Tại sao thi xong môn toán tại kỳ thi vào lớp 10 ở TP.HCM vừa rồi, nhiều học sinh đã bật khóc vì không làm được bài? Tuổi Trẻ đã có cuộc đối thoại với ông Phan Tất Hiển - người đã thành công trong việc ghi dấu học sinh Việt Nam trên đấu trường toán học quốc tế với nhiều giải thưởng.
Đề hay, có tính phân loại
* Nhiều học sinh tại TP.HCM sau khi thi môn toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua đã khóc vì đề toán này khó và lạ. Ông nhận định đề thi như thế nào?
- Tôi cho rằng đề toán thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024-2025 ở TP.HCM là một đề hay, có tính phân loại học sinh ở các mức độ khác nhau. Nhiều người cho rằng đây là một đề thi khó, nhưng chúng ta tìm hiểu kỹ đề thi này để thấy được mức độ nào. Qua từng bài trong đề thi, tôi cho rằng đây là một đề thi hay, căn bản và phân loại được học trò.
Với bài 1, hầu như học sinh trung bình là làm được. Bài 2 chỉ cần học sinh có tư duy, nhớ được dạng bài thì giải quyết được. Bài 3 là bài toán thực tế, về tư duy có hai cách tiếp cận và với những học sinh tư duy được thì chỉ cần kiến thức lớp 5, lớp 6 là các em đã có thể làm được bài. Bài 4 là bài toán thực tế nhưng chỉ là phương trình bậc nhất.
Cái khó của bài 4 là các em phải tư duy, đây là mức độ khá. Bài 5 là một bài toán về hình học không gian, nếu học sinh chỉ học theo dạng mà không có những suy luận thêm thì cũng là trở ngại mặc dù công thức rõ rồi. Bài 6 là bài toán thực tế ứng dụng giải phương trình để tìm ra hệ số a, b, c, d.
Bài 7 là bài toán thực tế ngược, là bài toán về năng suất, không phải là một bài toán khó nhưng cách diễn đạt khác đi so với trong sách vở mà học sinh thường gặp. Nếu học sinh tư duy thì sẽ biết được rằng đổ nước vào đầy bể thì cũng giống như mở vòi ra cho hết bể, đây là hai quy trình hoàn toàn giống nhau. Bài toán cuối cùng, bài 8, thì dễ nhưng riêng câu C thì liên quan đến đường tròn ngoại tiếp.
Đề toán năm nay không có những câu đặc biệt khó nhưng rất nhiều câu từ bài toán thực tiễn sang bài toán cơ bản, bài toán gốc phải có một đến hai quá trình. Đó có thể là trở ngại dành cho các bạn học sinh chỉ học theo kiểu học và nhớ, không có suy luận. Nếu học sinh học toán theo tư duy thì đạt 7 - 8 điểm là nhẹ nhàng, những em học sinh giỏi có thể đạt 9 - 10.
* Nhiều học sinh cho rằng đề toán như vậy các em sẽ không làm được. Nguyên nhân là do các em chưa được dạy từ những bài toán cơ bản sang những bài toán thực tế và việc các em không làm được bài là do trường dạy toán chưa "tới". Theo ông, thực trạng học toán và dạy toán hiện nay như thế nào?
- Khoảng 5 năm lại đây, tôi lập ra Trung tâm Hoa Trạng Nguyên để giúp nhiều học sinh từ chỗ sợ toán đến thích toán, học toán tốt và dễ dàng hơn.
Khoảng 90% các em đến trung tâm trước đó đều học toán một cách thụ động. Các em tính toán cũng thụ động, góc nhìn một bài toán cũng không phân biệt được đâu là giả thiết, đâu là kết luận, tính kết nối về tri thức trong toán học không có...
Mặc dù những khái niệm cơ bản đã có, những phép tính thông thường các em biết, nhưng các em không có được tư duy kết nối từ bài toán lạ đưa về bài toán gốc của mình.
Thực trạng học toán như vậy sẽ khiến học sinh không tư duy được những vấn đề mới, thậm chí nhiều khi không thể hiểu ngọn ngành, cho dù vẫn giải được một bài toán. Ví dụ bài toán số 6 trong đề tuyển sinh về bể nước nếu nói mở vòi cho đầy bể thì các em sẽ làm được, nhưng nói ngược lại các em sẽ gặp khó khăn. Các em nói rằng chưa được học, nhưng thực ra các em đã được học.
Phải thay đổi cách dạy - học toán
* Từ thực trạng đó, ông đã thay đổi như thế nào và việc học toán và dạy toán cần đổi mới theo hướng ra sao?
- Tôi nhận thấy học sinh đã học toán theo hướng không đúng, chứ không phải các bạn học sinh không có khả năng học. Không phải các học sinh kém mà do cách học chưa phù hợp.
Bước đầu tiên, tôi đã hướng dẫn học sinh thay đổi cách học, đứng trước một bài toán, học sinh phải biết đặt câu hỏi. Giải bài toán xong phải trả lời cho được "Tại sao lại giải bài toán theo hướng đó? Có cách giải nào khác không? Từ bài toán đó làm sao mở rộng ra bài toán khác theo hướng tương tự?".
Học với cách suy luận, phân tích để đưa về bài toán gốc thì học sinh sẽ chủ động hơn và từ đó các em hiểu rằng tại sao các em lại làm bài toán này. Nhờ vào cách học rất chủ động trong tìm kiếm lời giải như vậy nên học sinh cơ bản tự học được chương trình ở trên trường, tự học trong sách giáo khoa rất nhanh... Từ đó các em nâng cấp lên và giỏi lên trong môn toán
* Theo ông, đổi mới dạy và học toán theo hướng đó cần có những yếu tố nào để có thể thực hiện thành công?
- Thay đổi cách học của học sinh phụ thuộc phần lớn vào cách dạy của thầy cô giáo. Khi thầy cô quyết tâm tìm kiếm cách dạy để đưa đến cho học sinh những cách tiếp cận tốt thì học sinh mới có cơ hội thực hành học tập đúng được.
Cách học toán của học sinh muốn thay đổi thì phải thay đổi từ cách dạy toán của giáo viên, từ bản chất dạy toán của người thầy. Người thầy dạy toán phải cập nhật kiến thức, xem xã hội phát triển như thế nào, xem chương trình quốc tế đang thay đổi như thế nào.
Khi giáo viên đưa chương trình mới về thì cần thêm những gì nữa. Trước một học sinh đang thiếu những kỹ năng, phương pháp tiếp cận toán thì người thầy phải biết các em thiếu gì, bù cho học sinh như thế nào, cái gì cần bù trước và cái gì cần bù sau...
Đó chính là những thay đổi mà thầy cô giáo cần phải thay đổi để có thể dạy cho học sinh. Học sinh học toán hiện nay có lỗ hổng lớn nhất cả về tư duy, phương pháp. Cần phải có giải pháp căn cơ để bịt những lỗ hổng này.
Gia đình cũng cần thay đổi
Cha mẹ nào cũng muốn tìm cho con nơi học tốt nhưng lại chưa tìm hiểu kỹ là con mình cần gì. Tất nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có chuyên môn về toán để biết con mình thiếu những gì nhưng cha mẹ vẫn có cách để biết con mình đang được dạy như thế nào, bằng phương pháp nào.
Môi trường của gia đình sẽ tạo nhịp cho học sinh và phải có sự kết hợp giữa gia đình và giáo viên trong việc tăng cường khả năng chủ động học tập của con, ngay cả trong học toán.
Đương nhiên là với những cơ hội mà thầy cô và gia đình đưa đến, nỗ lực học tập và khám phá tri thức toán học và tư duy học toán vẫn được quyết định bởi học sinh. Từ phương pháp hình thành kỹ năng, phản xạ toán học, khi đó các em học sinh mới yêu thích và làm chủ được môn học. Khi đó không phải bài toán nào cũng cảm thấy lạ, thấy khó nữa.
TS Phan Tất Hiển tốt nghiệp đại học sư phạm ngành toán, sau đó làm giảng viên, rồi làm trưởng bộ môn toán kinh tế Trường đại học Sài Gòn. Hiện nay ông Hiển là giảng viên khoa kinh tế vận tải Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM.
Với mong muốn truyền cảm hứng và niềm đam mê học toán cho học sinh, cách đây 5 năm, ông Hiển sáng lập Trung tâm Hoa Trạng Nguyên Maths & Science nhằm giúp học sinh tiếp cận môn toán dễ dàng, không sợ học môn toán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận