05/12/2022 12:04 GMT+7

Học sinh THPT tử vong khi thi chạy, bác sĩ khuyến cáo trẻ luyện tập thể thao cần lưu ý gì?

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Mới đây, thông tin một học sinh của Trường THPT Phù Cát 3 (xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã tử vong trong lúc thi chạy 200m do nhà trường tổ chức làm nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

Học sinh tham gia thể dục thể thao là tốt nhưng các bậc phụ huynh cần phải làm gì để có thể tránh được những trường hợp đáng tiếc? Còn từ phía nhà trường cần phải lưu ý gì?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, cho biết có nhiều nguyên nhân có thể gây đột tử khi trẻ đang chạy.

Có thể trẻ có một bất thường về tim mạch.

Trẻ có thể bị bất thường mạch vành, khi chạy gắng sức cũng gây tử vong.

Hoặc trẻ có thể bị cao huyết áp. Lúc đang chạy huyết áp tăng quá, gây đột quỵ, tử vong.

Cũng có thể trẻ bị rối loạn nhịp tim, khi chạy gắng sức cũng bị tử vong.

Bên cạnh đó, trẻ có thể bị cao áp động mạch phổi mà chưa được phát hiện, khi chạy gắng sức gây suy hô hấp, lên cơn tím tái, ngưng tim, tử vong. Một trẻ bị hen suyễn nặng, khi gắng sức có thể gây suy hô hấp, tử vong.

Ngoài ra, trẻ có thể bị dị dạng mạch máu não (tiềm ẩn), khi gắng sức dị dạng mạch máu này bị vỡ ra, gây đột quỵ, tử vong.

Trẻ cũng có thể bị các bệnh lý liên quan đến chuyển hóa, khi vận động gắng sức gây ảnh hưởng đến các cơ quan, trong đó có tổn thương tim, gây tử vong.

Bác sĩ Minh Tiến cho rằng y tế học đường nhà trường cần nắm thông tin về tiền sử bệnh của học sinh để nếu cần có thể giới thiệu học sinh đến khám tại bệnh viện có chuyên khoa tương ứng, để có khuyến cáo vận động phù hợp với trẻ.

Ở nhiều nước, khi trẻ được khám sức khỏe định kỳ, trẻ sẽ được khảo sát chức năng tim, phổi, hô hấp... Từ đó, dễ phát hiện được những bệnh tiềm ẩn nếu có.

Có những trẻ được phát hiện thuộc nhóm nguy cơ (béo phì, dư cân, bệnh lý hô hấp, tim mạch, thần kinh, chuyển hóa...) sẽ được thăm khám, khảo sát thăm dò chức năng các cơ quan chuyên sâu.

Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần theo dõi xem trẻ có triệu chứng bất thường nào để đưa trẻ đi khám, phát hiện bệnh tiềm ẩn nếu có.

Cuộc thi chạy ở cự ly 200m là một cuộc thi đòi hỏi các thí sinh tham dự phải rất gắng sức, có cường độ vận động tăng đột ngột. Do vậy, trước khi cho trẻ tham gia cuộc thi này trẻ cần có một quá trình tập luyện chạy bộ chậm nhiều ngày trước đó, sau đó tăng tốc với cường độ từ thấp đến cao.

Trước khi chạy cần cho trẻ khởi động kỹ để các cơ bắp được tưới máu tốt, không bị vọp bẻ.

Chương trình thi chạy cũng nên tương xứng với những tiết học thể dục, cự ly chạy bộ mà trẻ đã được học trong trường.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.

Những động tác kéo giãn cơ cần làm sau khi chạy bộ Những động tác kéo giãn cơ cần làm sau khi chạy bộ

TTO - Sau khi chạy bộ, các cơ bắp trên cơ thể đã được "làm nóng", vì vậy đây là thời gian thích hợp để thực hiện các động tác kéo giãn cơ. Các động tác này chủ yếu nhắm vào các nhóm cơ bị căng lên trong quá trình chạy bộ.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp