05/11/2024 08:31 GMT+7

Học và làm đường sắt sẽ là ngành 'hot'?

Trong bối cảnh nhiều dự án đường sắt sắp triển khai, đặc biệt là đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến cần hơn 220.000 người, việc gấp rút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành nhiệm vụ hàng đầu của ngành giao thông vận tải.

Học và làm đường sắt sẽ là ngành "hot"? - Ảnh 1.

Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam là nền tảng để phát triển đất nước giai đoạn mới - Ảnh: minh họa - ChatGPT

Đây cũng là vấn đề được nhiều bạn đọc muốn hoạch định tương lai cho mình cũng rất quan tâm.

Cũng từ việc nắm bắt thời cơ phát triển đường sắt, giữa tháng 10-2024, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã thành lập Viện đường sắt tốc độ cao để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các dự án sắp tới.

Đào tạo 3 loại hình, 4 cấp và 5 chủ thể

Theo ông Vũ Hồng Phương - giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải), đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình lập dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

"Để vận hành và khai thác hiệu quả, chúng ta cần phải có một lộ trình đào tạo cụ thể và bài bản. Đội ngũ nhân sự phải được chuẩn bị ngay từ đầu để tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại" - ông Phương khẳng định.

Ông Phương cho biết các tư vấn đã đề xuất ba loại hình đào tạo, bốn cấp trình độ và năm chủ thể tham gia. Các loại hình đào tạo bao gồm: đào tạo trong nước, đào tạo ở nước ngoài và kết hợp giữa trong và ngoài nước.

Đối với cấp trình độ, hệ thống đào tạo sẽ chia thành bốn cấp: công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ.

Đặc biệt, năm chủ thể tham gia đào tạo gồm cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý dự án (khoảng 700-1.000 nhân sự), đơn vị vận hành khai thác (dự kiến đào tạo 13.800 nhân sự), các cơ sở đào tạo và các viện nghiên cứu.

"Nhà thầu xây dựng, các tổ hợp công nghiệp thi công xây dựng, chế tạo vật tư linh kiện theo kế hoạch, chúng ta có thể tiếp cận công nghệ theo lộ trình cần 220.000 người.

Với quy mô và yêu cầu kỹ thuật phức tạp của dự án, Bộ Giao thông vận tải đã giao các đơn vị lập đề án riêng về đào tạo nguồn nhân lực từ sớm ngay khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư" - ông Phương nói.

Học và làm đường sắt sẽ là ngành "hot"? - Ảnh 2.

Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có chiều dài 1.541km - Ảnh: minh họa - Chat GPT

Các trường đón đầu xu hướng

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho hay từ năm 2008 trường đã bắt đầu đào tạo ngành đường sắt metro.

Những năm qua, trường đã trực tiếp và cử nhiều đoàn công tác đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu để tìm hiểu về đường sắt tốc độ cao. Đây chính là thời điểm chín muồi nhất để nhà trường bắt đầu đào tạo về đường sắt tốc độ cao.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết Bộ Giao thông vận tải đang định hướng xây dựng và phát triển nhân lực ngành đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú trọng đào tạo nhân lực cho đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và kết cấu hạ tầng giao thông.

Riêng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến cần nguồn nhân lực rất lớn.

Để triển khai dự án này, theo ông Tuấn, công tác chuẩn bị nguồn nhân lực rất quan trọng từ đầu tư, thi công đến vận hành, công việc này cần nhiều thời gian.

Cần phải tập trung đào tạo từ sớm để nâng cao tính chủ động, nhanh chóng đào tạo đội ngũ nhân lực quản trị, vận hành, và áp dụng công nghệ hiện đại, số hóa toàn bộ hệ thống. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các đơn vị đào tạo.

"Để tận dụng tối ưu các lợi thế sẵn có, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi từ các quốc gia tiên tiến và tiếp thu những bài học thực tiễn từ các dự án tương tự.

Sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng sẽ tạo cơ hội trải nghiệm thực tế, qua đó hỗ trợ quá trình chuyển giao công nghệ và ứng dụng hiệu quả vào hệ thống giao thông hiện đại của Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Các nước phát triển đường sắt tốc độ cao ra sao?

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhiều quốc gia đều có chương trình phát triển quốc gia về nguồn nhân lực, công nghiệp đường sắt để sẵn sàng cho việc đầu tư, phát triển.

Trong đó, căn cứ quan trọng để lựa chọn mức độ phát triển công nghiệp đường sắt là quy mô thị trường và trình độ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ như luyện kim, cơ khí chế tạo, tự động hóa...

Về công nghệ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý tự phát triển, làm chủ hoàn toàn. Còn Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha nhận chuyển giao và tiến tới làm chủ. Kinh nghiệm tại Trung Quốc cho thấy họ mua tất cả các công nghệ đường sắt tốc độ cao trên thế giới để ứng dụng và tự phát triển thành công nghệ của mình.

Để tiếp nhận, làm chủ và phát triển công nghệ, Trung Quốc đã huy động một lực lượng nhân lực khổng lồ lên tới 25 trường đại học, 11 viện nghiên cứu và 51 trung tâm nghiên cứu kỹ thuật (khoảng 68 viện sĩ, 500 giáo sư và hơn 10.000 kỹ sư).

Hàn Quốc tiếp nhận công nghệ từ Pháp và sau đó thành lập một cơ quan nghiên cứu bao gồm các trường ĐH và các công ty tư nhân để nghiên cứu, phát triển các loại tàu cao tốc. Còn Tây Ban Nha sử dụng công nghệ nước ngoài. Sau 10 năm, nước này đã làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao và đến nay đã xuất khẩu, chuyển giao sang nhiều nước.

Không làm chủ công nghệ, mời chuyên gia rất tốn kém

Trước đây ngành đường sắt từng triển khai dự án hiện đại hóa tín hiệu Vinh - Sài Gòn thuộc tuyến đường sắt Thống Nhất (giai đoạn 1) do một doanh nghiệp đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu với tổng vốn đầu tư 2.423 tỉ đồng.

Từ dự án này, các nhà ga trên tuyến được lắp đặt thiết bị tín hiệu điện khí tập trung 6502. Sau một thời gian sử dụng, nhất là sau giai đoạn hết bảo hành, một số bất cập đã xảy ra.

Một số ga đã được đầu tư thêm đường, kéo dài đường ga nhưng khó cải tạo đồng bộ hệ thống tín hiệu điện khí tập trung 6502 vì không làm chủ được công nghệ.

Bởi lúc chuyển giao nhà thầu Trung Quốc không chuyển giao phần mềm đếm trục (thiết kế để ghi nhận vị trí đoàn tàu nằm trên đường ray) trong khi dự án đã hết thời gian bảo hành.

"Ngành đường sắt muốn cải tạo thiết bị để sử dụng hết chiều dài của đường trong ga lại phải phụ thuộc vào chuyên gia Trung Quốc, mà muốn mời chuyên gia phải tốn tiền. Do đó về lâu dài rất cần có nhân lực làm chủ được công nghệ" - một chuyên gia giao thông nói.

Quy mô dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.541km đi qua 20 tỉnh thành đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư. Chính phủ đề xuất thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025-2026, khởi công cuối năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến trong năm 2035.

Về quy mô, đây là ttuyến đường sắt đôi mới, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h vừa vận chuyển hành khách vừa đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 1,713 triệu tỉ đồng (tương đương 67,34 tỉ USD). Dự án được đầu tư công với nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc.

Trong quá trình xây dựng và vận hành sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện khi có nhu cầu.

Học và làm đường sắt sẽ là ngành "hot"? - Ảnh 3.Vì sao các nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không được đặt quá gần?

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết các nhà ga thuộc tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không được đặt quá gần để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp