03/03/2015 13:37 GMT+7

​Học sinh lớp 5 học quét nhà, trồng rau

XUÂN BÌNH
XUÂN BÌNH

TT - “Để quét cho sạch, chúng ta phải cầm chổi như thế này”, “Khi quét rác phải đẩy rác ra ngoài nha, đẩy rác về phía mình là sai nha các bạn”...

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh tập lau nhà trong ngày hội trải nghiệm - Ảnh: Như Hùng
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh tập lau nhà trong ngày hội trải nghiệm - Ảnh: Như Hùng

Trên sân khấu thầy giáo vừa nói vừa làm mẫu, ở dưới học sinh thích thú thực hành.

Đó là một khoảnh khắc thú vị trong muôn vàn khoảnh khắc vui vẻ khác của Ngày hội trải nghiệm kỹ năng thực hành xã hội, do Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (Q.5, TP.HCM) tổ chức đầu tháng 2-2015 với sự tham gia của 195 học sinh lớp 5.

Bắt đầu từ việc đơn giản

Thích ăn rau vì trồng rau

Chỉ sau vài tháng cho học sinh tập làm nông dân, tình hình ăn uống của nhiều học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cải thiện đáng kể.

Theo lời một cô bảo mẫu: “Trước đây, dù có giải thích hết lý lẽ rằng ăn rau rất tốt, rau có nhiều vitamin làm đẹp dáng, đẹp da, chống táo bón... nhưng các em vẫn không thích ăn rau. Năm nay, học sinh tự tay trồng rau nên biết đọc tên các loại rau, có em còn biết bắt sâu. Nhiều em đã tâm sự để có chén canh rau ăn hằng ngày thật vất vả quá cô ơi. Thôi từ nay con sẽ ăn rau, không bỏ phí nữa”.

Công việc quét dọn tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại xa lạ với học sinh vì nhiều em thú nhận: “Chưa cầm cây chổi quét nhà bao giờ”.

Thế nên khi học sinh thực hành, giọng các cô bảo mẫu Trường Nguyễn Đức Cảnh vang lên liên tục: “Quét nhẹ thôi con, đừng để bụi bay lên như vậy”, “Khi lau con phải nhìn xem mình lau đã sạch chưa chứ đâu có đẩy ào ào vậy”, “Cầm chổi sai rồi con trai ơi”...

Sau khi thực hành xong, Lê Đan Vy, học sinh lớp 5/3, cho biết: “Ở nhà ba mẹ làm hết nên con không phải quét nhà, lau nhà. Hôm nay thực hành ở trường con thấy thương ba mẹ mình nhiều lắm, ngoài việc đi làm kiếm tiền ba mẹ còn phải làm nhiều việc vất vả quá. Sau hôm nay, con tự hứa sẽ phụ giúp ba mẹ làm việc nhà và không bao giờ xả rác nữa”.

Khi đọc kế hoạch của ngày hội trải nghiệm, chúng tôi đã thắc mắc với cô Phạm Thùy Linh, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh: “Dạy học sinh lớp 5 cách quét dọn, xếp quần áo, cột tóc, cột dây giày, kỹ năng sinh hoạt tập thể, ứng xử trong nhà trường... có quá trễ không?”.

Cô Linh cười: “Học sinh bây giờ hầu hết đều được ba mẹ cưng chiều, ở nhà đã có người giúp việc hoặc ba mẹ, đến lớp thì cô bảo mẫu chăm chút, lo lắng từng chút một. Đa số các em không phải động tay động chân vào việc nhà, ngay cả việc chăm sóc cá nhân cũng ba mẹ lo. Nhà trường xác định dạy kỹ năng sống cho các em phải bắt đầu từ những điều cơ bản nhất và thực tế nhất”.

Và đúng thế thật, chúng tôi đã làm cuộc phỏng vấn chớp nhoáng trong số 12 học sinh nữ thì 11 em thừa nhận mẹ cột tóc cho con đi học, ở trường cô bảo mẫu làm giúp; chỉ có một nữ sinh trả lời: “Con biết tự cột tóc từ năm lớp 4”. Ở khu tập cột giày cũng vậy, mặc dù thầy giáo thể dục hướng dẫn khá chi tiết nhưng một số em vẫn lóng ngóng, xỏ nhầm lỗ hoặc dây giày bị xoắn...

Trong khi đó ở khu tập gấp quần áo, các học sinh nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ của mình theo sự chỉ dẫn của giáo viên. Nguyễn Ngọc Trâm, học sinh lớp 5/3, tự hứa: “Sau bữa nay, về nhà con sẽ xếp quần áo phụ mẹ chứ không để mẹ làm một mình như trước, việc này cũng đơn giản, không có gì khó”.

“Một ngày làm nông dân”

“Rau siêu sạch, vừa rẻ, vừa ngon, vừa bổ dưỡng đây” - lời rao của học sinh lớp 5/3 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) trong “Phiên chợ rau sạch” (do nhà trường tổ chức cuối tháng 1-2015) khiến cô giáo chủ nhiệm ngỡ ngàng: “Ai dạy tụi con rao vậy? Chưa chắc rẻ đâu à nghen!”. Các cô cậu học sinh cười tít mắt: “Phải quảng cáo mới bán được cô ơi”.

Thì ra đây là thành quả hơn một tháng làm nông dân của học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. “Trường giao cho mỗi lớp một khu trồng rau, học sinh được các kỹ sư hướng dẫn cách xới đất, gieo hạt, tưới nước, chăm sóc hằng ngày...

Nói chung là các em tự làm và tự chịu trách nhiệm với vườn rau của mình. Đến phiên chợ rau sạch, các em cũng tự cắt, rửa, bó rau dưới sự hướng dẫn của cô bảo mẫu. Vì vậy khi đem ra sân trường để bán cho phụ huynh, em nào cũng mong sản phẩm của mình bán được” - cô Nguyễn Thị Thanh Cầm, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/3, thông tin.

Cô Cầm chia sẻ: “Cứ tưởng học sinh thành phố, đa số lại được cưng chiều sẽ sợ dơ, sẽ ngán ngại khi phải làm những việc của nông dân. Nhưng thật bất ngờ, nhiều em trong quá trình xới đất thấy bao tay vướng víu quá (nhà trường có trang bị bao tay cho các em) đã tự động tháo ra và làm tay không. Mỗi ngày, chỉ có năm học sinh/lớp được đi tưới rau nhưng rất nhiều em xung phong, có em chưa kịp ăn sáng nhưng cứ một mực xin cô cho con đi tưới rau rồi xíu về ăn sáng sau”.

Theo TS Lê Thị Ngọc Điệp - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, những năm gần đây năm nào nhà trường cũng đưa học sinh đi tham quan, học tập tại vườn rau để cho các em “một ngày làm nông dân”.

“Năm học 2014-2015, nhà trường đưa vào sử dụng dãy phòng học mới với diện tích sân thượng gần 400m2. Chúng tôi đã tận dụng diện tích này làm “khu vườn trên tầng cao” với sự ủng hộ kinh phí của phụ huynh học sinh để làm mái vòm, mua đất, thùng xốp, hạt giống... Đến nay các lớp đã thu hoạch được hai đợt rau cải ngọt, cải bẹ xanh, mồng tơi, rau dền, cây gia vị... với tổng số tiền bán rau hơn 20 triệu đồng. Tiền thu được của mỗi lớp là thành quả của học sinh sẽ được giữ lại để các lớp tiếp tục đầu tư trồng những đợt rau tiếp theo” - cô Điệp cho biết.

Học sinh rất thích được trải nghiệm. Lần nào cũng vậy, cứ cho các em trải nghiệm là thu được những kết quả ngoài sự mong đợi.

Ở lớp tôi, khi cho các em cùng lên sân thượng tưới nước, trồng rau thì các em đã biết phối hợp với nhau, đặc biệt tình bạn giữa các em cũng gắn kết hơn. Từ những đứa trẻ vô lo, ở nhà được ba mẹ chăm sóc kỹ càng, các em đã có ý thức tự giác hơn, có trách nhiệm với việc làm của mình đồng thời biết yêu quý, trân trọng đồng tiền do mình làm ra.

Có bữa tôi bận, không đi theo các em lên sân thượng, nhiều em sau khi tưới cây xong đã rất lo lắng báo cáo với tôi: “Cô ơi, khu vườn của lớp mình có nhiều cây bị nghiêng lắm, có cây còn nằm rạp xuống đất nữa. Con thấy các lớp khác không có như vậy”, “Cô ơi, sao cây rau lớp mình nhỏ hơn cây rau của các lớp khác?”...

Cô Nguyễn Thị Thanh Cầm (giáo viên chủ nhiệm lớp 5/3Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm)

XUÂN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp