Phóng to |
Hà Nội hiện nay có những trường HS trái tuyến chiếm đến 50-60% như tiểu học Lê Văn Tám, Thăng Long, Kim Liên... Những trường được xem là trường điểm, áp lực học trái tuyến càng nhiều. Sau khi bị cắt tiền “trái tuyến”, các trường này nghĩ ra cách thu tiền khác: quỹ hỗ trợ dạy học, quỹ khuyến học, khuyến khích HS giỏi... Hầu như các trường có quỹ này đều không công khai việc chi tiền cho phụ huynh biết. Cũng không ai dám thắc mắc vì tiếng là “tiền tự nguyện” nhưng nếu không nộp, con không được vào trường.
Mỗi suất 1 triệu đồng
Bấm bụng nộp tiền! Một bà mẹ có con học tại Trường tiểu học Thực nghiệm Hà Nội bức xúc: “Tôi định không nộp tiền quỹ phụ huynh lớp là 200.000 đồng, nhưng sợ con bị phân biệt đối xử nên phải chấp thuận”. |
Tiếp xúc với nhiều phụ huynh có con học trái tuyến tại các trường nội thành như Trưng Vương, Trần Quốc Toản, Nguyễn Trường Tộ, Giảng Võ... chúng tôi được nghe kể câu chuyện “nộp tiền tự nguyện” tương tự. Khoản tiền này không phải do đại diện cha mẹ HS đứng ra thu mà phụ huynh nộp trực tiếp cho phòng tài vụ nhà trường. Một trường tiểu học ở quận Ba Đình còn nâng mức “sàn” của khoản thu trái tuyến lên 2 triệu đồng. Phụ huynh thắc mắc thì được giải thích: đóng góp xây dựng trường. Ngoài khoản này, phụ huynh có con học trái tuyến vẫn phải đóng tiền xây dựng trường như các trường hợp khác và nhiều khoản thu ngoài học phí, trong đó đáng nói là tiền “điều hòa”, phải nộp thêm 1,6 triệu đồng. Theo đại diện trường, mức 2 triệu đồng đối với HS trái tuyến chỉ là mức tối thiểu, ai có điều kiện kinh tế tốt có ý định đóng góp nhiều hơn thì nhà trường hoan nghênh!
Về trường hợp thu 2 triệu đồng trái tuyến, đại diện một trường tiểu học ở quận Ba Đình khẳng định: “Không có quy định nào cho phép ấn định mức tiền đối với khoản thu tự nguyện. Đã là tự nguyện thì người nộp 2 triệu, người nghèo hơn nộp vài chục ngàn cũng phải chấp nhận và được cư xử như nhau”.
Không đúng quy định nhưng lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội vẫn để tình trạng trên phổ biến từ nhiều năm.
Một kiểu tiêu cực cần ngăn chặn
Từ đầu năm học, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các trường học trên địa bàn không thu gộp nhiều khoản tiền, không thu hộ các đơn vị ngoài nhà trường, các khoản do hội cha mẹ HS thu phải có sự đồng thuận, công khai... Nhưng thực tế việc này đã không được thực hiện.
Hầu hết các trường học đều chọn buổi họp phụ huynh đầu năm học để thu tiền. Ngoài học phí, nhiều khoản thu thêm được gộp lại để thu vào dịp này: tiền an ninh, tiền vệ sinh, tiền nước uống, tiền hỗ trợ học tin học, ngoại ngữ (mặc dù ở bậc THCS, đây là những môn học nằm trong chương trình). Nhiều phụ huynh thắc mắc: việc bảo đảm an ninh và xây dựng nhà vệ sinh cho HS là trách nhiệm của nhà trường, vì sao HS vẫn phải nộp tiền để “mua” sự an toàn và đáp ứng nhu cầu vệ sinh cá nhân? Nhưng điều này không được các trường giải thích thỏa đáng. Các khoản thu hộ như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, đặt mua báo... vẫn được các trường phổ biến cho ban đại diện cha mẹ HS để vận động phụ huynh mua 100%.
Cùng với nhiều khoản thu ngoài học phí, cha mẹ HS còn phải nộp hai lần quỹ cha mẹ HS. Đại diện một hội cha mẹ HS lớp 8 Trường THCS Đống Đa cho biết: “Quỹ cha mẹ HS theo quy định của trường, phải nộp về trường để đại diện hội cha mẹ HS trường chi vào các khoản cần thiết, vì thế phụ huynh phải đóng quỹ cha mẹ HS lớp. Quỹ này được ấn định ở mức 150.000-300.000 đồng/người”.
Chỉ cần một xấp đơn tự nguyện, dù là đơn tự nguyện theo mẫu, theo giá chung cũng đang được xem như “bảo bối” để chứng minh sự trong sạch nếu có bất cứ sự kiện cáo, thắc mắc nào của người dân hoặc sự kiểm tra của cấp trên.
Theo Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, dự kiến đề án học phí đối với bậc phổ thông sẽ được triển khai từ học kỳ II. Nhưng trong bối cảnh thu thêm vô tội vạ hiện nay, việc áp dụng học phí mới có thể sẽ khiến những người dân thu nhập thấp, cận nghèo khó khăn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận