Giáo viên Trường CĐ GTVT T.Ư 3 dạy học viên thực hành lái xe trên sa hình tại Trung tâm sát hạch lái xe Q.12, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Nhiều cơ sở xem đây là điều kiện bắt buộc, không có giấy cam kết sẽ từ chối nhận học viên lái xe.
Bị tước bằng, bị cấm vẫn cố tình kiếm bằng mới
Theo một số cơ sở đào tạo lái xe ở TP.HCM, từ khi nghị định 100 có hiệu lực (1-1-2020), số lượng người vi phạm luật giao thông bị tước bằng lái tăng lên.
Trong đó, phần lớn người bị tước bằng lái lên đến 24 tháng do vi phạm nồng độ cồn... và không ít trường hợp trong số này đã đăng ký học để thi lấy bằng lái mới.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trong thời gian qua đã nhận được nhiều thông tin của sở GTVT các địa phương về các trường hợp học viên sau khi học và đạt kết quả sát hạch không được sở cấp giấy phép lái xe.
Khi in bằng lái để cấp cho các học viên này thì phát hiện trước đó họ từng có bằng nhưng vi phạm luật giao thông, bị thu giữ hoặc cấm cấp bằng trong thời gian 2 năm đến 5 năm.
Sự việc này dẫn đến một số học viên tranh chấp, khiếu kiện đến sở GTVT, các cơ sở đào tạo với yêu cầu được công nhận kết quả và cấp bằng, nếu không phải hoàn trả học phí đào tạo.
Lãnh đạo một cơ sở đào tạo lái xe ở TP.HCM cho rằng trong trường hợp này, cơ sở đào tạo không thể bồi hoàn tiền học phí vì bản thân học viên biết rõ họ bị tước bằng hoặc bị cấm cấp bằng nhưng vẫn cố tình đăng ký học để thi lấy bằng khác. Quy định hiện tại không cho phép hành vi này.
Cam kết để tránh khiếu kiện
Để giải quyết câu chuyện này, mới đây Sở GTVT TP.HCM đã đề nghị Tổng cục Đường bộ cho phép các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện quy định học viên phải làm cam kết.
Đề xuất này được cho nhằm kiểm soát tốt đầu vào và tránh trường hợp tranh chấp giữa học viên và các cơ sở đào tạo.
Từ đề xuất trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu sở GTVT các địa phương thực hiện quản lý bằng lái, lưu trữ dữ liệu vi phạm của người lái xe và người học cũng phải cam kết.
Ông Ngô Đình Quang - trưởng Phòng quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc Sở GTVT TP.HCM - cho biết đã thực hiện chỉ đạo trên của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe nghiêm túc thực hiện chỉ đạo trên.
Một số sở GTVT đã chủ động cho các cơ sở đào tạo in sẵn bản cam kết để học viên học mới, học nâng hạng cam kết.
Sở GTVT TP.HCM cũng giao cho Phòng quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nội dung trên của cơ sở đào tạo lái xe và sẵn sàng từ chối các hồ sơ học viên đăng ký sát hạch khi không thực hiện cam kết.
Những vi phạm bị tước giấy phép lái xe đến 24 tháng hoặc 5 năm
Theo nghị định 100, người lái xe vi phạm nồng độ cồn, bên cạnh hình thức phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2020, các cơ quan chức năng đã xử lý 86.114 trường hợp người lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Theo thông tư 38 của Bộ GTVT, vi phạm sau đây không được cấp giấy phép lái xe trong 5 năm: tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe; sử dụng giấy phép lái xe hoặc hồ sơ lái xe giả; sử dụng giấy phép lái xe đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép lái xe thì giấy phép lái xe đó không có giá trị sử dụng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận