Thầy giáo Phạm Văn Việt, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM) chia sẻ câu chuyện kết nối ý tưởng sinh viên - Ảnh: HÀ THANH
Chiều 26-8, 5 diễn đàn trong chuỗi hoạt động tổng kết "Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác", gồm các chủ đề "Đảng viên trẻ tiên phong các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh"; "Đảng viên trẻ tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Bên cạnh đó là chủ đề "Đảng viên trẻ tích cực, học tập, sáng tạo theo lời Bác dạy"; "Đảng viên trẻ rèn luyện tính trách nhiệm, nói đi đôi với làm theo Di chúc của Bác"; "Tu dưỡng, rèn luyện tính gương mẫu, giữ gìn phẩm chất của người cộng sản trẻ".
Tại diễn đàn "Đảng viên trẻ tích cực, học tập, sáng tạo theo lời Bác dạy", thầy giáo Phạm Văn Việt (khoa khoa học vật liệu, Trường ĐH khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM) chia sẻ trong quá trình giảng dạy, các thầy cô giáo trong khoa thường lồng ghép vào các câu chuyện của nhà khoa học đi trước, tiêu biểu như nhà khoa học anh hùng GS.VS Trần Đại Nghĩa trong thời chiến, từ đó thôi thúc tinh thần sáng tạo trong sinh viên.
"Sinh viên có nhiều ý tưởng đột phá, nhiều khi ngờ nghệch, khờ dại nhưng chính nhờ dại, ngờ nghệch thầy cô mới ngồi lại suy nghĩ để tìm ra ý tưởng sáng tạo, ứng dụng thực tế. Giảng viên suy nghĩ lâu ngày có lối mòn nên chính những sinh viên này sẽ tạo động lực cho chúng ta", thầy Việt nói.
Từ đó đề xuất các thầy cô, các quỹ nghiên cứu cần có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng ý tưởng trong sinh viên, kết nối với các doanh nghiệp đưa ý tưởng ra ứng dụng thực tiễn.
Năm diễn đàn "Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác" chính thức khai mạc chiều nay - Ảnh: HÀ THANH
Cũng trong diễn đàn này, anh Nguyễn Tường Lâm - trưởng Ban đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn, chỉ ra ba khó khăn chính trong quá trình nghiên cứu sáng tạo.
Đơn cử, các bạn thanh niên, sinh viên chưa vượt qua chính bản thân mình, biến khát khao, đam mê sáng tạo thành các đề án, ý tưởng cụ thể; các cơ quan, đơn vị chưa thực sự tạo môi trường giúp thanh niên đưa ý tưởng, sáng kiến áp dụng vào thực tiễn; thiếu cơ chế dài hơi, đặc biệt hỗ trợ về tài chính, bảo vệ, sở hữu trí tuệ.
Một số đại biểu cũng gửi đến diễn đàn các đề xuất tổ chức talkshow, diễn đàn về phương pháp tự học, nâng cao chất lượng tự học trong sinh viên; ứng dụng chuyên môn trong phong trào tình nguyện, từ đó thôi thúc ý tưởng sáng tạo tình nguyện; cán bộ Đoàn ở cơ sở đi đầu trong sáng kiến "nhận thầu", nhận về các phần việc tạo kinh phí hoạt động cho Đoàn…
Học Bác phong cách "gần dân"
Đại úy Phạm Tuân chia sẻ việc nhận đỡ đầu cho 60 học sinh dân tộc thiểu số khó khăn trên địa bàn của Đồn biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu - Ảnh: HÀ THANH
Đại úy Phạm Tuân - chính trị viên phó, bí thư chi đoàn đồn biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu - chia sẻ câu chuyện về các chiến sĩ bộ đội biên phòng học Bác ở phong cách "gần dân".
Trước hết trong việc chăm lo cho các em học sinh, đơn vị thực hiện chương trình "Nâng bước em đến trường", nhận đỡ đầu cho 60 học sinh dân tộc thiểu số khó khăn trên địa bàn.
Đồng thời chỉ ra thực trạng đặc thù thanh niên khu vực biên giới không có việc làm phải sang Trung Quốc làm thuê nhưng thiếu nhận thức pháp lý cơ bản về quyền công dân.
Từ đó đề nghị Trung ương Đoàn có các chương trình hỗ trợ pháp lý cho thanh niên, đặc biệt thanh niên khu vực biên giới, hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho thanh niên tại khu vực này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận