Đan Tâm (hàng trên, thứ 4 từ trái sang) trong chuyến đi Singapore vừa qua - Ảnh: NVCC
Mùa hè, có sinh viên chọn về quê, có bạn chọn làm thêm, bạn chọn học thêm, học trả nợ. Nhưng cũng không ít bạn trẻ quyết chí bay ra nước ngoài để mở mang hiểu biết.
Những bài học khai mở tư duy
Phan Thị Đan Tâm - sinh viên năm cuối khoa báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - vừa hoàn tất những ngày tham gia diễn đàn sinh viên do ĐH Khoa học xã hội Singapore kết hợp với Quỹ Temasek tổ chức tại đảo quốc sư tử. Chương trình kéo dài 10 ngày, quy tụ 80 sinh viên từ 21 trường ASEAN.
Với chủ đề "Sức mạnh của mạng xã hội", diễn đàn mời những nhân sự từ các "ông lớn" như Google, Meta, TikTok, Twitter... đến để giúp mở rộng hiểu biết cho các bạn trẻ về mạng xã hội, tập trung vào ba vấn đề nổi cộm gồm Ngôn ngữ thù địch, Tin giả và Bạo lực trực tuyến. Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực truyền thông cũng góp mặt, giúp "bóc tách" những mặt tích cực, hạn chế và định hướng phát triển của mạng xã hội trong thời gian tới tại ASEAN.
Không chỉ dừng lại ở những lý thuyết, Tâm cho biết các nhóm còn bàn thảo những giải pháp để nâng cao nhận thức của người dân các nước về mạng xã hội. Nhóm của bạn đã lên một ý tưởng sử dụng chính mạng xã hội để lan tỏa những hiểu biết về cách thức nhận biết, phòng chống tin giả thông qua nền tảng của một số công ty, tổ chức lớn ở Singapore như SGAG, Air Amber.
Cùng đi trong chuyến trao đổi này, Nguyễn Lý Yến Nhi - sinh viên khoa quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - vô cùng ấn tượng với một nữ lãnh đạo người Ấn của Công ty Cyber Security (Singapore). Những lời giảng của cô chất chứa niềm tin vào sức mạnh của giáo dục có thể thay đổi cuộc sống của mỗi người. Cùng với đó, truyền thông cũng sẽ tạo động lực giúp xã hội tốt đẹp hơn.
"Cô dặn dò chúng mình rằng truyền thông không phải lúc nào cũng chỉ đưa những tin tức chấn động theo kiểu "câu view", thay vào đó nên góp phần vào kiểm chứng thông tin, hạn chế tin giả bằng cách áp dụng công nghệ mới. Cô đã truyền cảm hứng rất lớn cho chúng mình. Bản thân mình cũng đã quyết định sẽ theo làm cho một tổ chức xã hội nâng cao nhận thức về truyền thông sau khi tốt nghiệp" - Yến Nhi nói.
Tăng tốc sau đại dịch
Tự nhận là người thích ngao du, trong bốn năm học vừa qua, Yến Nhi đã bốn lần theo chân các chuyến giao lưu đến các nước Thái Lan, Trung Quốc và Singapore mỗi dịp hè. Con số này khá ấn tượng do hai năm qua, chuyện đi lại giữa các quốc gia gần như "đóng băng" bởi đại dịch.
"Mùa hè, mình luôn dành cho những chuyến giao lưu quốc tế. Mình quan niệm rằng thế giới ngoài kia còn rất bao la, rộng lớn, do vậy mình phải cố gắng hết sức để mở mang hiểu biết qua từng chuyến đi" - Nhi chia sẻ.
Trong khi đó, Lê Thị Thu Trang - sinh viên ngành marketing Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) - sẽ sang Malaysia vào đầu tháng 9 tới đây, hội ngộ với những bạn trẻ tại ĐH HELP (Malaysia). Khoảng 40 sinh viên từ các quốc gia sẽ cùng góp mặt trong nhiều hoạt động trao đổi học thuật trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tham gia những chuyến thực tế tại doanh nghiệp để xem cách vận hành của các tập đoàn lớn về marketing trong khu vực.
Trang nằm trong số ít những sinh viên thuộc Trường ĐH Quốc tế tham dự hành trình này - một trong những chuyến giao lưu đầu tiên của trường kể từ sau COVID-19. Trang chia sẻ nhận được học bổng cho lần xuất ngoại tới không hề đơn giản.
Trang cùng các đồng môn đã phải vượt qua nhiều vòng thử thách từ xét duyệt hồ sơ (CV) cho đến phỏng vấn, xử lý tình huống. Các bạn trẻ được chọn đều có thành tích học tập, hoạt động xuất sắc cùng khao khát đóng góp cho cộng đồng.
"Mình đã có hai năm để nghỉ ngơi rồi. Nên bây giờ mình nghĩ đã tới lúc tăng tốc để tận dụng hết những khoảng thời gian còn lại của thời sinh viên" - Trang nói.
Tình bạn khác màu da, ngôn ngữ
Với Phan Thị Đan Tâm, thành công lớn nhất sau chuyến đi Singapore vừa qua là gặp được những người bạn mới. Tâm thú nhận chưa bao giờ nghĩ rằng có thể thân thiết với bạn bè khác màu da, ngôn ngữ nhanh đến vậy. Thế nhưng, trong 10 ngày học tập, ăn uống, vui chơi cùng nhau, Tâm cảm thấy họ đã làm thân tự bao giờ, như không hề có bất kỳ rào cản nào.
Thậm chí, mọi người đều rất thích thú khi tự học thêm một số câu giao tiếp cơ bản của các tiếng khác nhau và biết thêm những điều thú vị của mỗi nước. "Sự thân thiện nhiệt tình của các bạn khiến mấy đứa Việt Nam tụi mình khóc sướt mướt vào hôm chia tay. Cho đến bây giờ, mình vẫn nhắn tin cho các bạn mỗi ngày để cập nhật về cuộc sống, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm ở Singapore" - Tâm nói.
Từ offline đến online
Phí Thị Ánh - sinh viên Trường Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) - nhận xét trong hai năm dịch giã vừa qua, các hoạt động kết nối với sinh viên quốc tế vẫn không bị đứt gãy. Những buổi gặp gỡ, hội thảo, hội nghị nghiên cứu khoa học mang tính "xuyên biên giới" được chuyển nhanh chóng từ offline sang online. Nhiều sự kiện giao lưu sinh viên nước ngoài của trường đã lôi cuốn các bạn từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự thông qua màn hình máy tính.
"Chúng mình đã được tôi luyện tinh thần không gì là không thể. Bây giờ, nếu tổ chức chương trình giao lưu sinh viên bằng bất kể hình thức trực tuyến hay trực tiếp, chúng mình đều làm được. Mỗi hình thức đều có cái hay riêng. Nếu vận dụng linh hoạt sẽ tạo thêm nhiều dịp học hỏi cho sinh viên chúng mình" - Ánh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận