Đại diện báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn Vĩnh Long trao học bổng và quà cho các em học sinh nghèo học giỏi xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình - Ảnh: CHÍ HẠNH
Sáng 1-8, tại UBND xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long), báo Tuổi Trẻ, Saigon Co.op và Ví MoMo (đại diện ban tổ chức chương trình Ủng hộ nông sản Việt) phối hợp cùng Tỉnh đoàn Vĩnh Long tổ chức chương trình trao 18 suất học bổng, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng cho các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 11 là con em các hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Niềm vui trước thềm năm học mới
"Ủng hộ nông sản Việt" là một chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới "Ngày không tiền mặt 2020" - khuyến khích sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Chương trình diễn ra từ ngày 10 đến hết ngày 30-6 đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ 75.000kg vải thiều Lục Ngạn và 2.850kg gạo thơm đặc biệt giống lúa ST Xuân Hồng. Đồng thời nhận được 16.099 lượt quyên góp từ người dùng Ví MoMo với tổng số tiền 86 triệu đồng, tương đương 18 suất học bổng, mỗi suất 5 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thụy Yến Phương, phó bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long, phát biểu và giao lưu với các em học sinh nhận học bổng - Video: CHÍ HẠNH
Có mặt từ rất sớm, em Đặng Thị Mơ, học sinh giỏi lớp 9, cho biết em sống cùng bà nội từ lúc mới 3 tháng tuổi, nhưng 4 tháng trước, ba Mơ đưa bà nội già yếu lên Đồng Nai để vừa làm công nhân, vừa tiện chăm sóc.
"Hiện con ở với bác ruột, vài tháng ba mới gửi tiền về phụ chi phí này nọ. Hàng ngày con đến trường cách nhà hai cây số bằng xe đạp. Nhà con nghèo, ba mới đi xa kiếm tiền và đó là động lực để con học giỏi. Con giỏi nhất là môn tiếng Anh.
Con cũng không dám mơ ước gì nhiều cho chuyện tương lai, vì có thể hoàn cảnh sẽ không cho phép. Chỉ mong sau này có cái nghề nuôi được bản thân, con rất mừng và cám ơn các cô chú đã tặng cho học bổng. Đây sẽ là chi phí mua sách vở, quần áo cho năm học mới" - Mơ tâm sự.
Em Đặng Thị Mơ chia sẻ về hoàn cảnh và cách học tập để đạt loại giỏi - Ảnh: CHÍ HẠNH
Ông Phạm Ngọc Minh, 50 tuổi, phụ huynh em Phạm Hà My, hiện đang học lớp 9 Trường THCS Cái Ngang, chia sẻ: "Lúc nghe con được nhận học bổng, vợ chồng tôi muốn rơi nước mắt, tôi cảm ơn sự quan tâm của các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương".
Ông Minh là người từng chiến đấu ở chiến trường K Campuchia. Ông bị thương mất một chân, hiện phải lắp chân giả nên đi lại rất khó khăn.
"Nhà không có ruộng canh tác, ngoài tiền hỗ trợ thương binh ¾ thì cuộc sống của hai vợ chồng và hai đứa con chỉ biết trông chờ vào ít đồng tiền lời của việc buôn bán hạt điều… Khoảng thu nhập ấy cũng thất thường, chỉ kiếm được khi vào mùa, còn ngày thường ai kêu gì làm nấy. Một mình vợ làm lụng nuôi hai con ăn học cực lắm, xoay xở tứ bề, có lúc thiếu thốn thì vay mượn chòm xóm" - ông Minh kể.
San sẻ gánh nặng học phí
Ông Trần Xuân Toàn - ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ, đại diện ban tổ chức - cho biết việc lựa chọn 2 sản phẩm nông sản này đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Vải thiều Lục Ngạn và gạo thơm đặc biệt giống lúa ST Xuân Hồng là 2 loại sản phẩm nổi tiếng của nông sản Việt Nam.
Nếu trái vải tươi là một trong những đặc sản thời vụ điển hình ở thời điểm hiện tại, thì gạo giống ST nói chung và gạo ST Xuân Hồng là mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của vùng ĐBSCL. Hai sản phẩm này đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới nhưng hiện tại nguồn ra đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch COVID-19.
Do đó, trái vải và gạo hơn lúc nào hết cần được người dân cả nước ủng hộ, vừa để tôn vinh nông sản Việt, vừa để góp phần giải quyết đầu ra, giúp nông dân yên tâm canh tác. Bên cạnh việc tìm đầu ra, hỗ trợ thu mua, tiêu thụ nông sản, người nông dân còn cần những hỗ trợ kịp thời hơn về đồng vốn cho việc mua giống mới, phân bón, cải tạo đất... chuẩn bị sản xuất cho vụ mùa tiếp theo. Đặc biệt, là trang trải cho các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của gia đình họ.
"Không dừng lại ở đó, một năm học mới sắp bắt đầu với chi phí sách vở, quần áo, học phí... làm gánh nặng những người nông dân đang mang lại càng nặng thêm. Trong khi để trẻ hồn nhiên vui bước đến trường, học hành thành tài là mong mỏi từ bao đời nay của những người làm cha mẹ và người nông dân cần những hỗ trợ kịp thời về vật chất để có thể trang trải chi phí học tập cho con em của mình khi mùa tựu trường đến gần. Chương trình quyên góp Ủng hộ nông sản Việt, một phần nhỏ, sẽ san sẻ với họ về gánh nặng này" - ông Toàn chia sẻ.
Ông Lê Ngọc Đức (bên phải) - phó chủ tịch UBND huyện Tam Bình - cùng lãnh đạo xã Mỹ Lộc tặng quà, học bổng cho các em học sinh - Ảnh: CHÍ HẠNH
Ông Lê Ngọc Đức - phó chủ tịch UBND huyện Tam Bình, cho biết những phần học bổng trao cho các em học sinh nghèo khá, giỏi hôm nay là tấm lòng quý báu đối với địa phương.
"Trong năm học 2020-2021 sắp tới đây, những phần học bổng của các nhà tài trợ sẽ giúp các em có điều kiện tiếp tục cắp sách tới trường. Các em có mặt hôm nay phải cố gắng học giỏi hơn, để không phụ lòng các anh chị nhà tài trợ. Chúng tôi cũng xin gửi lời cám ơn đến các anh chị!" - ông Đức bày tỏ.
Được biết đây là năm đầu tiên 3 đơn vị báo Tuổi Trẻ, Saigon Co.op và Ví MoMo phối hợp tổ chức chương trình này.
Với "Ủng hộ nông sản Việt", lần đầu tiên người tiêu dùng khu vực TP.HCM và Hà Nội được trải nghiệm mua nông sản (vải thiều Lục Ngạn và gạo Xuân Hồng) ngay trên nền tảng công nghệ thanh toán tiện lợi của ví điện tử MoMo và nhận hàng tại địa chỉ do mình chọn. Chương trình còn kêu gọi quyên góp hỗ trợ chi phí học tập cho con em nông dân khó khăn khi năm học mới sắp bắt đầu.
Các em hớn hở ra về với món quà từ tấm lòng của các nhà hảo tâm - Ảnh: CHÍ HẠNH
Trong lần đầu hợp tác, lợi thế của từng đơn vị được tận dụng và kết hợp để tối ưu giá trị mang lại cho bà con nông dân. Cụ thể, báo Tuổi Trẻ - cơ quan báo chí đi đầu trong các hoạt động vì cộng đồng, xã hội - là đơn vị khởi xướng, kết nối các doanh nghiệp tham gia, tìm kiếm những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ và truyền thông chính cho chương trình.
Saigon Co.op - nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam - là đầu mối phân phối hàng trăm tấn vải thiều và gạo chất lượng cao mỗi năm thông qua hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.op tra, Co.op Food,… Tất cả các loại nông sản đều phải đáp ứng yêu cầu đầu vào nghiêm ngặt của Saigon Co.op, trong đó 2 tiêu chí chính là đảm bảo an toàn thực phẩm và giá thu mua hợp lý để vừa giúp người tiêu dùng mua được sản nông sản an toàn, giá hợp lý, vừa thiết thực giúp người nông dân thu hồi vốn đảm bảo tái sản xuất.
Ví MoMo - ví điện tử hàng đầu Việt Nam - cung cấp nền tảng công nghệ để đặt mua nông sản cũng như kêu gọi quyên góp tiền. Với hơn 20 triệu người dùng, MoMo tự tin bằng công nghệ có thể lan tỏa chương trình ý nghĩa này đến với người dùng đã quen với tiêu dùng online.
Bên cạnh đó, MoMo tự hào về cộng đồng nhà hảo tâm đã và đang đồng hành, hỗ trợ hàng trăm người, hàng tỉ đồng để xây dựng cộng đồng tử tế và mang lại nhiều cơ hội sống tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận