Phóng to |
Cuối tuần Hiếu về nhà cắt rau bán - Ảnh: B.T. |
“Mình phận nghèo, đâu dám nghĩ đến ngày cầm trong tay chục triệu bạc làm vốn liếng tăng gia sản xuất kiếm đồng lời nuôi con ăn học” - chị cười mà giàn giụa nước mắt.
Con nhà nghèo học giỏi
Hàng chục năm chí thú làm ăn, vợ chồng chị Trần Thị Hương dựng được căn nhà tranh vách đất ba gian trên bãi bồi giữa cánh đồng xóm Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước (Bình Định). Có mấy con heo làm vốn, đàn gà đủ để bán trứng đều đều mỗi phiên chợ quê, vợ chồng quanh năm lam lũ với ba sào ruộng nuôi ba đứa con gái ăn học. Tưởng mọi thứ sẽ bình yên trôi qua nhưng rồi liên tục sau hai mùa bão lũ ập xuống, căn nhà và mọi thứ tài sản có được bỗng chốc bị cuốn phăng theo dòng nước xiết. Cả nhà thoát chết nhưng trắng tay.
3 triệu đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ các hộ có nhà sập sau bão lũ chỉ đủ giúp vợ chồng chị Hương dựng một căn nhà trên nền cũ. Mấy sào ruộng bị sa bồi thủy phá, mảnh vườn nhỏ không còn sót cọng rau. Vợ chồng chị làm lại từ đầu. “Tài sản vợ chồng tui bây giờ chỉ là cái sổ hộ nghèo, phòng khi mấy đứa nhỏ đau ốm được trạm y tế cho thuốc uống. Vậy mà trời thương, con cái đứa nào cũng học giỏi” - anh Hồ Thường, chồng chị Hương, nói.
Ba năm trước con gái đầu Hồ Thị Quý Thu thi đậu vào Trường chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định. Năm lớp 11, Thu đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi văn của tỉnh. Bây giờ em chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học.
Cô giáo Lê Thị Kim Tuyết, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên văn của Quý Thu, vui mừng khi nghe gia đình Thu được trợ vốn “Tiếp sức nhà nông”. Cô Tuyết kể cuối năm lớp 10, Thu có một bài viết đăng trên báo kể câu chuyện xúc động của một gia đình học sinh nghèo, mùa đông mấy chị em không có áo ấm, ngồi co ro bên bếp lửa chờ ba mẹ về khi lũ dâng trắng đồng, thèm một bữa cơm trắng cá kho, ước ao có đôi dép mới và chiếc xe đạp đi học mỗi ngày... Cô giáo hỏi Thu sao tưởng tượng ra cảnh nghèo khó giỏi vậy, Thu rụt rè thưa: “Cô ơi, có tưởng tượng gì đâu, em ghi lại chuyện nhà em đó”. Từ đó ban giám hiệu nhà trường, hội phụ huynh học sinh và cô giáo chủ nhiệm lớp luôn tìm cách giúp đỡ, chia sẻ với Thu.
Phóng to |
Cậu sinh viên mồ côi
Dù nghèo và khó khăn nhưng Quý Thu vẫn còn ba mẹ, còn Nguyễn Thanh Hiếu, sinh viên khoa kỹ thuật - công nghệ (Đại học Quy Nhơn), mồ côi từ năm đầu đại học. Học kỳ I năm thứ nhất mẹ Hiếu mất. Còn đeo tang mẹ chưa đầy năm thì ba Hiếu lại ra đi. Các chị gái đã lấy chồng. Hiếu vừa đi học vừa xoay xở với sào rau muống. Không đủ trang trải hai bữa cơm mỗi ngày, Hiếu xuôi ngược làm gia sư. Nhà ở thôn Thanh Huy, xã Phước An, huyện Tuy Phước, Bình Định, cách trường 20km, vài ba hôm tranh thủ chạy về chăm sóc sào rau. “Gần năm nay giá rau có nhích lên một chút, em cũng tạm sống được, dạy thêm nữa để dành tiền sang năm đi thực tập và mua sách vở” - Hiếu kể.
Thương cậu học trò nghèo hiếu học, cô giáo Nguyễn Bùi Thùy Linh, giáo viên chủ nhiệm của Hiếu hồi học cấp III ở quê, thỉnh thoảng ghé cho tiền. “Khi thì cô cho vài trăm, tết thì cô cho năm trăm ngàn để may quần áo và đồ dùng học tập. May mà có cô Linh giúp đỡ chứ có lúc ngặt quá, rau ở nhà không bán kịp, cũng không ai kêu dạy kèm, cần mấy chục ngàn đồng ăn cơm mà em không biết mượn ai” - Hiếu kể. Kết quả năm thứ hai Hiếu đạt danh hiệu sinh viên giỏi của trường.
Nhà chị gái cũng ở gần, những ngày Hiếu không kịp về, nhờ chị chăm sóc sào rau muống. Các chị của Hiếu cũng nghèo khó. Chị Nguyễn Thị Phượng kể: “Trước khi mẹ mất nắm tay các chị dặn các con ráng góp sức nuôi em ăn học, nhưng ngặt nỗi mình cũng nghèo, đãi em bữa cơm ngon cũng khó. Ngày giỗ mẹ có miếng cá, miếng thịt nó gắp chia đều cho các cháu, nó chỉ ăn vội bát canh rồi chạy ra ruộng rau tát nước, bó rau đi bán, con trai nhưng chịu khó lắm”.
Hiếu mơ ước học xong sẽ quay về huyện làm việc. “Em mang ơn cô bác hàng xóm, mang ơn thầy cô ở quê, học xong em sẽ về quê làm việc. Quê nghèo nhưng em không muốn bỏ đi” - Hiếu nói.
2,1 tỉ đồng Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” do báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam, Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Bình Định tổ chức. Chương trình ngoài trao học bổng cho các em học sinh nghèo học giỏi còn trao vốn cho hộ nông dân sản xuất, chăn nuôi. Trong lần này, có 60 hộ nông dân ở hai huyện Tuy Phước và Hoài Ân được nhận vốn 10 triệu đồng/hộ cùng lượng thức ăn chăn nuôi trị giá 1,65 triệu đồng. Số vốn này người được nhận không phải trả lãi suất trong hai năm. Công ty GreenFeed cũng gửi tặng 60 hộ gia đình mỗi hộ một phần quà gồm 10 quyển tập, bút, đồng hồ treo tường; riêng 43 em học sinh xuất sắc sẽ nhận thêm phần thưởng trị giá 500.000 đồng. Tổng kinh phí toàn chương trình trên 750 triệu đồng. Toàn chương trình Công ty GreenFeed tài trợ 2,1 tỉ đồng cho nông dân Bình Định và Hưng Yên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận