Câu hỏi đó được hai cậu học trò Nguyễn Hoàng Phú và Phùng Khôi Nguyên (lớp 8, Trường THCS Mạo Khê 1, tỉnh Quảng Ninh) cùng nhau đi tìm lời giải. Và ứng dụng "The Deaf People" hỗ trợ giao tiếp với người khiếm thính, người già lãng tai đã ra đời.
Sáng tạo từ nỗi khó của bà
Ý tưởng phát triển ứng dụng xuất phát từ câu chuyện của bà Khôi Nguyên. Do bị lãng tai nên bà khá vất vả mỗi khi giao tiếp với các thành viên trong nhà. Nhiều lần Nguyên phải nói đi nói lại nhiều lần bà mới hiểu được.
Bắt đầu từ mong ước tạo ra một ứng dụng có thể giúp đỡ người khiếm thính, người cao tuổi khi muốn đưa ra yêu cầu hỗ trợ. Nhưng khi xây dựng, ứng dụng này còn hữu ích cho người muốn học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với người khiếm thính. Vừa học, hai bạn vừa tranh thủ thời gian cùng nhau mày mò, khám phá, chủ yếu tranh thủ các buổi chiều và ngày chủ nhật.
Qua tìm hiểu, hai bạn biết hiện có một số phương pháp phát triển giao tiếp với người khiếm thính.
Có thể là giao tiếp tổng hợp bằng cách học lắng nghe, đọc miệng nói và dùng dấu hiệu. Phương pháp thính giác - bằng miệng lại nhấn mạnh việc dạy ngôn ngữ nói, sử dụng thính giác, đọc môi và các dấu hiệu ngữ cảnh để hiểu và sử dụng ngôn ngữ nói. Còn phương pháp thính giác - bằng lời nói thường sử dụng thính giác để học nói và phát triển ngôn ngữ.
Ứng dụng "The Deaf People" đã tổng hợp cái hay của những phương pháp đó, hai bạn nhỏ cải tiến thêm để người dùng có thể sử dụng dễ dàng hơn.
"Hiện tại ứng dụng gồm sáu chức năng: nội dung, giao tiếp, phản hồi, luyện tập, phòng chat và kết nối. Và tụi mình đang chia sẻ để mọi người dùng miễn phí", Nguyên cho biết.
Hoàng Phú nói ngay cả khi người dùng chưa biết về ngôn ngữ ký hiệu cũng có thể sử dụng ứng dụng này. Họ có thể giao tiếp với người khiếm thính thông qua ngôn ngữ hình ảnh, chỉ cần gõ văn bản vào ô cần chuyển đổi sang ngôn ngữ hình ảnh. Hoặc có thể dùng micro để nói và chuyển thành hình ảnh để người khiếm thính có thể hiểu được.
Đam mê thôi thúc
Hai tác giả của ứng dụng này từ nhỏ đã có niềm đam mê đặc biệt với tin học, sở thích khám phá máy tính. Ngoài kiến thức tin học trên lớp, về nhà cả hai luôn tự mày mò tìm đọc thêm tài liệu, học thêm về ngôn ngữ lập trình để tập làm những thứ liên quan.
Hoàng Phú kể quá trình nghiên cứu làm ứng dụng này có đôi chút khó khăn vì thông tin, nội dung về người khiếm thính trên mạng rất khó tìm. Hai bạn đã thu thập dữ liệu từ sách báo và Internet, bất cứ nguồn nào có được, đồng thời tìm hiểu thêm các ứng dụng hiện có trên thị trường.
Khôi Nguyên khoe từ bé đã nuôi ước mơ phát triển ra các ứng dụng để hỗ trợ cho người khuyết tật. Vì vậy mà thời gian đầu thấy con trai tối ngày chúi mũi vào điện thoại, máy tính, bố mẹ Nguyên còn sốt ruột vì nghĩ "con mải chơi game". Thế nên khi biết ấy là những lúc cậu bé đang học hỏi, mày mò sáng tạo trên mạng, bố mẹ hết sức ủng hộ.
"Điều mình mong nhất lúc này là có thể đưa ứng dụng ấy đến với nhiều người dùng hơn, và sẽ hoàn thiện để phát triển ứng dụng chạy trên hệ điều hành iOS", Nguyên bày tỏ.
Hai bạn nhỏ ấy vẫn đang tiếp tục phát triển sao cho có thể tạo ra phiên bản ứng dụng hoàn chỉnh nhất sắp tới. Trong đó, hoàn thiện hệ thống các câu giao tiếp giúp người dùng học được ngôn ngữ ký hiệu, tích hợp công nghệ AI với video để có thể ghi được một câu hay từ giao tiếp dễ dàng hơn với người khiếm thính.
Bên cạnh đó, nâng cấp thêm các chức năng của phần mềm với nhiều cấp bậc, thời gian khác nhau tạo hứng thú cho người dùng. Đồng thời thêm phần phản hồi, góp ý sao cho nâng cấp phần mềm với mục tiêu phổ biến để nhiều người biết và dùng ứng dụng nhiều hơn.
Thuyết phục dùng thử
Để xây dựng cơ sở dữ liệu, hai bạn nhỏ thực hiện khảo sát những người cao tuổi bị lãng tai, người khiếm thính tại địa bàn mình sống. Hai bạn còn tìm đến những bệnh nhân cao tuổi tại bệnh viện, Trung tâm Y tế than khu vực Mạo Khê rồi thuyết phục họ dùng thử. Hai bạn nhỏ cũng nhờ các thầy cô giáo, bạn bè trong trường thử nghiệm, đồng thời xin được thử nghiệm tại một số trường học khác.
Hiện ứng dụng đã chạy được trên hệ điều hành Android. Trong đó, cùng với phần nội dung và luyện tập hỗ trợ người dùng học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với người khiếm thính và người già bị lãng tai, ứng dụng còn có thêm phần giao tiếp để hỗ trợ giao tiếp với người già và người khiếm thính.
Giải nhì Tin học trẻ toàn quốc 2023
Tại hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2023 kết thúc cách đây không lâu do Trung ương Đoàn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Hội Tin học Việt Nam tổ chức, sản phẩm này đã đoạt giải nhì (không có giải nhất) bảng thi của học sinh THCS nội dung sản phẩm sáng tạo.
Cô Nguyễn Thị Bích - giáo viên Trường THCS Mạo Khê 1 - nói ý tưởng thực hiện sản phẩm này rất tốt và mới mẻ, do các bạn hoàn toàn nghĩ ra, tự tìm tòi, sáng tạo. "Các thầy cô chỉ định hướng, hỗ trợ các bạn những công cụ, góp ý giao diện để hoàn thiện ứng dụng. Sản phẩm này sau khi được thử nghiệm đã nhận lại nhiều phản hồi rất tích cực, là tín hiệu rất vui", cô Bích chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận