15/08/2019 10:15 GMT+7

Học trò vùng mưa lũ chật vật vào năm học mới

DOÃN HÒA - HÀ ĐỒNG - N.HÙNG - S.LÂM - D.KHÁNH
DOÃN HÒA - HÀ ĐỒNG - N.HÙNG - S.LÂM - D.KHÁNH

TTO - Khoảng 1.100 học sinh Cà Mau đang cần được hỗ trợ tập vở, quần áo cho năm học mới, trong khi tại Thanh Hóa, nhiều trường học bị mưa lũ làm hư hại, học sinh phải học tạm ở nhà văn hóa...

Học trò vùng mưa lũ chật vật vào năm học mới - Ảnh 1.

Nhà cửa bị sập nên các em học sinh tại ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đang gặp khó khi chuẩn bị năm học mới - Ảnh: N.HÙNG

Ở những nơi khác, địa phương, thầy cô và phụ huynh cũng gấp rút chuẩn bị cho các em bước vào năm học mới.

Cà Mau: 1.100 học sinh cần được hỗ trợ

Ông Huỳnh Hoàng Tương - chủ tịch UBND xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau - cho biết do bị ảnh hưởng bởi mưa dông, lốc xoáy đã làm gần 60 căn nhà trên địa bàn sập và tốc mái. Ngoài ra, nước biển dâng cao bất thường tràn qua đê cũng gây nhiều thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân ven biển.

Vì vậy, bước vào năm học mới, rất nhiều học sinh trên địa bàn Khánh Hội gặp khó khăn, cần được hỗ trợ sách vở, cặp, phương tiện đi lại... Chưa kể những em học sinh thuộc diện 229 hộ nghèo của xã.

Tương tự, tại xã ven biển Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) cũng bị thiệt hại nhiều bởi thiên tai. Ông Đoàn Chí Tâm - chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây - cho biết nhiều cha mẹ học sinh lo lắng trong việc chuẩn bị năm học mới cho các em. Hiện xã đang kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cho khoảng 250 em học sinh về tập vở, quần áo cho năm học mới.

Theo ông Trần Hoàng Lạc - trưởng Phòng GD-ĐT huyện U Minh, trên địa bàn huyện vốn đã khó khăn, nay do bị ảnh hưởng thiên tai những ngày vừa qua nên càng khó thêm. Thống kê bước đầu có khoảng 1.100 học sinh cần được hỗ trợ.

Tại tỉnh Kiên Giang, thông tin từ UBND huyện Phú Quốc cho biết sau ngày tựu trường 12-8, tất cả các cấp học phổ thông trên địa bàn huyện hiện đã nhập học bình thường. Các trường học trên địa bàn huyện Phú Quốc cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt ngập lụt vừa qua, nên học sinh và giáo viên đã bắt đầu một năm học mới thuận lợi.

Cô Lê Thị Thu Vân - tổng phụ trách Đội Trường tiểu học An Thới 2 - cho biết dù chưa chốt danh sách nhưng sĩ số học sinh của trường năm nay tăng hơn năm ngoái khá nhiều do các em theo cha mẹ đến đây làm ăn. Trong khi đó, dãy phòng học mới phải hết học kỳ 1 mới xây dựng xong nên sĩ số các lớp chắc sẽ cao, nhưng vì quyền lợi của học sinh nên nhà trường sẽ nhận hết.

"Rất may ngay từ đầu năm nhà trường luôn nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, nên công tác chuẩn bị cho năm học mới cơ bản đã hoàn tất" - cô Vân chia sẻ.

Thanh Hóa "chạy đua" sau mưa lũ

Học trò vùng mưa lũ chật vật vào năm học mới - Ảnh 2.

Dọn dẹp bùn đất tại Trường mầm non Na Mèo 2, huyện Quan Sơn - Ảnh: H.Đ.

Tại huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa, mưa lũ đã làm hư hỏng nặng 10 trường học của huyện gồm 5 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường TH&THCS, 1 trường THCS. Khu trường tiểu học ở bản Son, xã Na Mèo bị mưa lũ phá sập, không thể sử dụng được.

Ngay sau khi nước lũ rút, giáo viên, phụ huynh học sinh, học sinh và người dân địa phương đã chung tay dọn dẹp bùn đất, đến nay các trường học nơi lũ dữ tràn qua đã sạch sẽ, gọn gàng.

Hiện Phòng GD-ĐT huyện Quan Sơn đang triển khai gấp việc xây dựng phòng học lắp ghép bằng sắt thép, tôn chống nóng, chống ồn, dự kiến làm xong trong một tuần tại bản Xa Ná, xã Na Mèo để học sinh tiểu học của bản Son và bản Xa Ná có chỗ ngồi học ngay đầu năm học mới này.

Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện, hơn một tuần qua, nhiều nhà hảo tâm đã tặng học sinh vùng lũ Quan Sơn quần áo mới, cặp sách, đồ dùng học tập cá nhân, xe đạp đến trường.

Tại huyện vùng cao, biên giới Mường Lát - nơi có 9 trường học bị thiệt hại nặng (gồm 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường THCS), việc dọn dẹp bùn đất cũng được các trường gấp rút triển khai suốt một tuần qua.

Hiện khu lớp học mầm non ở bản Pọong, xã Tam Chung và khu lớp học mầm non ở bản Co Cài, xã Trung Lý chưa thể sử dụng được nên phòng đã mượn nhà văn hóa của bản để các cháu mầm non học nhờ đến khi có phòng học mới.

Bên cạnh đó, những ngày qua các thầy cô giáo ở vùng cao Mường Lát còn tích cực đến các bản vùng sâu vùng xa tuyên truyền, vận động đồng bào đưa trẻ mầm non đến trường đúng độ tuổi, đưa học sinh lớp 1 nhập học đúng kế hoạch đề ra.

Nghệ An: phụ huynh dựng ký túc xá cho con

phu huynh dung phong hoc

Phụ huynh dựng phòng ký túc xá cho con em từ cây lá trong nhà - Ảnh: ĐÌNH TUÂN

Những ngày cận kề năm học mới 2019-2020, các phụ huynh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) tự nguyện góp công và vật liệu làm ký túc xá cho con em mình.

Do nhà xa, nhiều phụ huynh ở các bản như Pủng, Xoóng Con, Lưu Thông, Lưu Phong cẩn thận mang tre, nứa, tranh, lá cọ đến tập kết từ những ngày trước. Mỗi người một việc, người làm liếp giường, người thưng phên, lợp nhà.

Các phụ huynh nam đảm nhiệm dựng khung, đóng sàn; còn các bà, các mẹ làm những việc nhẹ hơn như chẻ lạt, buộc hàng rào, đan tranh.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhung - quyền hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền - chia sẻ từ tháng 7-2018, trường được chuyển đổi thành bán trú để thuận lợi cho con em vùng sâu vùng xa theo học. Tuy nhiên, cơ sở vật chất nhà trường còn rất nhiều thiếu thốn, nhất là chỗ ở của các em.

Khoảng hai năm nay, cứ bắt đầu bước vào năm học mới, phụ huynh lại cùng nhau đóng góp tre, nứa, gỗ làm ký túc xá cho con em mình ở. "Ngoài tu sửa và dựng mới, phụ huynh còn giúp nhà trường trồng hoa, tạo cảnh quan xanh sạch đẹp" - cô Nhung cho biết.

Năm học 2019-2020, Nghệ An bắt đầu tựu trường vào ngày 19-8. Một trong những hoạt động được ngành giáo dục Nghệ An triển khai trong năm học này là chống rác thải nhựa và nói không với sản phẩm nilông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Bà Hoàng Phương Thảo - trưởng Phòng GD-ĐT TP Vinh - cho biết các trường học ở TP Vinh sẽ không sử dụng bóng bay trong ngày lễ khai giảng và các hoạt động tập thể khác diễn ra trong năm; tổ chức thu gom, phân loại sản phẩm từ nhựa, bao bì, túi nilông gắn liền với phong trào tiết kiệm sinh thái mỗi tháng.

Theo thống kê, năm học 2019-2020, Nghệ An đang còn 1.255 phòng học tạm, mượn. Từ nay đến năm 2020, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 phòng học cần được đầu tư kiên cố hóa.

Người dân Phú Quốc chạy lũ xin về nhà để con đi học Người dân Phú Quốc chạy lũ xin về nhà để con đi học

TTO - Những hộ dân chạy lũ đang tá túc tại Đồn biên phòng An Thới, Phú Quốc đã năn nỉ được trở về nhà để kịp lo cho con cháu nhập học vào sáng nay.

DOÃN HÒA - HÀ ĐỒNG - N.HÙNG - S.LÂM - D.KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp