16/10/2013 06:30 GMT+7

"Học văn để sống - sống để yêu thương"

NGỌC TRƯỜNG
NGỌC TRƯỜNG

TT - “Học văn để sống - sống để yêu thương” là tên dự án dạy văn được cô Nguyễn Minh Ngọc triển khai thành công cho học sinh của mình.

O0iKiylX.jpgPhóng to
Cô Ngọc trao đổi với học sinh về dự án - Ảnh: Ngọc Trường

Dự án đã đưa học sinh tiếp xúc trực tiếp với những cảnh đời khác nhau trong xã hội, và để các em kể lại điều chính mình cảm nhận được. Đó là cách 35 học sinh lớp 9a3 Trường Đinh Thiện Lý (Q.7, TP.HCM) học cách viết văn tự sự đầy sống động. Dự án được cô Ngọc lên ý tưởng từ tháng 7 và vừa kết thúc cuối tháng 9-2013.

Cho học sinh trải nghiệm cuộc sống

Lớp được chia làm năm nhóm đến chùa Long Hoa, viện dưỡng lão Vinh Sơn, xóm rác Sở Thùng, Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, chùa Lá để trải nghiệm. Nhưng trước đó dự án đã chuẩn bị cho các em kiến thức về thể loại văn tự sự, chụp ảnh photo voice (kể lại câu chuyện bằng ảnh) và tìm hiểu về những giá trị sống như yêu thương, sẻ chia... Trong mỗi nhóm, các thành viên được phân vào những vai cụ thể gắn liền với nhiệm vụ của mình: phóng viên trẻ, người kể chuyện, người thiết kế mỹ thuật, nhà hoạt động xã hội, người khảo sát, người thuyết trình, nhiếp ảnh gia...

Năm điểm đến là nơi các nhóm thu thập chất liệu cho bài văn chung. Cả một ngày từ sáng đến chiều, các em vui chơi cùng những bạn nhỏ mồ côi, lắng nghe tâm sự của các bạn khiếm thị, hỏi han hoàn cảnh của gia đình làm nghề hốt rác, giặt giũ, chăm sóc cho các cụ ở viện dưỡng lão.

Để cuối cùng trong bài viết của mình, các em kể về giấc mơ của cậu bé mồ côi chỉ ước có được một đôi giày vải để chơi bóng đá không bị đau chân. Các em biết được mình may mắn vì đủ đầy trong khi còn quá nhiều bạn nhỏ thiếu thốn. Hay các em được nhìn tận mắt màu da đen sạm vì nắng và vết chân chim nơi khóe mắt của ông lão làm nghề hốt rác, chứ không chỉ là tưởng tượng nỗi khổ cực của những người lao động nghèo khó. Năm bài văn tự sự cuối cùng không chỉ là hiểu biết hơn của các em về cuộc sống mà còn đong đầy những tình cảm mới mẻ.

“Em thấy mình biết cách sống hơn, dễ thông cảm và biết chia sẻ với người khác. Những cách làm văn thiếu cảm xúc thật của em trước đây giờ đã khác khi được tận mắt nhìn, nghe và kể lại” - Dương Thị Phương Anh - người thuyết trình của nhóm đến xóm rác Sở Thùng - tâm sự.

Còn Hồ Hoàng Oanh - người phụ trách viết kế hoạch giúp đỡ gia đình ông Hải làm nghề hốt rác - xúc động: “Cuộc sống phong phú quá. Nghèo khó không khiến con người ta trở nên ít đáng quý trọng hơn”.

TP.HCM phồn hoa, náo nhiệt trong mắt nhiều thành viên lớp 9a3 sau buổi trải nghiệm này thật sự đã đổi thay rất nhiều, sống động hơn với những yêu thương, sẻ chia từ chính các bạn học sinh.

Tâm huyết của một nhà giáo

Cô Ngọc từng là học sinh chuyên văn, rồi theo chuyên ngành văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường, cô về dạy tại một trường ở Nghệ An. Những tiết văn của cô thường được học trò thích thú vì ít khi đọc chép. Xoay quanh các tác phẩm cô dẫn chứng thêm nhiều thông tin, chi tiết thú vị có liên quan. Có tiết học cô còn đem trắc nghiệm, giải ô chữ, thi bình thơ văn, thả tranh bình thơ... để học sinh ôn tập cả thời kỳ văn học trung đại mà không nhàm chán. Chuyển công tác vào TP.HCM, cô có cơ hội để đưa nhiều hơn những tìm tòi mới mẻ của mình vào giáo án.

Cô Ngọc vừa làm giáo viên chủ nhiệm lớp 9a3, vừa dạy học hai khối 9 và 12, dạy học sinh giỏi văn của trường. Tất bật với công việc, nhưng trăn trở tìm cách để học sinh thích học văn hơn là động lực để cô dành thời gian cho dự án. “Học sinh hiện nay chán học văn. Có nhiều em nói với tôi không thể cảm thông được với nhân vật, tác phẩm. Nhưng môn văn đâu chán vậy, chỉ là giáo viên chưa tìm ra được con đường để đưa văn đến với học sinh thôi” - cô tâm sự.

Kết quả của dự án là thay vì chỉ nhận được những bài văn tưởng tượng, cô Ngọc đã có những bài viết chân thật, đong đầy cảm xúc, nhiều trải nghiệm của học trò. “Điều tôi thấy hạnh phúc nhất chính là sự lớn lên của tâm hồn các em” - cô Ngọc tự hào.

Dự án của cô Ngọc đã được chia sẻ cho các thầy cô dạy văn khác trong toàn trường và sẽ được nhân rộng áp dụng ở học kỳ II của năm học này.

NGỌC TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp