Thầy Phi (trái) được nhiều thế hệ sinh viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm yêu mến - Ảnh: A.T.
Bài thơ được tác giả Mai Anh Thư - hiện là sinh viên năm nhất chương trình Pháp - Việt Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, đặt tên là "Thầy dạy lý dễ thương nhất thế giới".
Thư cho biết mình viết bài thơ từ năm 2017 khi còn học lớp 12 để tặng thầy giáo mà bạn rất yêu mến: thầy Lê Quốc Phi - giáo viên vật lý Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long.
Bài thơ với nhịp điệu vui tươi cùng những hình ảnh quen thuộc trong bộ môn vật lý như điện năng, vạch phát xạ, tranzito, L, C, omega… được lồng ghép hài hòa khiến nhiều bạn trẻ thích thú:
"Thơ này em viết tặng thầy Phi
Mở đầu tự hỏi phải ghi gì?
Chẳng giống như khi thầy dạy lý
Ngòi bút biết ngừng nghỉ là chi?
Điện năng truyền tải trên đường đi
Càng lâu càng dài càng giảm suy
Sao lời thầy giảng không hao phí
Bao thế hệ rồi vẫn phát huy?
Xe xanh (sáu nút), áo sơ mi
Cặp đen giản dị vội bước đi
Dẫu đơn sắc vẫn gây chú ý
Như vạch phát xạ đèn natri.
Dao động điện từ muốn duy trì,
Phải có tranzito hợp ý
Cũng giống như tình yêu vật lý,
Chẳng tắt dần vì có thầy Phi.
Mỗi khi thầy giảng rất ly kỳ
Giọng điệu biến thiên cùng cử chỉ
Như những đường hình sin đồ thị
Thí sinh nào mà chẳng mê ly?
Tuy bao anh chị tốt nghiệp rồi,
Ngày lễ vẫn "quy về một mối"
L,C, omega thay đổi
R vẫn là R mãi thế thôi!
Sóng điện từ rất giống thầy tôi
Truyền qua chân không lẫn điện môi
Sóng ngang cao tần ai cản lối?
Giao thoa, nhiễu xạ rất cừ khôi!
Ôi, "Tết nhà giáo" đến thầy ơi!
Em chúc thầy vẫn mãi yêu đời
Vui khỏe, tinh thần luôn phơi phới
Tỏa sáng như quang phổ Mặt trời.
Từng lời thầy giảng như còn đó:
Tím chàm lam lục vàng cam đỏ
Đỏ không lú, cả lũ không ló
Thầy không có, ai lái chuyến đò?
Người học trò nhiều lời muốn tỏ
Nhưng chỉ đành bỏ ngỏ tại đây
Dẫu cho R có đổi thay,
Mạch không cộng hưởng, thương thầy như xưa".
Bài thơ Anh Thư làm tặng thầy trong tấm thiệp mừng nhân Ngày nhà giáo Việt Nam - Ảnh: A.T.
"Bài thơ này tôi làm từ 20-11 năm ngoái, lúc đó không thấy buồn còn năm nay tôi đang lo không biết có về thăm thầy được không. Bài thơ như một món quà để mọi người biết đến thầy dạy lý dễ thương nhất thế giới của tôi", Thư chia sẻ.
Thư cho biết thêm dù chỉ học thầy một năm 12 nhưng có rất nhiều cảm xúc và kỷ niệm với thầy, nhất là những cách "cực chất" thầy dạy ghi nhớ công thức vật lý.
Thầy Phi thường dạy các công thức vật lý thông qua những câu nói thú vị và dễ nhớ, chẳng hạn "em bắt vịt lội sình" là công thức tính độ lớn của suất điện động cảm ứng của đoạn dây dẫn chuyển động trong từ trường E=B.V.Sinθ, hay câu Đỏ không lú, cả lũ không ló trong bài thơ để nói ánh sáng đỏ lệch ít nhất khi đi qua lăng kính.
"Tiết học của thầy lúc nào cũng nhiều tiếng cười, nhưng lúc cần thiết thầy lại nghiêm khắc nên chúng mình cảm thấy tiết học vừa thoải mái lại vừa thấy hiệu quả", Thư nói.
Nhiều bạn từng theo học thầy Phi cũng đã chia sẻ bài thơ này trên mạng xã hội cùng những lời kính trọng người thầy có tâm và dễ mến.
"Thầy dạy rất hay, đi từ cơ bản trước, sau đó mới dạy thêm những công thức tính nhanh. Tôi học chuyên văn mà còn rất thích môn lý thầy dạy luôn", bạn Trần Thị Kiều Duyên, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, chia sẻ.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ Online, thầy Phi cho biết thầy rất trân trọng tình cảm của các học sinh dành cho mình. "Đó là động lực cho tôi giảng dạy dù công việc vẫn còn những khó khăn", thầy Phi nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận