27/07/2019 06:15 GMT+7

Học trò 'tấn phong' tôi là... 'thầy giáo hot boy'

ThS LÊ VĂN HIẾN (Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
ThS LÊ VĂN HIẾN (Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

TTO - Tôi đi dạy 13 năm, nhiều học trò ra trường, thời gian sau trở lại thăm tôi vẫn hay bảo: "Thầy trẻ lâu quá!". Tôi chỉ biết cười và giải thích: "Nhờ thể dục đó con".

Học trò tấn phong tôi là... thầy giáo hot boy - Ảnh 1.

Tác giả trên bục giảng và trong phòng tập gym - Ảnh: NVCC

Với tôi, đó còn là lời khuyên với các trò đã đi làm: dù làm gì cũng đừng quên tập thể dục, chơi một môn thể thao yêu thích, phù hợp sức khỏe…

"Thầy giáo hot boy" - đây là "danh hiệu" học trò "tấn phong" cho tôi kể từ khi tôi có nhiều thay đổi về ngoại hình thông qua quá trình tập luyện bền bỉ mỗi ngày. Trước đó tôi thường bệnh rề rà như cảm lâu hết, đặc biệt thường xuyên viêm họng. Đó có lẽ là một trong những bệnh nghề nghiệp của tôi và nhiều đồng nghiệp khác, do nói nhiều mỗi ngày và tiếp xúc với bụi phấn...

Thời gian từ năm 2011-2015, tôi là giáo viên môn hóa ở Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Với nhiệt tâm cũng như ỷ lại vào tuổi trẻ của mình, ngày nào tôi cũng dạy từ sáng cho đến tối. 

Với tần số lên lớp, giảng bài, đặc biệt là đứng trên bục giảng quá nhiều, tôi bị gai gót chân. Đỉnh điểm là năm 2016, mỗi ngày đứng lớp của tôi khá mệt mỏi, đau gót chân rất khó chịu. Tôi đi khám và bác sĩ đề nghị tôi nên giảm bớt đứng lớp và năng tập thể dục, chơi thể thao.

Mang lời khuyên của bác sĩ về, tôi quyết tâm thay đổi. Tự nghĩ, là thầy giáo hay làm gì thì cũng cần phải khỏe, khi có sức khỏe thì mình mới có tinh thần để làm việc tốt, ở đây - với tôi là truyền cảm hứng học tập cho học trò qua những bài giảng. Thế là tôi bắt đầu lên kế hoạch tập luyện. Bữa nào có tiết buổi sáng tôi sẽ tập buổi chiều, có tiết cả ngày thì tôi tập buổi tối, cứ thế, hễ rảnh là xếp thời khóa biểu tập vào, ít nhất một tiếng.

Đầu tiên, tôi chọn tập ở một phòng tập gym gần nhà, tập nhẹ theo hướng dẫn của một PT (HLV tại phòng gym). Những bài tập từ nhẹ đến nặng và nâng cao dần lên đã giúp tôi khỏe ra từng ngày, khắc phục những mệt mỏi thường xuyên sau mỗi buổi đứng lớp trước đó.

Sau một năm tập luyện, ngoài tập gym tôi còn đến công viên chạy bộ. Sau đó tôi còn sắm cho mình một xe đạp để tối tối về muộn thì xách ra đạp lòng vòng trong hẻm gần nhà mình ở Thủ Đức. Cuộc sống có tập luyện thể dục làm tinh thần tôi thoải mái, đặc biệt là chứng đau gót chân do gai dần biến mất lúc nào không hay.

Thể dục ngoài kết quả "thần kỳ" về sức khỏe còn làm tôi tăng cân nhẹ, so với chiều cao 1,74m của mình là một dấu hiệu khiến tôi… cân đối, đẹp ra. Do vậy, việc chọn đồ để mặc cũng dễ dàng hơn, tự tin hơn so với trước. Sự tự tin từ sức khỏe đến hình thể là một chất xúc tác giúp tinh thần được nâng lên, tôi nghĩ đó là sự tịnh tiến đương nhiên, bổ túc cho nhau trong sự thay đổi của một người.

Có lẽ nhờ vậy mà lúc nào trong lòng tôi cũng hoan hỉ, dẫn tới lúc nào cũng rạng rỡ trên khuôn mặt. Mà ông bà mình nói "một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ", tôi nghĩ đó là lý do tôi trẻ lâu theo lời khen của học trò cũ. Nhiều bạn bè khi nói chuyện với tôi đều nhận được lời khuyên về việc tập luyện thể dục, chơi thể thao.

Tôn chỉ sống của tôi là "sức khỏe là món quà mà chính mình phải vun bồi". Thực sự là như thế, sức khỏe không tự dưng mà có. Tôi nói miết, rồi cũng… đăng hình tập luyện miết trên Facebook, Zalo nên dần dà bạn bè, học trò tôi có động lực tập theo. Nhiều người sau khi đi tập đã nhắn tin "thông báo" là thấy bạn đi tập hay thấy thầy tập đẹp nên bắt chước, tôi rất vui.

Mùa hè này tôi đã thực hiện hai chuyến phượt ý nghĩa với mình: đó là chinh phục cung đường Tà Năng - Phan Dũng (Lâm Đồng) trong hai ngày một đêm, lần đầu trải nghiệm và đi ra Tây Bắc, đến Quảng Ninh, Ninh Bình - leo lên Yên Tử, khám phá cố đô Hoa Lư… Hai hành trình đó liên tục trong nửa tháng nhưng không làm tôi cảm thấy mệt vì nhờ trước đó đã tập luyện chạy bộ, tập gym mỗi ngày.

Tôi nghe bác sĩ nói việc tập luyện các môn thể thao giúp cơ thể tiết ra endorphin, một nội tiết tố giúp tinh thần sảng khoái. Có lẽ vì thế mà tập thể dục cũng "ghiền", nhưng "ghiền" thể dục còn hơn ghiền ngủ, ghiền ăn mà lười vận động. 

Mới đây, đi khám sức khỏe tổng quát, mọi chỉ số của tôi đều ổn, bác sĩ dặn dù có tốt thì cũng đừng quên khám định kỳ. Tôi tuân thủ chỉ định này, mỗi năm 2 lần khám, kết quả báo về tôi vui và má tôi ở nhà cũng hoan hỉ.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi

Bài viết bằng chữ tiếng Việt, độ dài tối đa 1.000 chữ, kể lại những câu chuyện có thật, có bài học sâu sắc, có tính lan tỏa tích cực đến cộng đồng.

Cuộc thi kết thúc và trao thưởng trong tháng 9-2019. Các giải thưởng giá trị bao gồm: giải nhất 20 triệu đồng, giải nhì 10 triệu đồng, 2 giải ba mỗi giải 5 triệu đồng và 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng.

Cuối mỗi bài viết xin ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ. Bài thi gửi về: Báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: [email protected].

Bài dự thi (cùng ảnh hoặc clip nếu có) gửi qua email, xin ghi: Bài dự thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình".

logo herbalife

Tập thể thao để con không còn thiếu vòng tay của bố

TTO – Giờ đây, bế con trên tay mà tôi vẫn không cầm được nước mắt. Tội nghiệp, tội nghiệp đứa con bé bỏng từng thiếu vòng tay của bố bởi tôi không đủ sức khỏe bế con được vài phút.

ThS LÊ VĂN HIẾN (Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp