Giáo sư Huỳnh Như Phương ký tặng sách cho sinh viên, độc giả sau buổi trò chuyện sáng 5-11 - Ảnh: TRẦN MẶC
Cuộc trò chuyện do khoa văn học của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng 5-11. Tuổi Trẻ trích giới thiệu bài chia sẻ của giáo sư xoay quanh câu chuyện học văn là học cách sống, dạy văn là dạy làm người.
Dạy văn ở phổ thông chủ yếu là một nghệ thuật
Có lẽ chưa bao giờ việc học văn và liên quan với đó là việc dạy văn, đứng trước một tình thế đầy mâu thuẫn như hiện nay: sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu tham khảo, phương tiện học tập phong phú, đội ngũ thầy cô giáo nhiệt huyết, quan niệm văn học cởi mở và đổi mới; trong khi đó thì môn văn bị giảm sút uy tín trước mắt nhìn xã hội, bị phàn nàn nhiều trong dư luận, sự chuyên tâm và say mê của người đi học có chiều hướng suy giảm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó: sự thay đổi bảng giá trị trong xã hội, cơn xâm thực của chủ nghĩa duy lợi, chương trình nặng nề, nạn văn mẫu... Nhưng có lẽ một nguyên nhân quan trọng là quan niệm dạy văn và học văn không thể hiện được đặc trưng của môn học và đối tượng.
Theo chúng tôi, cần phân biệt học văn ở bậc phổ thông và học văn ở bậc đại học. Học văn ở bậc phổ thông là học làm người, học làm giàu tâm hồn và trí tuệ.
Học văn ở bậc đại học là học một nghề nghiệp, học kiến thức và kỹ năng để làm nghề. Dạy văn ở phổ thông chủ yếu là dạy người; dạy văn ở đại học chủ yếu là dạy nghề. Dạy văn ở phổ thông chủ yếu là một nghệ thuật; dạy văn ở đại học chủ yếu là một khoa học.
Nhưng hai lĩnh vực/giai đoạn trên không tách rời hay trái ngược nhau mà có quan hệ chặt chẽ, có ảnh hưởng qua lại với nhau. Vậy thì có gì chung đặt ra cho việc học văn?
Học sống giữa muôn người và học làm người tự do
Học văn là học tha nhân mà cũng đồng thời là học bản thân ta. Ta học bảng tuần hoàn Mendeleev là học tri thức do nhà bác học cung cấp.
Còn ta học tác phẩm của L. Tolstoi là vừa học những tâm hồn Nga yêu chuộng hòa bình, chán ghét chiến tranh, vừa học tiếng vang của nó vào tâm hồn ta, xem cách ta bắt lấy và đón nhận tín hiệu từ tác phẩm đó.
Nếu ta chỉ thâu nhận nội dung và các thủ pháp nghệ thuật trong tiểu thuyết như các nguyên tố hóa học của bảng tuần hoàn thì mãi mãi ta không hiểu gì văn học mà cũng không hiểu gì bản thân ta.
Học văn là học kinh nghiệm làm người ở đời để chính mình tự quyết lấy cuộc đời mình. Vì không ai có thể thay ta đưa ra lời giải bài toán cuộc đời ta.
Người học văn vì tiếp xúc với nhiều cuộc đời trong sách vở nên có thể lúng túng, lưỡng lự, phân vân và băn khoăn khi va chạm với cuộc đời thực tế. Ta tham khảo từ những cuộc đời đó để rồi đưa ra giải pháp của riêng ta.
Học văn là học cách ứng xử với quá khứ, đối mặt với hiện tại và dự báo cho tương lai. Vì vậy mà chúng ta cần cả văn chương dấn thân lẫn văn chương viễn mơ, cần cả tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết hiện thực lẫn tiểu thuyết viễn tưởng.
Học văn là để mở rộng chiều kích cuộc đời ta, để ta không biến thành "con người một chiều kích" như Herbert Marcuse cảnh báo từ những năm 1960.
Học văn là học sống ở đời giữa muôn người cũng đồng thời là học làm người tự do lựa chọn. Theo tinh thần của Jean-Paul Sartre, con người bị buộc phải tự do, có tự do mới có lựa chọn. Lựa chọn chỉ có ý nghĩa khi lựa chọn trong tự do.
Nhưng tự do của ta không đối lập với tự do của người khác, tự do của ta chỉ có ý nghĩa khi hiện hữu cùng tự do của người khác.
Học văn là học cách sống hòa hợp và có trách nhiệm với xã hội, đất nước, đồng thời là sống như một cá tính độc đáo. Độc đáo không phải là lập dị, làm cho khác người.
Có những người khiếm khuyết một cái gì đó về tinh thần, họ tìm cách che đậy bằng cách lòe bịp thiên hạ bằng xảo ngôn, vậy mà cũng đánh lừa được một số người. Người thấm nhuần chất văn sẽ không dễ bị lừa bịp bởi những kẻ xảo ngôn, ác khẩu.
Học văn là học cách tu dưỡng, cách nói năng, học nghệ thuật ngôn từ, mà cũng là học nghệ thuật lắng nghe và im lặng.
Đôi khi chỉ cần một cái mỉm cười hay một cái nhếch mép, bĩu môi cũng đủ tỏ một thái độ. Tác phẩm nghệ thuật đích thực là những lời hay ý đẹp đến với ta như bông hoa kia làm nở trên môi ta một nụ cười.
Nụ cười trong im lặng, nhưng là im lặng của hiện hữu, vì đó là im lặng của hiệp nhất và hòa hợp. Văn học giúp ta tìm ra, dù chỉ một khía cạnh nào đó, ý nghĩa của đời sống, ý nghĩa của hiện hữu. Có thể nói văn học chân chính thắp sáng hiện hữu của chúng ta.
Không tung ném cái tôi của người viết để phủ chụp người đọc
Sáng tác và tiếp nhận văn học là chuyện cá nhân, gắn với cái tôi. Nhưng có tôi mà cũng có chúng ta, có ta mà cũng có người.
Trong ta có người và trong người có ta. Văn học biểu hiện và phơi bày cái tôi, nhưng trong chừng mực nào đó văn học không nên tung ném cái tôi của người viết để phủ chụp lên người đọc, tra tấn người đọc bằng những rối loạn và hoảng loạn của người viết. Văn bản dạy trong trường phổ thông cần chú ý đến điều này.
Cuộc đời có cả cái đẹp lẫn cái xấu, cái thiện lẫn cái ác, ánh sáng lẫn bóng tối. Tuổi thiếu niên chưa cần nhà trường cung cấp kinh nghiệm về cái ác, cái xấu và bóng tối. Khi ra đời, cuộc sống sẽ dạy họ điều đó.
Điều họ cần bây giờ là nhà trường trang bị cho họ điều thiện và cái đẹp để họ có sức mạnh ứng phó với cái ác và cái xấu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận