tự hào. Hình thành từ chiến khu Hố Bò (Củ Chi), di chuyển qua nhiều địa bàn trong chiến tranh ác liệt, nhiều lần đổi tên qua các thời kỳ, trường đã đào tạo ra nhiều thế hệ cán bộ, đóng góp xứng đáng vào công cuộc kháng chiến và xây dựng, phát triển TP.HCM. Nền tảng của trường được nhiều thế hệ giảng viên, cán bộ vun đắp. Trong đó có cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đồng chí Trần Bạch Đằng... những người đã giảng những bài giảng đầu tiên, đặt nền móng vững chắc cho trường. Đáp ứng nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, trường đã được nâng cấp lên học viện, mở rộng liên kết đào tạo, đáp ứng được yêu cầu phát triển cán bộ trong giai đoạn mới. Đồng thời theo tôi, trường phải luôn giữ được tiêu chí của một trường Đảng, đào tạo cán bộ TP. Giữ vững được định hướng này sẽ thực hiện đúng yêu cầu nâng cấp từ trường lên học viện. Được như vậy sẽ vừa tiếp tục phát huy truyền thống 50 năm qua của trường, vừa đáp ứng được yêu cầu đào tạo cán bộ cho TP. Trường đã được nâng cấp lên học viện nhưng thực tế cơ sở vật chất - nhất là trang thiết bị - còn thiếu thốn, vẫn còn nhiều việc cần phải hoàn thiện. Cơ chế về phân quyền đào tạo cũng vẫn là cơ chế cũ, đang bức xúc cần được tháo gỡ sớm. Để đạt được hiệu quả cao nhất trong yêu cầu “đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị” của TP.HCM sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Tự hào về truyền thống và giữ vững định hướng của một trường Đảng là con đường để tập thể cán bộ, giảng viên... của trường xây dựng được một Học viện Cán bộ đúng tầm vóc, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của TP. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận