Đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 của trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành
Câu hỏi nghị luận xã hội đã đưa ra một tình huống thực tế: Trong trường học ở Úc và Phần Lan có một vị trí rất thú vị là Director of Well-being (tạm dịch: Giám đốc Hạnh phúc). Người ở vị trí này có trách nhiệm làm cho tất cả thành viên của cộng đồng trường học phải luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc trong mỗi ngày ở trường.
Theo quan niệm của họ, mọi trẻ em đều có quyền được hạnh phúc khi đến trường và vì thế, người giám đốc này phải đảm bảo không có học sinh nào cảm thấy mình bị phân biệt đối xử hoặc phải đón nhận những điều bất hạnh trong môi trường giáo dục. Yêu cầu của đề là học sinh trình bày suy nghĩ về đoạn trích trên.
Ước mơ về một ngôi trường hạnh phúc
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, cô giáo Hà Song Hải Liên, Tổ trưởng tổ Ngữ văn THCS, trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết chọn một đề thi có nội dung này cũng gián tiếp nói lên phương châm đổi mới giáo dục ở ngôi trường mà học sinh đăng kí dự thi.
Đưa ra một câu chuyện thực tế, đề thi không mang tính áp đặt mà cho phép các em thể hiện mong muốn của mình về một "ngôi trường mơ ước". Ngôi trường học sinh mơ ước chưa chắc đã là ngôi trường mà người lớn nghĩ, vì không chỉ chăm chú dạy kiến thức, đỗ đạt cao, mà còn là ngôi trường của sự yêu thương, để học sinh cảm thấy an toàn, được truyền cảm hứng, phát huy hết năng lực cá nhân.
Học sinh cũng có thể thể hiện mong muốn của mình về thầy cô, có thể bày tỏ suy nghĩ về những vấn đề đang diễn ra trong đời sống giáo dục như bạo lực học đường, sự phân biệt đối xử của thầy cô với học sinh, áp lực điểm số, thành tích…
"Quan niệm thầy cô luôn luôn đúng, thầy cô có quyền áp đặt đã cũ. Giáo dục thời hiện đại cũng cần phải thay đổi. Quan hệ thầy - trò sẽ không phải xa cách, mà thân thiện, cởi mở hơn. Người thầy giỏi không phải là người đưa ra mệnh lệnh nữa, mà là người tạo cho học sinh sự tự tin, tự chủ", cô Hải Liên chia sẻ.
"Mơ về một ngôi trường hạnh phúc là thông điệp có ý nghĩa với những học sinh sẽ bước vào ngôi trường mới. Đây cũng là mục đích chúng tôi đã và đang tiếp tục hướng đến", Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh giải thích về nội dung đặc biệt này. Cô là một thành viên trong nhóm chuyên gia hỗ trợ các thầy cô tham gia chương trình Thầy cô chúng ta cùng thay đổi và chương trình Vì một trường học hạnh phúc trên VTV7.
Muốn học sinh làm văn không chỉ để... nộp bài
Học sinh trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) - Ảnh: VĨNH HÀ
Cũng trong đề thi, câu hỏi đọc hiểu là một ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, trích trong bài Đợi mưa trên đảo sinh tồn của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Một đoạn trích đẹp, gợi mở hình ảnh người lính đang làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo.
Một giả thuyết được đặt ra: "Em tham gia hội thảo của trường nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận. Em đã có bài viết về "Sự kết hợp hài hòa hai nguồn cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ và con người lao động trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận". Em hãy trình bày bài viết đó".
Cô Hà Song Hải Liên chia sẻ quan điểm: "Chúng tôi đều mong muốn các em học sinh tập làm văn không phải chỉ để… nộp bài, chấm điểm. Hơn thế, chúng tôi muốn các em hình dung những tình huống thực tế có thể vận dụng hiểu biết của bản thân, ví dụ tình huống giả thuyết là tham gia một hội thảo và có một bài tham luận".
Tuy cách hỏi lạ, với yêu cầu này, học sinh không bị gò vào một khuôn mẫu, không bắt buộc phải phân tích hết một tác phẩm hay nội dung cụ thể, mà mở cho học sinh được viết theo góc nhìn, cảm nhận về một nhà thơ lớn. Với chủ đề Kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận, thí sinh có thể viết với tinh thần tri ân đóng góp của một nhà thơ, về những tác phẩm còn giá trị với cuộc sống hôm nay.
"Đề thi tuyển sinh cần có các yếu tố như vừa sức, phân hóa… Nhưng tôi luôn mong muốn đề thi có tác động mạnh mẽ hơn vào việc dạy học, vào hành trình đổi mới giáo dục ở mỗi trường", cô Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận