Những cô cậu học trò đã quen cầm điện thoại vào trường mấy năm nay bắt đầu bày tỏ bất bình. Một số phụ huynh cùng quan điểm với con khi cho rằng quy định này vốn không mới, chục năm trước nhiều trường đã làm, nay áp dụng có vẻ không còn hợp lý.
Tôi đã chứng kiến một bữa gặp nhau (nhân sinh nhật bạn) của nhóm học sinh trung học, sau mươi phút ồn ào câu chuyện và ăn uống rất nhanh, các em hỏi mật khẩu WiFi. Bạn nào có điện thoại sẽ mở lên, bạn không có điện thoại thì xem ké.
Câu chuyện bắt đầu bàn theo những gì trên màn hình. Một bạn đọc sách, một bạn chơi ghép hình. Không còn câu chuyện chung.
Chuyện tương tự ở giờ giải lao trong trường cũng tương tự. Chuông reng, những bàn tay tìm ngay tới cái alô trong hộc bàn.
Vào tiết, nhiều điện thoại vẫn không tắt, vẫn chớp sáng, rung lên, thậm chí đổ chuông khi học trò không tắt máy. Việc này gây phiền phức đến cả những bạn không dùng điện thoại ngồi xung quanh.
Nếu trường không cấm mang điện thoại vào lớp, giáo viên sẽ "mệt" hơn với việc xử lý đủ kiểu tình huống với "cái alô" trong lớp và ở trường.
Học trò túm tụm với trò chơi điện tử trong điện thoại, chuyện gì cũng chụp ảnh quay phim và nhiều khi kiểu ảnh được truyền cho nhau hoặc lên mạng gây rắc rối cho người trong ảnh và cả người phát tán ảnh.
Bao nhiêu học trò sử dụng các chức năng của điện thoại cho việc học, thời gian cho việc học là bao lâu? Tôi tin là không nhiều so với việc dùng điện thoại vào nhiều việc khác.
Trong đó có cả các chiêu gian lận trong kiểm tra, mua bán các thứ với nhau trong và ngoài trường (có cả thuốc lá và nhiều món có hại khác).
Nói gì thì nói, khi có điện thoại trong tay, học sinh sẽ mất không ít thời gian cho việc sử dụng nó. Những tin nhắn bạn bè, những câu chuyện trên cõi mạng bao la luôn lôi kéo.
Có cả nguy cơ từ những tin nhắn và cuộc gọi lừa đảo, tuổi các con liệu có thể tự giữ an toàn cho mình?
Cá nhân tôi mong thêm nhiều trường quy định cấm học sinh mang điện thoại vào trường. Thay vì thầy cô phải mất công kiểm tra cặp (như một số nơi đã làm), nên yêu cầu học sinh tắt máy, nếu có điều kiện nên cho học sinh để điện thoại tập trung một chỗ cho đến giờ ra về.
Với đồng hồ thông minh, máy ảnh và một số thiết bị nghe nhìn khác cũng nên có quy định chặt chẽ. Việc này không phải là cấm đoán mà là bảo vệ các em khỏi sự phiền nhiễu từ những màn hình trong thời gian con ở trường.
Thay đổi thói quen dùng điện thoại cũng là cách thay đổi thói quen giao tiếp của trẻ, trước hết là với bạn bè thầy cô. Khi giao con chiếc điện thoại đến trường, phụ huynh không thể biết con dùng điện thoại như thế nào, bao lâu, vào việc gì.
Do vậy, việc này cần sự quản lý tốt nhất từ nhà trường. Và việc hạn chế mang điện thoại đến trường là cách an toàn và hiệu quả nhất.
Trung Quốc, Singapore và nhiều nước đã có các quy định liên quan đến việc hạn chế và cấm học sinh dùng điện thoại, đồng hồ thông minh... trong trường lớp.
Những quy định này nhằm đảm bảo cho học sinh tập trung tốt nhất trong giờ học, khuyến khích trẻ tăng cường nói chuyện với nhau.
Về lâu dài, đây là cách giữ sức khỏe trí não cho thế hệ trẻ trước những mối nguy hại từ việc trẻ có quá nhiều hoạt động với màn hình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận