08/03/2017 11:30 GMT+7

Học trò nghỉ học, sao "vỡ òa niềm vui"?

LƯƠNG VĂN BÁ
LƯƠNG VĂN BÁ

TTO - Sáng sớm, tôi đọc tờ Tuổi Trẻ như thường lệ. Đến trang Giáo dục, thấy bài “Thầy và các bạn vẫn đợi em ở cửa lớp”, tôi vừa đồng cảm với thầy Ninh Văn Dậu (giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Gia Lai), vừa giận chuyện xảy ra tại trường chúng tôi mới đây.

Chuyện như thế này: Có một em nữ sinh, cả năm lớp 7 và học kỳ 1 lớp 8 em có học lực trung bình. Em sống với ông bà ngoại, vì mẹ em phải lo đi làm ăn ở xa.

Từ hoàn cảnh đó, em khá ương ngạnh. Khi đến lớp em không tập trung học, về nhà thì ông bà ngoại đã già, quản em không nổi. Em đã liên kết với các học sinh cùng lứa tuổi ở vài trường lân cận, tạo thành một “thế lực” để có thể “quản lý” các bạn trong lớp, trong trường.

Có một vài lần ban giám hiệu trường tôi đã mời phụ huynh em đến viết cam kết, rồi nhiều lần giáo viên chủ nhiệm đề nghị em viết kiểm điểm, cam đoan không tái phạm... Tất cả những điều này em đều thực hiện, nhưng rồi vẫn chứng nào tật nấy!

Thế rồi trong cuộc họp của trường hôm thứ năm vừa qua, thầy hiệu trưởng thông báo: trong tuần này sẽ có một học sinh bỏ học giữa chừng, đó là em nữ sinh kia.

Nghe thế, vài giáo viên có biểu hiện giống như “vỡ òa niềm vui”, vì từ nay không ngại khi vào lớp của em gái này nữa.

Tôi thật sự tiếc, vì hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm lớp em học tuyên bố “chịu thua” với em, đồng nghĩa với việc nhà trường đã thất bại trong nhiệm vụ của mình.

Qua câu chuyện “chịu thua” này cho thấy tất cả việc làm của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm đều chỉ là câu chuyện hành chính. Viết cam kết, viết kiểm điểm là cách mà đại bộ phận chúng ta đang thực hiện trong nền giáo dục này. Chính vì vậy mà tôi mới ngưỡng mộ thầy giáo ở Gia Lai...

Trở lại chuyện em học sinh lớp 8 của trường, hiện tại em đã nghỉ học. Ban giám hiệu, chi đoàn, giáo viên chủ nhiệm đã “thành công” trong việc cho em học sinh này nghỉ học - với đủ lý lẽ, giấy tờ, với gần chục tờ cam đoan, cam kết mà em và phụ huynh em đã viết cho trường, cho cô giáo chủ nhiệm...

Như vậy, chúng ta nghĩ sao về hai cách hành xử từ hai nhà trường với hai học sinh có hoàn cảnh, cá tính khá đặc biệt nói trên? Em học sinh lớp 12A2 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Gia Lai) vẫn đang có cơ hội đến lớp, vì “Thầy và các bạn vẫn đang đợi em ở cửa lớp”.

Còn em nữ sinh lớp 8 mà tôi nhắc đến đã hết cơ hội quay lại trường. Chỉ vì các thầy cô và ban giám hiệu trường tôi đã “làm đúng quy trình”.

Tiếc lắm thay!

LƯƠNG VĂN BÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp