03/09/2016 08:25 GMT+7

Học sinh khiêng bàn ghế: ủng hộ xem chừng nhiều hơn phản đối

TTO
TTO

TTO - Học sinh lớp 4, lớp 5 phụ thầy cô khiêng bàn ghế từ trên lầu xuống, một chuyện tưởng rất nhỏ nhưng lại có đến hàng trăm ý kiến gửi về Tuổi Trẻ Online (TTO) tranh luận trong tuần qua.

“Con người không lao động chân tay không chỉ như “gà công nghiệp” mà điều quan trọng hơn là sau này khi các em lớn lên trái tim sẽ vô cảm không biết chia sẻ, cảm thông với nỗi vất vả của những người lao động. Không chỉ khiêng bàn ghế, những việc như lau bàn ghế, quét dọn lớp học, khuôn viên trường, nhổ cỏ... đều nên để cho các em làm. Chúng ta cứ nói con em chúng ta kém về kỹ năng mềm. Lao động chính là môi trường để rèn luyện kỹ năng mềm cho trẻ thơ” - bạn đọc Phan Quang Thế viết.

“Tôi nhớ ngày tôi học lớp 5 nhà trường tổ chức đi vét kênh mương. Khiêng bàn ghế là bình thường. Cần phải dạy học sinh biết lao động”, “Hồi nhỏ tôi đi học, cuối năm/đầu năm nào cũng phải khiêng bàn ghế ra khỏi lớp, lau cho sạch rồi khiêng vào lại. Hồi đó bàn gỗ chứ không phải ván ép nữa, rất nặng. Làm mệt nhưng thấy vui. Trẻ con năng động, lâu lâu làm chút việc có thấm thía gì”,... nhiều bạn đọc cùng chia sẻ.

Cạnh đó cũng có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng bắt học sinh khiêng bàn ghế đi trên cầu thang là quá sức các em và có thể gây nguy hiểm.

Bạn đọc Đặng Thanh Vũ cho rằng: “Các em học sinh tiểu học còn nhỏ, khi làm lao động phải có công việc vừa sức. Nếu quét dọn, lau chùi hay khiêng bàn ghế dưới sân trường là chuyện bình thường, nhưng khiêng trên cầu thang lại là vấn đề khác. Nếu có chuyện gì xảy ra thì sao đây?”.

Cùng suy nghĩ này, bạn đọc Dung Marine phân tích thêm: “Dễ tổn thương nhất là cột sống, các em chưa biết cách nâng vật nặng như thế nào cho an toàn, chưa biết dùng sức chân thay vì dùng lưng. Các em cũng dễ vấp các bậc thang, dễ té chùm vì sức nặng dồn vào em phía dưới trong khi em phía trên dễ vuột tay vì nắm chứ không nâng, khi té chùm có thể bị bàn đè, lọt khỏi cầu thang”.

Tuy nhiên nhiều bạn đọc không đồng ý lập luận này, lý do là học sinh lớp 4, lớp 5 nhiều em đã to cao, đủ sức khiêng bàn, hơn nữa trong clip cho thấy các em biết phối hợp nâng bàn và phối sức để qua các góc cầu thang, cầu thang cũng rộng rãi...

Bạn đọc Trần Quốc Cường còn cho rằng quá trình khiêng bàn từ trên lầu xuống “giúp các em tự vận dụng tư duy để suy nghĩ tìm ra giải pháp khiêng hiệu quả và đơn giản nhất”.

Một cách dung hòa hơn, bạn đọc Chiến góp ý: “Việc các cháu lao động thế này hoàn toàn là bình thường. Chỉ có điều nhà trường nên bố trí thêm cán bộ ở những nơi có thể xảy ra tai nạn như cầu thang để giám sát và chỉ bảo các cháu. Trẻ con hiếu động, đùa nghịch nên những chỗ như cầu thang rất dễ xảy ra sự cố ngoài ý muốn!”.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp