10/10/2023 09:48 GMT+7

Học trong căn nhà 4m², nóng không thể cột mùng

Căn nhà lọt lòng chừng 4m² ở một con hẻm giữa trung tâm TP.HCM, Phạm Lâm Như Nguyên đã tự luyện tiếng Anh.

Căn nhà 4  m²  tạm chia thành ba ngăn, Như Nguyên ở ngăn trên cũng là góc học tập và nơi ngủ - Ảnh: PH.QUYÊN

Căn nhà 4m² tạm chia thành ba ngăn, Như Nguyên ở ngăn trên cũng là góc học tập và nơi ngủ - Ảnh: PH.QUYÊN

Khả năng ngoại ngữ của cô bé khiến một tiến sĩ dạy ngoại ngữ ngạc nhiên. Và nữ sinh ấy đã sống "có lòng tự trọng" như cô giáo chủ nhiệm nhận xét.

Cô gái vượt khó vào đại học từ căn nhà 4 mét vuông

5h sáng. Hẻm 25 Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM) không bóng người, bóng xe. Trong căn nhà không thể đẩy lọt chiếc xe máy vào trong, Phạm Lâm Như Nguyên soạn ba lô. 

Cô gái với đôi kính cận lệch ba độ này bước vào những ngày đầu tiên làm sinh viên ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Học ngành gì cũng vậy, nếu mình học đúng, học tốt, cơ hội sẽ mở ra cho mình.

PHẠM LÂM NHƯ NGUYÊN

Học tiếng Tây Ban Nha vì học phí rẻ

Căn nhà có nhiêu đó diện tích được chia thành ba ngăn. Từ ngăn trên, Nguyên quay mặt vào thang gỗ, không tay vịn, bước hết tám bậc thì chạm ngăn giữa. Với chiều cao 1,68m, khi đặt chân đến bậc thang thứ bảy, mặt Nguyên vẫn còn ở ngăn trên.

Rồi Nguyên leo tiếp tám bậc thang nữa để xuống ngăn dưới đất, xỏ giày, đi hai bước tới bếp, hâm cơm và thức ăn nấu từ hôm qua cho vào hộp, mang đến trường.

Từ nhà, Nguyên cuốc bộ chừng 300m tới trạm xe buýt, chờ đón xe số 53. Xe chạy khoảng một giờ đồng hồ sẽ đến trường tại Khu đô thị ĐH Quốc gia ở TP Thủ Đức (TP.HCM). Chiều tan lớp, Nguyên lại lên xe buýt về nhà. Một ngày đến trường học tiếng Tây Ban Nha là như vậy.

Mỗi tối, Nguyên mở cái bàn xếp, cao một gang tay, bề ngang bốn tấc, bề dài sáu tấc, rồi cô gái ngồi xuống, lưng dựa vào vách nhà, hai chân đặt dưới bàn, học bài, làm bài nhiều khi đến nửa đêm - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Mỗi tối, Nguyên mở cái bàn xếp, cao một gang tay, bề ngang bốn tấc, bề dài sáu tấc, rồi cô gái ngồi xuống, lưng dựa vào vách nhà, hai chân đặt dưới bàn, học bài, làm bài nhiều khi đến nửa đêm - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nguyên dư điểm vào Trường ĐH Luật TP.HCM, có ngành ngôn ngữ Anh mà cô bé thích. TS Trương Tuấn Dũng (Dane Truong) với biệt danh tiến sĩ hướng nghiệp trên mạng, hướng Nguyên học luật hoặc tiếng Anh vì theo ông, Như Nguyên có tố chất phù hợp với hai ngành này.

Nhưng bà Lâm Soai Vân (41 tuổi) - mẹ Nguyên - lại tính khác ông Dũng. Bà nói: "Học phí trường luật 31 triệu đồng/năm. Học phí tiếng Tây Ban Nha 12 triệu đồng/năm. Hai mẹ con chọn trường có học phí rẻ".

Hằng ngày, bà Vân làm giúp việc nhà theo giờ. Nếu chọn trường có mức học phí 31 triệu đồng, bà phải làm trong bốn tháng rưỡi mới có đủ số tiền đó. Còn với trường 12 triệu đồng, bà cũng phải làm gần hai tháng.

Nguyên đã thức trắng một đêm vì lo không biết trong vòng năm ngày mẹ sẽ kiếm đâu ra 12 triệu đồng để nhập học. Bà Vân chạy đi vay của ba người mới đủ vì "nếu không nộp kịp học phí, con tôi đâu được nhập trường, phải đi vay mới đủ".

Học hết phổ thông là vào đời, rồi làm tạp vụ gồng gánh gia đình bốn người nên bà Vân không muốn con gái mình rồi sau này cũng có thân phận như bà. Vì vậy, năm học lớp 12 dù năm lần bảy lượt Nguyên nói sẽ đi làm buổi tối phụ mẹ nhưng bà Vân nhất quyết không cho.

Ngồi bệt học bài

Nguyên ở ngăn trên căn nhà. Mỗi tối, Nguyên mở cái bàn xếp, cao một gang tay, bề ngang bốn tấc, bề dài sáu tấc, rồi cô gái ngồi xuống, lưng dựa vào vách nhà, hai chân đặt dưới bàn, học bài, làm bài nhiều khi đến nửa đêm. 

Cũng trên cái bàn đó, khi chuyển qua phần tự học tiếng Anh, vì không có laptop, Nguyên dùng chiếc điện thoại cũ xài WiFi của nhà đối diện để luyện nói, nghe, đọc viết.

Ngày lại ngày qua, miếng giấy trang trí mặt bàn đã bong ra một bên, lộ cốt bìa các tông bên dưới, đồng thời thực học của Nguyên dần lộ ra. Ông Dane Truong vô hẻm 25 Cống Quỳnh mướn nhà, mở trung tâm luyện thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS và tư vấn du học.

Sau mấy lần tiếp xúc với Nguyên, ông nói: "Tôi ngạc nhiên vì gia đình khó khăn như vậy nhưng tiếng Anh của Nguyên rất tốt. Nếu thi IELTS, Nguyên đạt 6 chấm". Trong khi nhiều người từ không có chấm nào, muốn thi đạt IELTS 6 chấm phải học qua mấy khóa ở các trung tâm khoảng một năm, tốn cỡ 25 triệu đồng học phí, tài liệu...

Học xong, Nguyên xếp bàn, lấy chỗ nằm ngủ không mùng. Bà ngoại nhiều bệnh, mẹ, em trai Nguyên cũng không ngủ mùng. Nhiều năm rồi, cả nhà không ngủ mùng vì giăng mùng sẽ nóng không thể ngủ được.

Cô gái nhỏ rụt rè chỉ mỉm cười khi ở cạnh bà ngoại và mẹ - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Cô gái nhỏ rụt rè chỉ mỉm cười khi ở cạnh bà ngoại và mẹ - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Cái quạt điện cũ máng trên vách, quay cọt kẹt không thể đuổi hết muỗi, thành ra hai bắp chân em trai 8 tuổi của Nguyên lúc nào cũng chi chít dấu muỗi cắn. May là cả nhà chưa ai từng bị sốt xuất huyết hoặc bệnh do muỗi lây.

Bà Vân bảo "nhờ trời thương". Ngoài trời thương, bà kể tiếp nhà bà sống được là nhờ tình thương của hàng xóm và của phường, khu phố. Người cho gạo mắm, thịt thà, người kêu bà làm việc, phường và khu phố tặng học bổng, trợ cấp học sinh giỏi cho hai con bà, người ngó chừng mẹ bà lúc ở nhà một mình... Bà Vân nói nếu không có tình thương của những người xung quanh, bà "làm sao xoay xở nổi".

Có thể nói bà Vân, Nguyên, những người tốt bụng quanh mẹ con bà đã cùng xoay xở để Nguyên vào đại học. Bốn năm phía trước của Nguyên vẫn lửng lơ nỗi lo học phí nhưng cô bé đã xác định sẽ vừa học vừa làm.

"Giao việc cho Nguyên làm, tôi yên tâm"

* Nguyên biết thương cha mẹ. Nguyên có tố chất, thông minh, lanh lợi. Giao việc viết bài marketing, tư vấn cho Nguyên làm, tôi rất yên tâm.

TS TRƯƠNG TUẤN DŨNG (Dane Truong)

* Cha bỏ đi, cảnh nhà như vậy nhưng Nguyên chưa hề than thân trách phận. Nguyên chịu học, ngoan. Năm 2021, khi phong tỏa cứng vì dịch COVID-19, Nguyên cùng mẹ chạy xe ra ngoài để chở gạo, rau về cho bà con trong hẻm.

Ông PHẠM TUẤN THỨC (nhà ba đời ở hẻm 25 Cống Quỳnh)

* Như Nguyên là học sinh giỏi, biết cố gắng vượt khó, rất siêng năng, chăm chỉ, giỏi môn sử và địa, tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi cấp thành phố. Bạn ấy nhiệt tình với phong trào, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, có lòng tự trọng.

Cô giáo chủ nhiệm lớp 12 NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023

Trở lại giảng đường sau một năm đi bưng bê: "Sợ đến một ngày, không lo nổi học phí"Trở lại giảng đường sau một năm đi bưng bê: 'Sợ đến một ngày, không lo nổi học phí'

Một năm trước, cô gái xứ Thanh lựa chọn dừng bước trước ngưỡng cửa đại học. Bố mất, mẹ bệnh, Huyền còn hai em nhỏ, không có tiền đóng học phí, cô không còn lựa chọn nào khác!

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp