Phóng to |
Tại đây, các em không được nghe những lời nhận xét đẹp hay xấu mà chỉ có những lời động viên: “Các em hãy vẽ tất cả những gì mình thích thì đó sẽ là đẹp”. Đây chính là ý tưởng về lớp học vẽ mang tên Phòng 13 do Công ty TBWA VN tổ chức.
Bắt đầu mở lớp từ ngày 24-7, mỗi buổi học thường kéo dài từ 9-11g vào chủ nhật hằng tuần. Tại đây, các em được họa sĩ Võ Bình (tình nguyện viên của dự án) hướng dẫn cách pha màu, phối màu, vẽ những đường nét mà các em cho là phức tạp. Trong mỗi buổi học, các em được giao cho một chủ đề mở như niềm vui, nỗi buồn, tĩnh vật... sau đó tự do thảo luận, trình bày suy nghĩ của mình, đôi khi là những suy nghĩ rất ngô nghê nhưng luôn được họa sĩ và các tình nguyện viên khuyến khích đưa vào bức vẽ.
Theo ông Patrick Tom - giám đốc sáng tạo của TBWA VN, Phòng 13 được tổ chức theo mô hình một art studio (phòng nghệ thuật) do chính các em tự tổ chức, tự quản lý, người lớn chỉ hỗ trợ khi cần. Đây là một không gian để các em tự do thể hiện bản thân theo cách riêng của mình nhằm tạo cho các em thói quen suy nghĩ độc lập, cách làm việc chủ động sau này.
Cô Akiko Yabuki - tình nguyện viên người Nhật đồng thời là nhà sản xuất chương trình của TBWA, chia sẻ: “Khi còn ở Nhật, tôi cũng được giáo dục theo kiểu thầy cô, cha mẹ bảo sao thì nghe nấy. Một lần tôi vẽ một con cóc màu hồng, trong khi tất cả bạn bè tôi đều vẽ con cóc màu đen nên đã bị bố mẹ la rầy. Hiểu được những trở ngại này, chúng tôi luôn mong muốn khi đặt chân vào Phòng 13, các em sẽ không nặng nề tâm lý học - nghe lời mà tự do làm bất cứ điều gì, sáng tạo nghệ thuật theo bất cứ cách nào mà các em muốn”.
Hiện tại kinh phí cho dự án bao gồm chi phí cho giấy vẽ, màu nước... đều được trích từ nguồn quỹ của công ty. Sắp tới, những người thực hiện dự án rất mong có thể tổ chức được những buổi triển lãm những bức tranh do chính các em vẽ để thu hút sự chú ý của mọi người và gây quỹ tiếp tục dự án này.
Đã có hơn 20 Phòng 13 trên thế giới Năm 1994, một nhóm học sinh Trường tiểu học Caol ở cao nguyên Fort William, miền tây Scotland, vì chán nản chương trình học khô khan và thiếu những môn nghệ thuật đã tự thành lập một phòng nghệ thuật của riêng mình. Các em xin trường cấp phòng và thuê các nghệ sĩ trong khu vực để giúp các em trong việc sáng tạo. Phòng sáng tạo ấy sau đó được đặt tên là Phòng 13, lấy tên từ số phòng đầu tiên các em được trường cấp. Bắt nguồn từ ý tưởng này, vào năm 2004, Rod Wright - giám đốc sáng tạo của TBWA tại London (Anh) - đã thực hiện dự án mang tên Phòng 13, tạo không gian cho thiếu nhi tự do sáng tạo. Phòng 13 hiện đã trở thành một mô hình được chấp nhận và nhân rộng ở nhiều nơi. Hiện đã có hơn 20 Phòng 13 ở Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong, Nam Phi... và mới đây nhất là VN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận