Nhiều tờ báo Trung Quốc từng tốn không ít giấy mực để nói về việc các phụ huynh ở nước này bắt học sinh học quá mức, khiến các em bị áp lực đáng kể - Ảnh: SOHU
Từng kiểu tháp dân số tại mỗi quốc gia sẽ mang đến những lợi ích thương mại cụ thể. Chẳng hạn, y tế là một lĩnh vực hưởng hoa lợi đáng kể khi phần trăm số người trên 60 tuổi ngày càng tăng.
Đối với đối tượng trẻ em cũng vậy, văn hóa và các quan niệm xưa nay tại châu Á luôn chú trọng tới tương lai của thế hệ kế tiếp. Vì thế, các bậc cha mẹ luôn sẵn lòng bỏ hầu bao để con mình được hưởng nền giáo dục trọn vẹn.
Con trẻ thành công, thầy cô hốt bạc
Đó là nhận định của giáo sư Siah Hwee Ang - Chủ tịch kinh doanh châu Á của Ngân hàng New Zealand và hiện giảng dạy tại trường ĐH Victoria ở Wellington - về ngành dạy thêm đang "đắt như tôm tươi" ở Trung Quốc.
Bình luận trên trang tin Stuff của New Zealand ngày 9-4, ông Ang cho biết những người Trung Quốc giàu có ở độ tuổi từ 20-40 ngày càng để tâm hơn đến giáo dục con cái.
Nhiều cặp đôi trẻ ở Trung Quốc giờ đây gửi thẳng con họ tới các trường mầm non dù các cháu chỉ mới 2 tuổi. Hơn thua đến mức các phụ huynh Trung Quốc muốn đảm bảo rằng con của họ không thua kém bạn bè, dù ở cái tuổi nhỏ như vậy.
Ngoài việc đăng ký học trước tuổi, nhiều học sinh phải "đầu tắt mặt tối" trong các lớp . Quả thật, việc tham gia các lớp dạy kèm đã trở thành một khuôn mẫu mới, mặc dù trước đây người ta chỉ cho con em đến các trung tâm gia sư vì học lực yếu kém.
Nhu cầu này đã tạo ra một thị trường cạnh tranh sinh lợi trong lĩnh vực giáo dục. Các trung tâm dạy kèm đã mọc lên như nấm tại Trung Quốc để đáp ứng xu thế này. Với việc các khách hàng sẵn sàng bỏ bộn tiền ra để đầu tư cho con, các trung tâm tìm mọi cách để hút học sinh bất chấp chất lượng.
Học phí của những lớp học thêm như thế này đã tăng chóng mặt. Trong một số trường hợp, con số này có thể lên tới 1.500 USD/tháng.
Theo số liệu thống kê, hơn 137 triệu học sinh cấp tiểu học và trung học ở Trung Quốc tham gia các lớp học thêm trong năm 2016.
Các bậc cha mẹ thấy rằng việc chi trả như vậy là lẽ đương nhiên nhưng họ chẳng ai biết được giá trị thật sự của các lớp dạy kèm này. Nhưng có một điều chắc chắn: Họ tin rằng họ đang đầu tư để đảm bảo con cái không thua thiệt bàn bè cùng trang lứa.
Dù học lực giỏi hay yếu, nhiều học sinh Trung Quốc vẫn bị cha mẹ bắt đi học thêm. Điều này cũng gây áp lực không ít lên con em của họ - Ảnh: AFP
Nhà nước can thiệp vì sợ giống… bất động sản
Trong khi việc đầu tư cho giáo dục phù hợp với lời kêu gọi của chính phủ Trung Quốc, thì ngành dạy thêm hiện mang nhiều nét tương đồng dễ nhận thấy với sự bùng nổ của thị trường bất động sản tại Trung Quốc, khi mà nhiều khoản tiết kiệm lớn được đổ vào một ngành công nghiệp đơn lẻ.
Các phụ huynh Trung Quốc giờ đây cũng trải qua những gánh nặng về tài chính ngày một tăng. Họ phải gạt bỏ các nhu cầu khác sang một bên, trong khi đặt chuyện cho con em tham gia các trung tâm gia sư lên làm ưu tiên.
Với những lo ngại liên quan tới vấn đề này, Bộ Giáo dục Trung Quốc tuần trước đã đưa ra đường lối chỉ đạo để kiểm soát các trung tâm dạy thêm cho đối tượng là học sinh tiểu học và trung học.
Đường lối chỉ đạo yêu cầu các cơ quan quản lý giáo dục địa phương tiến hành giám sát tất cả trung tâm dạy thêm trong quyền hạn cho phép và công bố thông tin cho công chúng.
Những cơ sở dạy kèm nào không đảm bảo an toàn về cơ sở vật chất, không có giấy phép, dạy theo kiểu chỉ để vượt qua các kỳ thi, hoặc thuê giáo viên từ các trường công lập sẽ bị đóng cửa.
Ngoài ra, các gia sư nào dụ dỗ hoặc ép buộc học sinh tham gia các lớp học thêm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc hoặc thậm chí bị tước chứng chỉ hành nghề.
Các quy định này nhằm đảm bảo các trung tâm dạy kèm cung cấp dịch vụ chất lượng và uy tín cho các phụ huynh và học sinh. Đó cũng chính là một sự đảm bảo của chính phủ Trung Quốc nhằm giúp các phụ huynh có thể đầu tư đáng "đồng tiền bát gạo".
Học sinh Tracy Tian (trái) đang học thêm tiếng Anh giọng Mỹ với thầy Conor Dawson ở vịnh Causeway, Hong Kong - Ảnh: AFP
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, các phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc ngày càng đối mặt với nhiều áp lực về việc cho con đi học thêm, thậm chí là các khóa học hè ở nước ngoài.
Giữa năm 2017, một bài viết có tựa đề "Lương 30.000 nhân dân tệ (4.500 USD)/tháng không đủ cho kỳ nghỉ hè của con tôi" đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Chủ nhân của bài viết này chia sẻ bà không dám mua quần áo mới vào mỗi mùa hè vì phải chi bộn tiền cho các khóa học của con mình.
Vị phụ huynh cho biết, cứ mỗi dịp hè bà tốn khoảng 20.000 nhân dân tệ cho một khóa học 10 ngày của con gái tại Mỹ, cộng dồn tất cả các lớp học thêm khác, chi phí lên tới 35.000 nhân dân tệ. Vậy, những người có mức lương bằng đúng thu nhập trung bình của người dân Bắc Kinh là 7.706 nhân dân tệ/tháng (số liệu năm 2016) sẽ khổ sở tới mức nào?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận