04/01/2024 10:24 GMT+7

Học trò lẫn phụ huynh 'mê' lớp học mở

Trường tiểu học tại TP.HCM thời gian qua đã mở rộng mô hình lớp học mở với sự đón nhận tích cực từ học sinh, phụ huynh.

Học sinh và phụ huynh lớp 3/5 trong tiết học mở tại Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Q.7, TP.HCM - Ảnh: MỸ DUNG

Học sinh và phụ huynh lớp 3/5 trong tiết học mở tại Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Q.7, TP.HCM - Ảnh: MỸ DUNG

Lớp học mở không chỉ có giáo viên, học sinh mà còn có phụ huynh. Nơi học có thể là sân trường hoặc những địa điểm thích hợp.

Tiết học sôi động của lớp học mở

7h30 một ngày cuối năm 2023, sân Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (Q.7, TP.HCM) khác hẳn những ngày bình thường. Sân trường được bố trí với bảng đen phấn trắng, trải thảm để học sinh ngồi và xung quanh có nhiều dãy ghế dành cho phụ huynh.

Đó là tiết học mở của học sinh lớp 3/5 môn tự nhiên xã hội với bài "Lá - thân - rễ của thực vật".

"Học sinh đứng dậy" - mở đầu tiết học, cô giáo yêu cầu tất cả học sinh đứng dậy và quay mặt về phía cha mẹ và hô vang: "Chúng con chào quý phụ huynh". Ngay sau đó, các em được nhập cuộc lớp học với giai điệu nhạc vui tươi của bài hát "Em yêu cây xanh". Và giáo viên bắt đầu bài học với hệ thống các câu hỏi mở "Lớp học hôm nay có gì đặc biệt?"...

Cứ như vậy, giáo viên hỏi và học sinh trả lời. Sau mỗi chủ đề về lá, thân, rễ, các bạn học sinh làm việc nhóm, cùng nhau thảo luận và đứng lên trình bày kết quả thảo luận của nhóm mình. Học sinh này trả lời chưa hết ý, các học sinh khác lại bổ sung để góp cho nội dung bài học thêm rôm rả.

Các cô cậu học trò lớp 3 ôm theo rất nhiều lá cây với đủ các màu sắc, kích cỡ và hình dạng, mạnh dạn đứng lên thuyết trình về bài học của mình. Chưa kể các em còn cùng nhau làm nên những bức tranh bằng chính những lá cây mang đến lớp và còn "chấm điểm" giáo viên nữa.

"Các con có thích tiết học hôm nay không?" - cô giáo chủ nhiệm hỏi sau khi bài học kết thúc và yêu cầu các em học sinh nếu thích, nếu hài lòng thì giơ mặt cười, mặt hài lòng lên; còn nếu học sinh nào không thích bài học thì giơ biểu tượng "tức giận" lên đánh giá.

Lớp có khoảng 40 học sinh thì có 38 học sinh "chấm điểm" hài lòng cho bài dạy của giáo viên, còn hai học sinh giơ bảng "khuôn mặt tức giận" tỏ ý không hài lòng. Lúc này, cô giáo liền hỏi các em: "Tại sao con không thích bài học hôm nay nào?".

Giữa bao nhiêu phụ huynh và giáo viên theo dõi lớp học hôm ấy, một học sinh trong số đó nói to: "Con không thích vì nhóm của con... bị thua. Con thích nhóm của con thắng"!

Bình luận về điều này, cô Nguyễn Hồng Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/5 Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, cho biết: "Tôi muốn hỏi xem học sinh đã hài lòng với tiết học của mình chưa, còn điều gì khiến các em chưa vui, chưa thích để bản thân sẽ cải thiện trong thời gian tới".

Lớp học mở nhận được những phản hồi tích cực của phụ huynh. Điều này giúp các giáo viên, nhà trường có thêm động lực để đóng góp sức mình cho các hoạt động sáng tạo trong đổi mới giáo dục.
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy

Phụ huynh hiểu, đồng hành với nhà trường

Học sinh mạnh dạn trình bày ý kiến, tương tác với giáo viên trong tiết học mở của Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩn ( Q.7, TP.HCM) - Ảnh: MỸ DUNG

Học sinh mạnh dạn trình bày ý kiến, tương tác với giáo viên trong tiết học mở của Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩn ( Q.7, TP.HCM) - Ảnh: MỸ DUNG

Bài học nói trên không phải là lần đầu Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh tổ chức lớp học mở. Thời gian gần đây ngành giáo dục TP.HCM khuyến khích các trường tiểu học thực hiện lớp học mở với rất nhiều bộ môn và nhiều quận huyện, nhiều trường.

Bà Đinh Thị Huỳnh Như - phụ huynh lớp 3/5 Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh - cho biết dù bận rộn vẫn cố gắng thu xếp thời gian để tham gia lớp học mở với con.

"Sự háo hức của con trong quá trình chuẩn bị bài học làm tôi thấy rất tò mò về bài dạy nên khi được cô giáo mời tham gia thì tôi thu xếp công việc để dự ngay.

Qua buổi dạy, tôi thấy thật đồng cảm với giáo viên. Họ rất vất vả, đi lại như con thoi để điều phối các hoạt động dạy học và làm việc với học sinh. Cách dạy này mới lạ nhưng thúc đẩy được sự ham học tập của học sinh. Các con đã làm việc với nhau, cùng nhau trả lời những câu hỏi nên tôi rất vui khi nhà trường áp dụng những cách dạy học mới như thế này" - bà Như nói.

Rất hứng thú với lớp học này, chị Lê Thị Hồng - một phụ huynh khác - nhận xét: "Qua việc dự khán như thế này, tôi hiểu thêm về phương pháp và sẽ phối hợp tốt hơn với nhà trường trong việc dạy con. Sắp tới, khi lớp con tôi có những tiết học như thế này, tôi cũng tham dự".

Các em học sinh lớp 3 đang trình bày về các loại lá cây mà các em sưu tầm được trước cô giáo, phụ huynh và các bạn cùng lớp trong lớp học mở  - Ảnh: MỸ DUNG

Các em học sinh lớp 3 đang trình bày về các loại lá cây mà các em sưu tầm được trước cô giáo, phụ huynh và các bạn cùng lớp trong lớp học mở - Ảnh: MỸ DUNG

Theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy - trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, lớp học mở đã được thực hiện vài năm trước nhưng năm nay TP.HCM thực hiện đồng loạt hơn và là một nhiệm vụ năm học của ngành giáo dục tiểu học TP.

"TP.HCM khuyến khích các trường tổ chức lớp học mở với nhiều mục đích. Lớp học mở là cách nhanh nhất, phù hợp nhất, gần gũi nhất để phụ huynh tiếp cận, hiểu hơn về chương trình phổ thông 2018. Chương trình mới, cách đánh giá mới nếu được phụ huynh thấu hiểu thì sẽ đồng hành tốt hơn với học sinh.

Khi phụ huynh đồng hành với nhà trường thì sẽ giúp đạt mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Phụ huynh vào nhà trường cũng sẽ hiểu hơn về thầy cô. Phụ huynh thấy được công sức, tâm sức, họ có thêm niềm tin, yêu thương thầy cô, hoạt động nhà trường sẽ tốt hơn và đó cũng là mục tiêu thúc đẩy trường học hạnh phúc" - bà Thúy nói.

Các em học sinh lớp 3 đang làm việc nhóm để tạo ra một sơ đồ về sự phát triển của cây theo ý của các em trong lớp học mở - Ảnh: MỸ DUNG

Các em học sinh lớp 3 đang làm việc nhóm để tạo ra một sơ đồ về sự phát triển của cây theo ý của các em trong lớp học mở - Ảnh: MỸ DUNG

Cần sự ủng hộ, gắn kết của phụ huynh

Tôi phải dành thời gian tìm hiểu nhiều, cộng thêm việc nghĩ đến có phụ huynh ở dưới tôi cũng hơi áp lực. Nhưng được sự động viên, khuyến khích của khối trưởng và của nhà trường, tôi cũng mạnh dạn làm.

Hơn hết, tôi thấy qua tiết học bản thân đã phát hiện khả năng của học sinh ở đâu và thực sự học sinh của mình có thể lĩnh hội nhiều bài học và làm việc nhóm rất tốt. Bài dạy đã cho tôi ngoài kinh nghiệm dạy học, đáng quý nhất là sự ủng hộ của phụ huynh, sự gắn kết của phụ huynh sẽ giúp cho việc dạy học chất lượng hơn

Cô Nguyễn Hồng Nhung

Lớp học dưới tán rừng xanhLớp học dưới tán rừng xanh

Dưới tán rừng, những đứa trẻ say sưa lắng nghe những chia sẻ về sức sống của rừng xanh, về sự đa tầng đa dạng của rừng. Đôi tay lấm lem bùn đất chạm vào cây cối, đôi chân chạy nhảy dưới thảm cỏ xanh giúp trẻ dung dưỡng được tình yêu với thiên nhiên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp