Học sinh lớp 10 tươi tắn trong lễ khai giảng tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngày 10-9, Sở GD-ĐT Quảng Bình xác nhận HĐND tỉnh này đã thông qua nghị quyết không thu học phí học kỳ 1 năm học 2022 - 2023 với trẻ mầm non và học sinh phổ thông công lập, học viên các cơ sở giáo dục thường xuyên.
Theo HĐND tỉnh Quảng Bình, việc miễn học phí để chia sẻ với khó khăn của người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Sự thấu hiểu với phụ huynh
Trước đó, HĐND TP Đà Nẵng cũng thống nhất tiếp tục hỗ trợ học phí với trẻ mầm non và học sinh phổ thông trong năm học 2022 - 2023. Mức hỗ trợ là 100% học phí theo mức thu học phí công lập năm học 2022 - 2023, hỗ trợ trong chín tháng của năm học.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết - chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - cho biết mức hỗ trợ học phí này theo mức cũ thì bình quân mỗi năm hỗ trợ khoảng 92 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo mức mới của nghị định 81, số tiền hỗ trợ bình quân lên đến gần 450 tỉ đồng, tăng hơn gấp 5 lần so với mức học phí hiện nay. Mặc dù vậy Đà Nẵng vẫn quyết định hỗ trợ khu vực học sinh công lập và kể cả học sinh ngoài công lập.
Bà Lê Thị Bích Thuận - giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng - cũng cho biết: "Chỉ đạo của thành phố là sự thấu hiểu đối với phụ huynh. Đặc biệt những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, nếu giữ nguyên mức thu học phí như trước đây sẽ là trở ngại lớn với họ thời điểm sau dịch".
Tương tự, bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh trẻ mầm non 5 tuổi và cấp THCS ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vui mừng vì được chính quyền hỗ trợ 100% học phí. Quyết định trên đã được HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VII thông qua.
Ông Mai Ngọc Thuận, phó chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tỉnh thấy rằng sau đại dịch COVID-19 nhiều người dân gặp khó khăn nên tỉnh đã có quyết định để học sinh không đóng học phí.
Tại Cần Thơ, ngày 10-9, ông Trần Thanh Bình - giám đốc Sở GD-ĐT - cho biết HĐND TP Cần Thơ đã có văn bản thống nhất hỗ trợ 100% học phí năm học 2022 - 2023 cho học sinh với tổng kinh phí hơn 308 tỉ đồng.
Đà Nẵng sẽ chi gần 450 tỉ đồng hỗ trợ học phí cho học sinh trong năm học mới - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài, công việc kinh doanh hàng ăn của gia đình trong thời gian dài bị bấp bênh nên số tiền hỗ trợ trên thật sự có ý nghĩa với chúng tôi, giúp giảm bớt áp lực phần nào trong việc chăm lo cho các con ăn học.
Phụ huynh Phạm Minh Thúy (quận Hải An, Hải Phòng)
Tác động lớn đến ngành giáo dục
Từ năm học 2021 - 2022, niềm vui lớn với các bậc cha mẹ và học sinh toàn TP Hải Phòng khi tiếp tục thực hiện nghị quyết về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến THPT. Mức hỗ trợ là 100%, lấy từ ngân sách thành phố. Nghĩa là học sinh không phải đóng học phí.
Chị Phạm Minh Thúy (33 tuổi, trú tại phường Thành Tô, quận Hải An) có hai con học lớp mẫu giáo 5 tuổi và lớp 7 phấn khởi cho biết tại khu vực thành thị, với mức học phí 203.000 đồng/tháng với trẻ mầm non và 92.000 đồng/tháng với cấp THCS, năm học vừa qua cũng như năm học này thì gia đình chị tiết kiệm được hàng triệu đồng tiền học của cả hai con.
"Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài, công việc kinh doanh hàng ăn của gia đình trong thời gian dài bị bấp bênh nên số tiền hỗ trợ trên thật sự có ý nghĩa với chúng tôi, giúp giảm bớt áp lực phần nào trong việc chăm lo cho các con ăn học" - chị Thúy chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Văn Lợi - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng - đánh giá việc hỗ trợ 100% học phí cho các cấp học có tác động rất lớn đến ngành giáo dục TP.
Trước hết, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cảm thấy có trách nhiệm hơn trước sự quan tâm của lãnh đạo TP và trách nhiệm hơn trong quản lý, giảng dạy học sinh. Bên cạnh đó, chủ trương này cũng tác động tới từng gia đình có con em đi học.
Ngoài việc giảm bớt chi tiêu còn giúp họ có trách nhiệm hơn trong việc đôn đốc con em mình học tập. "Nghị quyết hỗ trợ 100% học phí của TP giúp giải quyết tốt chủ trương không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, không học sinh nào phải bỏ học" - ông Lợi cho hay.
Cuối năm 2019, chính sách hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp được thông qua tại kỳ họp thứ 11 của HĐND TP Hải Phòng khóa XV.
Học sinh một trường THCS tại TP Cần Thơ trong giờ học - Ảnh: T.LŨY
Chi ngân sách bù học phí
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội về mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm học 2022 - 2023, học phí khu vực nội thành tăng gấp đôi mức trước đó.
Dự thảo này sẽ được bàn bạc và quyết định tại kỳ họp thứ 9 của HĐND TP Hà Nội khóa XVI dự kiến vào ngày 12-9. Để phục vụ kỳ họp sắp tới, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức thẩm tra các nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong đó có vấn đề học phí.
Theo ông Nguyễn Ngọc Việt, chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội, dự kiến kỳ họp tới, HĐND thành phố sẽ thảo luận theo hướng xác định việc áp dụng học phí theo nghị định 81 là việc bắt buộc thực hiện theo lộ trình nhằm nâng chất lượng giáo dục.
Nhưng tại thời điểm này, thành phố quy định theo mức sàn (thấp nhất) của nghị định. Đồng thời sẽ dùng ngân sách thành phố để bù đắp khoản chênh lệch để duy trì chất lượng giáo dục, phụ huynh không phải đóng học phí.
Cũng theo ông Việt, năm học 2022 - 2023, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ 50% học phí như mức đã hỗ trợ năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Thành phố cũng rà soát 100% đối tượng để mở rộng thành phần học sinh thuộc diện yếu thế, gia đình chính sách, gia đình khó khăn nhằm thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Dự kiến tổng mức ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ trong năm học 2022 - 2023 là 1.133 tỉ đồng.
* Không nộp học phí: Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ
* Dự kiến không nộp: TP.HCM, Hà Nội
* Tạm thời chưa thu: Sóc Trăng
Chia sẻ khó khăn với người dân
Bà Nguyễn Thị Thúy - giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh - cho biết trong năm học 2022 - 2023, tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh.
Điều này đã khẳng định sự quan tâm, đầu tư rất lớn của tỉnh dành cho sự nghiệp giáo dục, hướng đến nền giáo dục toàn dân, mọi học sinh đều bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất.
Thông qua chính sách này cũng là để chia sẻ và giảm bớt khó khăn với người dân sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo bà Thúy, thống kê sơ bộ tỉnh có trên 225.000 học sinh trong năm học 2022 - 2023 được hỗ trợ khoảng 458 tỉ đồng.
* TP.HCM: sẽ đề xuất mức hỗ trợ bằng học phí công lập
Học sinh tại TP.HCM trong ngày khai giảng năm học 2022-2023 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại TP.HCM, dự kiến chiều 12-9 UBND TP sẽ tổ chức cuộc họp với các sở, ban ngành để nghe báo cáo nội dung tờ trình về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên năm học 2022 - 2023.
Trước đó, UBND TP đã thống nhất điều chỉnh lộ trình học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập đối với năm học 2022 - 2023 và từ năm học 2023 - 2024 theo đề xuất của Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, đối với năm học 2022 - 2023, mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập bằng mức học phí đã ban hành năm học 2021 - 2022 ở tất cả cấp học.
Từ năm học 2023 - 2024, HĐND TP.HCM quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non, phổ thông công lập theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm. Bên cạnh đó, TP cũng đề xuất với Bộ GD-ĐT miễn học phí đối với học sinh THCS.
Riêng về các khoản thu khác ngoài học phí, năm học 2022 - 2023 các nhà trường sẽ tiếp tục duy trì và giữ nguyên mức thu như năm học 2021 - 2022 (bao gồm các khoản như: thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục...).
Sở GD-ĐT sẽ đề xuất mức hỗ trợ học phí (cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn) bằng với mức học phí công lập trong năm học 2022 - 2023.
HOÀNG HƯƠNG
* Sóc Trăng: tạm thời chưa thu học phí
Tại Sóc Trăng, UBND tỉnh này đã thống nhất chủ trương tạm thời chưa thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022 - 2023.
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian chờ Bộ GD-ĐT có hướng dẫn chung về mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022 - 2023, tạm thời chưa thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022 - 2023.
KHẮC TÂM
Thái Lan: giáo dục miễn phí, tỉ lệ nhập học tăng
Tại Thái Lan, trước năm 2009, giáo dục được miễn phí chỉ trong 12 năm, bao gồm ba năm mẫu giáo.
Kể từ khi nước này tăng thời gian giáo dục miễn phí, tỉ lệ nhập học tăng đáng kể. Chỉ trong chín năm sau đó, các trường tiểu học đã đón thêm 9% học sinh, và con số này thậm chí lên tới 17% đối với giáo dục trung học.
Theo Ngân hàng Thế giới, Thái Lan đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc mở rộng giáo dục cơ bản, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các nhóm kinh tế - xã hội thông qua những nỗ lực mở rộng tỉ lệ bao phủ trường học và giáo dục bắt buộc.
Một phần nhờ miễn phí giáo dục từ năm 1996, tỉ lệ nhập học THCS tăng ấn tượng từ 31% năm 1990 lên 78% năm 2011. 82% trẻ em gái được học trung học, cao hơn 8% so với trẻ em trai.
Khi vấn đề miễn phí giáo dục đại học được thảo luận trên Đài PBS mới đây, các chuyên gia cho rằng Thái Lan có thể thực hiện được điều này với khoảng 200 tỉ baht (5 tỉ USD) mỗi năm, bao gồm miễn học phí và chi phí sống cho các sinh viên. Đổi lại, những người dân được giáo dục cao hơn sẽ kiếm được nhiều thu nhập và đóng nhiều thuế hơn.
Ở Philippines, các trường tiểu học và trung học công lập đều miễn học phí theo hiến pháp năm 1973 và 1987. Nước này áp dụng miễn phí giáo dục đại học công lập từ năm 2017 dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte.
Theo Đài CNN, chính sách miễn phí đại học này cũng hỗ trợ các khoản phí khác như phí thư viện, phí máy tính, phí phòng thí nghiệm, phí thể thao, phí nhập học..., hỗ trợ sinh viên nghèo và thiết lập một chương trình cho vay sinh viên.
Tuy nhiên, tại những nước miễn phí giáo dục, vấn đề đặt ra là làm sao để đảm bảo học sinh thật sự đi học "miễn phí". Theo báo Economist, hầu hết trường công tại Trung Quốc là miễn phí theo chương trình giáo dục miễn phí bắt buộc trong 9 năm của chính phủ.
Tuy nhiên, cũng như ở nhiều nước khác như Mỹ, châu Âu, Thái Lan, các trường có thể thu những khoản khác. Tại những vùng nghèo ở Trung Quốc, các khoản tiền này có thể tương đương 80% thu nhập của một người lớn.
NGÔ HẠNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận