31/07/2019 08:17 GMT+7

Học trò lớp 10, 11 đi Mỹ thi nghiên cứu khoa học

THẢO THƯƠNG thực hiện
THẢO THƯƠNG thực hiện

TTO - Tháng 6-2019, tại kỳ thi quốc tế Genius Olympiad diễn ra ở Mỹ, nhóm học trò trường công duy nhất ở TP.HCM là Trường THPT Gia Định đã mang về nhiều giải thưởng.

Học trò lớp 10, 11 đi Mỹ thi nghiên cứu khoa học - Ảnh 1.

Sau cuộc thi, nhóm học trò Trường THPT Gia Định (TP.HCM) chụp hình lưu niệm tại Mỹ

Tuổi Trẻ cùng trò chuyện với nhóm học sinh Lê Trung Nam, Bùi Việt Bách, Trần Nguyễn Nam Phương (lớp 10CH) và Mai Quang Minh (lớp 11A3.1) về quá trình các bạn trẻ tham gia "sân chơi" lớn này.

Khó khăn rèn thêm ý chí

* Bắt đầu từ đâu mà nhóm các em có ý tưởng vươn xa, tham gia thi ở sân chơi quốc tế?

- Lê Trung Nam: Khi mới vào lớp 10, em được nghe cô Khánh Vân, phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, giới thiệu về cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp TP, quốc gia, quốc tế.

Cô giới thiệu một cuộc thi quốc tế ở Mỹ có tên Genius Olympiad, chúng em nảy ra ý định và bắt đầu liên hệ với cô để thực hiện đề tài, tự apply (đăng ký) đến ban tổ chức cuộc thi, sau đó nhận thông báo từ Mỹ là đề tài đã được duyệt.

Phải mất đến 8 tháng, từ tháng 10-2018 đến tháng 6-2019, là khoảng thời gian để em ấp ủ nguyện vọng đến lúc lên đường đến "đấu trường" quốc tế.

- Bùi Việt Bách: Ở cấp II em có tham gia vài đề tài về môi trường mô hình nhỏ, quy mô cấp trường. Trong số sáu đứa chúng em có vài bạn từng tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, các cuộc thi nhỏ.

Khi nghe tên cuộc thi, như được "khơi mạch" lại, khiến em thấy thích thú. Và lâu nay chưa có học sinh trường công tham gia, chúng em bắt đầu nhảy vào thực hiện.

* Khi thực hiện, các em hẳn gặp phải những khó khăn. Cách nào để vượt qua?

- Mai Quang Minh: Trong số sáu bạn cùng tham gia, mỗi bạn có một đề tài, riêng em và bạn Lâm Kỳ Nam làm chung một đề tài về nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cao chiết từ cây é lớn tròng.

Tuy cả hai cùng làm nhưng khó khăn nhất với em là vừa tăng tốc nghiên cứu, vừa phải cân bằng các môn để thi học kỳ, vừa luyện tiếng Anh, rất áp lực về thời gian.

- Trần Nguyễn Nam Phương: Ở đâu cũng có khó khăn, làm khoa học ở lứa tuổi chúng em thì càng có nhiều khó khăn. Với em, khó nhất là khâu làm thực nghiệm thì kết quả lại không ra như ý nên phải nhờ thầy cô hướng dẫn.

Chẳng hạn như đề tài của em là nghiên cứu tổng hợp chất xúc tác vô cơ thế hệ mới để xử lý nguồn nước thải công nghiệp. Có lúc em nản thật và một lần em nói thầy ơi con không làm nữa được không. Thầy cô động viên và em thấy rằng khó khăn của kết quả khi thực nghiệm rèn thêm ý chí cho chúng em, mới có kết quả như ngày hôm nay.

- Bùi Việt Bách: Đề tài em thực hiện là nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây bao báp ở châu Phi, cây này sẽ có nhiều thành phần mà em phải lấy cao chất. Mất rất nhiều thời gian.

Hơn nữa, trong thời gian này em đang học đội tuyển môn hóa, rất đắn đo là mình theo con đường này để đi thi hay là nghiên cứu khoa học. Em bị suy nghĩ này chi phối.

* Cảm giác của các em khi đó, với tâm thế là học sinh trường công duy nhất của TP.HCM đi thi quốc tế?

- Lê Trung Nam: Từ khi bắt đầu liên hệ thầy cô, chốt đề tài và làm đến lúc tìm kiếm tài liệu trên mạng, trình bày với giáo viên về đề tài mình đang làm để giáo viên xem mình hiểu biết đến mức nào về đề tài đó và hướng dẫn cách làm... tất cả trải dài trong 8 tháng, nên ngày lên "sàn" em rạo rực, hồi hộp và chờ đợi rất nhiều, đứng trước thí sinh 76 quốc gia em cũng lo.

Khó khăn không ít nhưng luôn được sự quan tâm của bạn bè, thầy cô, em cũng nghĩ nếu thất bại bên Mỹ mình cũng mỉm cười trở về vì mình đã cố gắng hết sức.

- Trần Nguyễn Nam Phương: Đã từng nghĩ rằng sẽ bỏ cuộc, nhưng em vượt qua giai đoạn đó, đến lúc cận kề ngày thi cho đến khi đặt chân trên đất Mỹ, em mới thấy mình đúng đắn vì ý chí đã luyện cho em được sự kiên nhẫn.

Nếu không có vô số lần kết quả thực nghiệm không như mong muốn, em không hình dung được con đường đến với khoa học ngoài chông gai còn cả ý chí. Và dù không mang giải thưởng về, nhưng cảm giác của em ngày đầu sang Mỹ là cảm giác chiến thắng chính mình nên em rất vui.

Đi xa thì càng thấy mình bé nhỏ

* Điều các em học hỏi được sau cuộc thi này là gì?

- Lê Trung Nam: Em ấn tượng nhất với đề tài của nước bạn, như Brazil nói về tiền tệ, về những giải pháp quanh câu chuyện tiền tệ và tầm nhìn xa trong chiến lược để đất nước bạn phát triển.

Em nghe mà "tê" người vì các bạn tài quá, tầm nhìn sao mà vượt quá lứa tuổi. Qua đó em thấy mình cần phải học nhiều, đi nhiều. Vươn xa, đi xa thì càng thấy mình bé nhỏ.

- Bùi Việt Bách: Em thấy mình cần hoàn chỉnh hơn, qua sự chuẩn bị và thuyết trình về đề tài, em còn non nớt ở sân chơi lớn như vậy, cần mọi thứ phải sâu, phải chắc. Hơn nữa, em học được cách ứng xử văn minh của những người bạn quốc tế, khi sang Mỹ thì mọi thứ mới mẻ, lạ lẫm nên chúng em có nhiều điều "quá trớn", ngược lại các bạn quốc tế vẫn lịch sự, vui vẻ.

Em rút ra rằng khoa học hay bất cứ điều gì giỏi thôi chưa đủ, vẫn phải chú trọng đến những ứng xử trong cuộc sống.

- Mai Quang Minh: Sự tự tin, mạnh dạn và đặc biệt là nên làm tất cả những "phép thử" với chính bản thân mình, đó là điều em học hỏi được sau cuộc thi.

Đi thi ai cũng mong đạt giải, nhưng không đạt thì em vẫn hài lòng vì đã vượt qua được chính mình, để từ đó có tiếp tục thi hay gặp bất kỳ trở ngại trong cuộc sống, mình nhìn lại và ngẫm: "Mình làm được"!

* Các em có nhắn nhủ, chia sẻ gì thêm với các bạn đam mê khoa học, muốn vươn xa nhưng còn ngại ngùng?

- Trần Nguyễn Nam Phương: Cứ mạnh dạn dù đam mê khoa học hay đam mê bất cứ ngành học nào, dù không thành công nhưng là chiến thắng cho chính bản thân mình.

- Lê Trung Nam: Với em, quan trọng nhất là ước mơ, ước mơ là ý nguyện của bản thân em, vì thế em cũng mong là mình hay các bạn hãy luôn biết nuôi dưỡng ước mơ, có như thế mọi sự cố gắng, tự tin sẽ luôn đi bên mình đến tận tương lai.

- Bùi Việt Bách: Nắm bắt cơ hội, dù còn ngồi trên ghế nhà trường. Cơ hội là những cuộc thi, những cơ hội để mang kiến thức đã học ra áp dụng, những cơ hội để thể hiện chứng minh mình, bởi cơ hội luôn mang đến cho em nhiều sự tiếp thu mà không trường lớp nào dạy cả.

Genius Olympiad là một cuộc thi về môi trường lớn trên thế giới, năm nay có hơn 1.400 trường trung học từ 76 quốc gia tham gia, cùng chia sẻ các nghiên cứu và ý tưởng, tìm ra các giải pháp cho vấn đề môi trường của thế giới. Các thí sinh tham gia dưới nhiều hình thức: khoa học, thiết kế, kinh doanh, luận sáng tạo, robot, nghệ thuật thị giác và trình diễn.

Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân (phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định):

Trường luôn sẵn sàng

Đây là năm thứ hai trường tham gia kỳ thi quốc tế. So với năm ngoái, năm nay giải thưởng nhiều hơn, sáu em đi thi, trong đó có hai em chung một đề tài đã mang về hai huy chương bạc, một huy chương đồng và hai giải tư.

Tinh thần của trường là học đi liền với hành. Các em có khát khao nghiên cứu, muốn biến trang sách mình học dưới những cọ xát nghiên cứu thực tế, khi các em nung nấu ý tưởng, trường luôn sẵn sàng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):

Tuyên dương và khuyến khích

Cuộc thi quốc tế không nặng kiến thức mà chú trọng năng lực giải quyết, nghiên cứu thực tiễn. Ở những cuộc thi quốc tế về toán học, nghiên cứu khoa học thì tại TP.HCM từng có Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Với huy chương bạc và tinh thần học đi đôi với hành, tiếp cận nghiên cứu gắn liền cuộc sống thực tế ở Trường THPT Gia Định, tôi tuyên dương và luôn khuyến khích. Tôi cũng mong các trường công hướng học sinh vươn xa như vậy.

"Thầy giáo" 17 tuổi truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học 'Thầy giáo' 17 tuổi truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học

TTO - Trong những ngày hè này, Vũ Hoàng Long hằng ngày đều đặn đến Trường THPT Lào Cai 1 để hướng dẫn các học sinh khác trong câu lạc bộ nghiên cứu khoa học. Nhiều học sinh gọi Long là 'thầy' - người thầy truyền cảm hứng.

THẢO THƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp