17/01/2019 08:28 GMT+7

Học trước chương trình đại học, được không?

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TTO - Đây là thắc mắc của nhiều học sinh và phụ huynh sau khi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dự kiến thực hiện việc này năm 2019.

Học trước chương trình đại học, được không? - Ảnh 1.

Sinh viên khoa cơ khí động lực Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: N.HÙNG

Theo đó, học sinh đăng ký học trực tuyến môn học nhập môn kỹ sư ngành, sau đó nếu hoàn thành thi hết môn sẽ được công nhận điểm và được miễn môn học này khi trúng tuyển vào trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, nhận định "dự kiến này của trường như một hoạt động hỗ trợ hướng nghiệp, cho học sinh trải nghiệm chương trình, phương pháp giảng dạy, thi cử ở ĐH, có thêm nhận thức nghề nghiệp trước khi chọn trường, chọn ngành, chọn môi trường học tập... 

Trường chỉ dừng lại ở học phần nhập môn kỹ sư ngành với mục đích "giới thiệu tổng quát chương trình đại học, trang bị kiến thức, kỹ năng giúp người học biết được sẽ học các môn nào, cần năng lực gì, định hướng nghề nghiệp" chứ không mở rộng ra các học phần khác".

* Muốn mở rộng hình thức học sinh học trước tín chỉ sang các học phần khác thì sao, thưa bà?

- Nếu đặt dự kiến này trong các hoạt động tuyển sinh, hướng nghiệp thì có thể coi là quyền tự chủ của trường vì Luật giáo dục ĐH đã có quy định. Nếu tách ra khỏi mục đích trải nghiệm, hướng nghiệp thì chưa được quy định trong quy chế đào tạo, cũng chưa nên đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

* Được biết, trên thế giới, một số nước cũng đã cho phép học sinh phổ thông được học trước một số tín chỉ của ĐH với những điều kiện nhất định...

- Việc này không phổ biến, chỉ có ở một số nước như Hoa Kỳ, Úc... Hình thức đào tạo thường là học online, cũng có thể theo hình thức tập trung, thời gian học thường vào mùa hè (summer programs), trong kỳ nghỉ của học sinh THPT. Thời gian đầu mới thực hiện, điều kiện tham gia thường là các học sinh tốp đầu của trường THPT. 

Hiện cũng có một số trường ĐH mở rộng cho học sinh trung học khác, một số trường quy định độ tuổi, hoặc lực học... Có trường giới hạn số tín chỉ tối đa học sinh phổ thông được đăng ký... Một số trường cũng quy định điểm trung bình tối thiểu phải đạt được ở trường phổ thông.

Kết quả học tập của học sinh phổ thông sẽ được trường ĐH tổ chức khóa học đó công nhận nếu học sinh được tiếp nhận vào trường ĐH đó ở ngành phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT, hoặc ở các trường CĐ và ĐH khác nếu các trường đó công nhận.

* Vậy tại sao đến nay ở Việt Nam vẫn khó thực hiện việc này? Ngay cả phụ huynh, học sinh dù hào hứng nhưng cũng đầy lo lắng...

- Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, các trường đại học mới đang trong giai đoạn đầu của tự chủ, chương trình phổ thông đang cần giảm tải, văn hóa chất lượng mới bước đầu được xây dựng trong toàn hệ thống, trách nhiệm giải trình của các trường và thói quen yêu cầu cung cấp đủ thông tin để tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của người học đều đang dần hình thành nên chưa có ngay các quy định như ở một số nước phát triển.

* Khi đối chiếu với các quy định hiện hành, việc các trường đại học ở Việt Nam muốn cho phép học sinh phổ thông được học trước một số tín chỉ phải đảm bảo những điều kiện gì?

- Theo quy định của pháp luật, đầu vào của chương trình ĐH vẫn phải là người đã tốt nghiệp THPT nên hiện nay chưa có quy định về điều kiện để các trường ĐH cho phép học sinh phổ thông được học trước một số tín chỉ của chương trình ĐH. 

Dự kiến cho học sinh phổ thông trải nghiệm, hướng nghiệp thông qua việc cho phép thí sinh đăng ký và học online môn nhập môn kỹ sư ngành cũng cần phải đảm bảo các điều kiện như không gây ảnh hưởng đến quá trình học tập chương trình phổ thông của học sinh, môn nhập môn kỹ sư ngành không có môn học tiên quyết thuộc chương trình giáo dục ĐH...

Cần làm thí điểm, thận trọng

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT), nhìn một cách khái quát thì hệ thống giáo dục của Việt Nam dường như đang tách rời ba khối: giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH. Đây là điểm yếu xét về mặt nội dung và cấu trúc chương trình tổng thể.

Việc đào tạo một vài tín chỉ ở trình độ ĐH cho học sinh lớp 11, 12 hoặc cho sinh viên CĐ ở một số quốc gia đã thực hiện theo nguyên tắc không bắt buộc điều kiện tiên quyết khi học lấy tín chỉ và nguyên tắc liên thông. Mặt khác, quỹ thời gian thiết kế chương trình phổ thông vẫn đảm bảo để không gây quá tải cho học sinh khi theo học thêm các học phần để lấy tín chỉ.

Ở Việt Nam, điều này còn mới lạ. Bởi lẽ theo quy định luật pháp, để học ĐH, người học ít nhất có trình độ THPT hoặc tương đương. Nhưng luật pháp Việt Nam cũng chưa quy định rõ thế nào là chương trình đào tạo ĐH. Ví dụ có học phần thuộc về chương trình ĐH, nhưng khi đào tạo chỉ cấp tín chỉ cho học phần đó thì sao? Luật không quy định tín chỉ này thuộc chương trình ĐH hay không… Vì vậy, có người chưa tốt nghiệp THPT lại học một số học phần để lấy một vài kỹ năng ở trường ĐH hoặc CĐ.

Theo tôi, đây là chỗ vướng. Do đó, cần khuyến khích các trường ĐH gắn với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường CĐ, trung cấp). Với ĐH, tất nhiên cần làm thí điểm và thận trọng.

ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho phép học sinh lớp 12 học đại học

TTO - Thông tin này được hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM công bố tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh - Ngày mở lần 12 năm 2019.

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp