05/07/2023 09:40 GMT+7

Học sinh thích sáng tạo hay khuôn mẫu?

Diễn đàn "Học văn và thi văn nên như thế nào?" thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều chuyên gia, giáo viên và học sinh. Số báo này đăng tải ý kiến của "người trong cuộc" - những học sinh vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Học sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Học sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bùi Mỹ Ngọc (học sinh lớp 12 Trường THPT Đỗ Công Tường, Đồng Tháp):

Sáng tạo trong việc dạy và học

Theo góc nhìn của mình, đề thi văn năm nay có một số điểm hay. Bất ngờ nhất có lẽ là cho đoạn văn cuối của tác phẩm "Vợ nhặt". Không chỉ mình mà nhiều bạn khác không nghĩ rằng đề thi sẽ cho ra đoạn văn này.

Một tác phẩm quen thuộc nhưng đề ra ở một đoạn văn ít quen thuộc khiến học sinh sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn khi làm bài. Bản thân mình dù ôn thi tổ hợp khối C từ đầu nhưng phải vận dụng nhiều kiến thức, kỹ năng để làm bài nghị luận văn học này cho tốt nhất.

Ở câu nghị luận xã hội, đề bài yêu cầu thí sinh viết về vấn đề cân bằng cảm xúc. Chủ đề này cũng khá lạ, ban đầu mình hơi khớp. Nhưng khi bắt tay vào viết, mình cảm thấy hay.

Cuộc sống hiện tại có nhiều biến động, và việc cân bằng cảm xúc là rất cần thiết. Chưa kể với lứa tuổi 18 của bọn mình, chuẩn bị bước vào đại học, thay đổi môi trường mới, việc cân bằng cảm xúc sẽ càng quan trọng hơn.

Mình nghĩ bàn về sự mới mẻ, sáng tạo trong một đề thi văn sẽ khá chủ quan. Thay vì vậy, nên nói đến sự sáng tạo trong việc dạy và học văn. Học kỳ 2 năm vừa rồi, cô giáo dạy văn của mình thường cho các nhóm trong lớp làm clip về tác phẩm đã học.

Trong quá trình làm clip, bọn mình phải tiếp xúc tác phẩm nhiều hơn, kỹ hơn. Mình bắt gặp được nhiều chi tiết ấn tượng.

Sau mỗi đoạn clip, bọn mình hiểu và thích tác phẩm hơn. Mình nghĩ đó là một trong những cách sáng tạo ngay trong lớp học để học sinh thêm yêu môn văn, không nhất thiết phải chờ đến đề thi trong một kỳ thi tầm quốc gia.

Không phải học sinh nào cũng giỏi văn hoặc dành sức tập trung ôn tập cho môn văn, như các bạn thi tổ hợp khối A, khối B. Một đề văn quá mở thì những thí sinh ôn tập khối D như bọn mình có thể xoay xở, còn các bạn ôn tập khối A, B sẽ thấy vô cùng vất vả. Như vậy, dù đề thi có hay đi chăng nữa cũng sẽ đẩy thế khó về học sinh.

Đỗ Minh Thư

Đỗ Minh Thư (học sinh lớp 12 Trường THPT Chợ Gạo, Tiền Giang):

Sáng tạo "hết cỡ" không hẳn là hay

Mình nhận thấy đề thi ngữ văn tốt nghiệp năm nay về cấu trúc tương tự như các năm trước đây. Một phần đọc hiểu, một phần nghị luận xã hội và một bài nghị luận văn học.

Phần nghị luận văn học bao gồm một đoạn trích dẫn văn bản từ một tác phẩm trong chương trình lớp 12, từ đó học sinh sẽ phân tích một khía cạnh mà đề đặt ra.

Sẽ có người nói rằng cấu trúc này được giữ nhiều năm qua gây ra nhàm chán. Ngược lại, cách ra đề như thế lại thuận tiện cho học sinh khi ôn tập. Học sinh tụi mình sẽ biết được đề gồm những phần chính nào, hướng ôn tập ra sao. Chưa kể cũng sẽ khó hơn khi các giám khảo chấm các bài thi của học sinh.

Một đề thi văn sáng tạo "hết cỡ" không hẳn là hay. Ngoài việc gây khó khăn cho ôn tập, nó cũng sẽ gây ra nhiều tranh cãi.

Chẳng hạn, có người cho rằng vì sao đề năm nay không yêu cầu học sinh sáng tạo bằng cách "viết tiếp câu chuyện" hoặc "viết thêm cái kết". Tốt nghiệp THPT là một kỳ thi quốc gia, và "Vợ nhặt" là một tác phẩm lớn, vì thế nên xem cách cảm thụ của thí sinh về tác phẩm hơn là sáng tạo quá mức.

Theo mình, việc làm hấp dẫn môn văn trước hết nên đến từ phạm vi lớp học, từ cách dạy và học môn văn. Nếu như các lớp học chỉ học các tác phẩm chính, chỉ phân tích các đoạn văn, đoạn thơ, phân tích diễn biến tâm trạng, thì đề thi cũng sẽ theo một khuôn khổ như thế.

Trong tiết học, học sinh nên được nói thêm về những liên hệ thực tế. Ví dụ, từ một số chi tiết trong bài văn, bài thơ, học sinh sẽ có thể có được những kỹ năng, bài học gì, áp dụng vào cuộc sống ra sao. Điều này không chỉ giúp nội dung học hấp dẫn hơn mà còn làm cho những tác phẩm văn học ngày trước trở nên gần gũi hơn với giới trẻ hiện tại.

Nên mở rộng thêm các tác phẩm

Đề thi tốt nghiệp THPT có hai mục tiêu chính, dành cho những bạn xét tốt nghiệp và dành cho những bạn lấy điểm xét tuyển đại học. Mình nghĩ đề thi ở các môn sẽ phải thiết kế để đảm bảo được cả hai mục tiêu này. Môn văn cũng thế.

Mình không thấy một đề văn quá lạ sẽ tốt, hoặc một đề văn quá bám sát theo đề tham khảo của Bộ GD-ĐT sẽ không tốt.

Cùng một câu hỏi trong đề văn, một bạn thi văn để lấy điểm xét đại học sẽ có đầu tư hơn rất nhiều về dữ liệu, về cách triển khai, diễn đạt hơn một bạn chỉ dùng điểm môn văn để xét tốt nghiệp.

Dù vậy, mình nghĩ đề văn các năm sau vẫn có thể cải tiến để hấp dẫn hơn, đặc biệt là với những học sinh sinh năm 2007 - những bạn đầu tiên theo học chương trình phổ thông 2018. Hiện nay, phần nghị luận văn học chỉ cho ra trong các tác phẩm lớp 12, các bạn có thể loại trừ và "học tủ".

Nên chăng sẽ có mở rộng thêm các tác phẩm trong lớp 11 hoặc cả ba năm học? Còn phần nghị luận xã hội, mình nghĩ nên chú trọng vào các chủ đề gần gũi nhưng qua đó có thể cho học sinh tự do bộc lộ cái nhìn về cuộc sống xung quanh.

Văn Kim Cúc (thủ khoa đầu vào Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022)

Học văn và thi văn: Nhìn thẳng để giải quyết tận gốcHọc văn và thi văn: Nhìn thẳng để giải quyết tận gốc

Dù chúng ta có lý tưởng thế nào đi chăng nữa thì chất lượng thực của bộ môn ngữ văn và việc học văn ở các trường phổ thông hiện nay đã và đang xuống dốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp