Phóng to |
Hòa nhập thế nào với công ty - một môi trường mới - là điều các bạn trẻ sắp đi làm lần đầu rất quan tâm tại buổi tọa đàm - Ảnh: Ph.Tuần |
Chuyên đề nằm trong chuỗi chương trình “Hành trang cuộc đời” do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) tài trợ với sự tham gia của các diễn giả: ông Giản Tư Trung (Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED), bà Đinh Thị Thanh Nga (Anh văn Hội Việt Mỹ), bà Lê Thị Đoan Trinh (Công ty VNG), ông Nguyễn Đăng Quang (Đạm Phú Mỹ).
Thích nghi hay lên tiếng?
"Chưa chịu bào mòn, chưa bong tróc đến chảy máu, bạn chưa biết bạn là ai. Thóc không giã không thành gạo, ngọc không mài không sáng. Hãy sống, hãy thở và tận dụng những cạnh sắc của mâu thuẫn, xung đột để “lột xác” đẹp đẽ" |
“Là sinh viên mới ra trường, chưa bước chân vào bất kỳ công ty nào thì biết nơi nào phù hợp với mình mà chọn lựa?”, bạn Đào Duy Tùng (ĐH Khoa học tự nhiên) đặt ra câu hỏi. Theo bà Lê Thị Đoan Trinh, vấn đề thật ra không khó bởi “hầu như không công ty/tổ chức nào không có trang web/Facebook riêng, đó là con đường đơn giản, nhanh chóng nhất giúp các bạn có được thông tin về nơi đó”. Bà nói: thông tin tốt chỉ đến với những người chủ động tìm kiếm.
Đôi khi văn hóa công ty cũng là văn hóa của... sếp. Ông Giản Tư Trung nói đôi khi muốn biết văn hóa tổ chức, trước tiên nên tìm hiểu tính cách, quan điểm làm việc, thái độ xã hội của người đứng đầu. Trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn với sếp, như thắc mắc của bạn Tiến Đạt (ĐH Kinh tế - luật): “Nếu thấy sếp sai thì nên im lặng hay lên tiếng?”, các diễn giả khuyên bạn nên khéo léo ứng xử dựa trên tính cách sếp. Ông Giản Tư Trung chỉ ra: “Nếu sếp của bạn xem cấp dưới như người cộng sự, đánh giá cao những góp ý thẳng thắn và lòng dũng cảm thì tuyệt vời. Ngược lại, nếu sếp chỉ cần... thiên lôi, bảo đánh đâu cứ đánh đó thì việc góp ý là... không có cửa”.
Tương tự với văn hóa doanh nghiệp, bà Đinh Thị Thanh Nga chia sẻ: “Sẽ chẳng có gì phải bàn nếu công ty của bạn có quan niệm phóng khoáng về sự thể hiện tính cách cá nhân. Nhưng hiện nay phần lớn tổ chức đều có hệ thống quy tắc riêng buộc phải thích nghi, tuân thủ. Là người mới, bạn không có nhiều chọn lựa trừ việc tìm cách hòa nhập”.
Thỏa hiệp nhưng không bán mình
"Một người lãnh đạo chỉ đánh giá nhân viên ở hai thứ: hiệu quả, thái độ làm việc. Và đôi khi trình độ không được coi trọng bằng thái độ. Tài sản lớn nhất của sinh viên mới ra trường là sự nhiệt thành và thái độ tốt. Hãy thể hiện điều đó" |
Tuy nhiên, một khi đã xác định nhập gia tùy tục thì “nhập” như thế nào trước những cái “tục” không phải là dễ gỡ. Ông Đăng Quang thừa nhận từng bị sốc trong những tuần đầu làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước mà cung cách ứng xử kiểu “5C” (con cháu các cụ cả) và “5Đ” (đố đuổi đi đâu được!) khá phổ biến. Sau thời gian đó, ông rút tỉa bài học và chia sẻ với các bạn trẻ: bất kể môi trường mới khó khăn thế nào, các bạn cần chứng minh bản thân là tài sản quý báu của tổ chức qua năng suất lao động cao và thái độ thỏa hiệp. Một khi được tôn trọng và nhìn nhận, những gai nhọn của xung đột văn hóa sẽ tự động bào mòn.
Đồng ý với ông Đăng Quang rằng phương án khả dĩ nhất với sinh viên mới ra trường, người mới đi làm là thỏa hiệp nhưng ông Giản Tư Trung cũng đưa ra cảnh báo: “Nơi ảnh hưởng đến cuộc đời các bạn nhất không phải trường ĐH mà là nơi bạn làm việc trong năm năm đầu tiên sau tốt nghiệp. Thỏa hiệp nhưng phải có ngưỡng để gần mực nhưng không đen đến độ đánh mất mình”. Ông Trung ví dụ: làm kế toán ở công ty tử tế khác với làm kế toán ở công ty buôn lậu. “Bán mình” cho cái xấu là sự thỏa hiệp vượt ngưỡng.
Ông Trung cũng đưa ra lời sẻ chia tâm huyết: các bạn trẻ đừng trăn trở “làm thế nào kiếm được việc làm?”. Thay vào đó hãy băn khoăn “làm thế nào kiếm được việc làm tử tế và làm việc một cách tử tế”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận