Học sinh Trường THCS - THPT Sương Nguyệt Anh (Q.10, TP.HCM) xem thông báo nghỉ học tránh dịch vào chiều 1-2 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ngày 1-2, UBND TP.HCM đã có văn bản cho phép học sinh các cấp, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố dừng đến trường từ hôm nay (2-2) và chuyển sang dạy - học trên Internet để đảm bảo kế hoạch năm học 2020 - 2021.
Như vậy, tất cả giáo viên và học sinh dù không đến trường nhưng vẫn dạy và học qua mạng từ ngày 2-2 đến hết ngày 5-2 và nghỉ tết từ ngày 6-2.
Mầm non nghỉ tết sớm
Ông Dương Trí Dũng, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết thêm từ ngày 2-2 tất cả học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT; sinh viên, học viên các trường cao đẳng, trung cấp công lập và ngoài công lập; học viên các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở bồi dưỡng văn hóa, trung tâm giáo dục kỹ năng sống... sẽ dừng đến trường.
Tuy nhiên, học sinh không đến trường không có nghĩa là các em được nghỉ tết mà các trường sẽ triển khai việc dạy - học qua Internet cho học sinh từ ngày 2-2 đến hết ngày 5-2.
Học sinh, sinh viên, học viên sẽ chính thức nghỉ tết từ ngày 6-2 đến hết ngày 16-2, theo kế hoạch năm học đã được UBND TP.HCM phê duyệt.
Ông Dũng cho biết: "Riêng đối với bậc mầm non, do đặc thù tâm sinh lý lứa tuổi nên các trường sẽ không triển khai việc dạy học trực tuyến. Như vậy, giáo viên và học sinh mầm non sẽ được nghỉ tết sớm từ ngày 2-2".
Chiều 1-2, khi nghe tin UBND TP.HCM cho học sinh toàn thành phố ở nhà học online, nhiều học sinh và giáo viên vui mừng như trút được nỗi lo về dịch COVID-19.
Ngoài một số ít phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non lo lắng khi không có người thân hoặc người giúp việc trông con giùm trong thời điểm này, còn lại phụ huynh ủng hộ quyết định của UBND TP.
"Thành phố cho các con ở nhà thời điểm này là đúng đắn, phòng tránh được COVID-19. Nếu bắt các con đi học thì chúng tôi không an tâm chút nào, vì học sinh có đeo khẩu trang thì cũng rất khó yêu cầu các con phải đeo suốt từ sáng đến chiều.
Việc các học sinh học cùng nhau rồi ăn, ngủ bán trú là nguy cơ lây bệnh rất cao" - bà Nguyễn Thị Thu Hà, phụ huynh ở Q.7, nhận định.
Thời khóa biểu riêng cho dạy học qua mạng
Trưa 1-2, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) đã họp hội đồng sư phạm qua mạng về công tác phòng chống dịch COVID-19 và triển khai việc dạy trực tuyến cho học sinh toàn trường. Ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng - cho biết:
"Chúng tôi sẽ dạy qua mạng theo nhiều hình thức nhưng phần lớn các chủ đề sẽ được giáo viên giảng rồi quay clip, đưa trên trang web của trường. Học sinh có thể xem bài giảng bất cứ lúc nào. Các em cũng có thể xem nhiều lần rồi trao đổi thêm với giáo viên nếu thấy cần thiết".
Tương tự, ở Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận), ông Trần Công Tuấn - hiệu trưởng - chia sẻ: "Nhà trường sẽ có thời khóa biểu riêng cho việc dạy học qua mạng. Các bài sẽ được tích hợp thành các chủ đề chứ giáo viên sẽ không dạy theo bài, tiết như dạy trực tiếp. Mỗi chủ đề dạy online sẽ gồm ba giai đoạn.
Thứ nhất, giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh xem bài, tìm tư liệu... trước. Thứ hai, giáo viên, học sinh tương tác trực tiếp với nhau thông qua các phần mềm. Giai đoạn này chúng tôi có điểm danh để nắm bắt tình hình học tập cũng như thái độ học tập của học sinh. Cuối cùng, các học sinh sẽ làm bài kiểm tra trực tuyến trên phần mềm 789.vn".
Trong khi đó, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP cho biết họ chọn giải pháp quay clip từng bài giảng rồi gửi cho phụ huynh để hướng dẫn con em tự học ở nhà.
Bà Bùi Thị Thanh - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ, Q.1 - thông tin: "Trường chúng tôi đã quen với việc dạy học qua mạng từ lần tập dợt trong học kỳ II năm học 2019 - 2020.
Hầu hết các em học sinh đều thích học thông qua các clip bài giảng hơn là học trực tuyến qua Zoom. Sau khi học xong, học sinh sẽ làm bài kiểm tra ngay trên máy và giáo viên sẽ biết được mức độ tiếp thu bài của từng em".
Bà Thanh cho hay: "Nếu như năm học trước trường ưu tiên thực hiện các bài giảng môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh, khoa - sử - địa thì năm nay các giáo viên thể dục, nhạc, họa cũng phải làm bài giảng qua mạng. Riêng với những em khó khăn, gia đình không có máy tính nối mạng thì giáo viên sẽ photo bài và gửi về phụ huynh...".
Đến tối 1-2, ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ cho thấy có gần 30 tỉnh, thành cho toàn bộ học sinh nghỉ học phòng COVID-19: TP.HCM, Lai Châu, Cao Bằng, Long An, An Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Bình Phước, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Kạn, Gia Lai, Thái Bình, Hòa Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Thanh Hóa, Cần Thơ...
Vận động giáo viên hạn chế về quê ăn tết
Tại buổi họp hội đồng sư phạm Trường THPT Nguyễn Du trưa 1-2, hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú lưu ý giáo viên về các biện pháp phòng dịch COVID-19, đồng thời thuyết phục các giáo viên quê ở miền Bắc, miền Trung nên hạn chế về quê trong dịp tết để phòng tránh COVID-19.
Ông Phú cũng đề nghị các giáo viên chủ nhiệm trao đổi với phụ huynh thông qua các group lớp về việc thuyết phục phụ huynh hạn chế về quê, nhất là các tỉnh nằm trong vùng dịch COVID-19.
Chăm lo sinh viên ở lại dịp tết
Một sinh viên cho biết sẽ ở lại Huế ăn tết thay vì về quê - Ảnh: NHẬT LINH
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu ĐH Huế cùng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn vận động học viên, sinh viên vùng có dịch COVID-19 ở lại Huế dịp Tết Nguyên đán.
Trong ngày 1-2, ĐH Huế đã tổ chức họp và lên phương án kiểm tra, vận động, hỗ trợ sinh viên, học viên của các trường, khoa thành viên chấp nhận ở lại Huế ăn tết.
TS Nguyễn Công Hào - trưởng ban đào tạo và công tác sinh viên ĐH Huế - cho biết hiện các trường đang rà soát, kiểm tra số lượng sinh viên ở các vùng có dịch để có phương án vận động chăm lo đời sống cho các bạn nếu ở lại Huế dịp tết này.
"Hiện nay một số trường đã cho sinh viên nghỉ tết và có những chuyến xe nghĩa tình đưa sinh viên về tận quê nhà. Một số trường như ĐH Y dược, ĐH Ngoại ngữ... sinh viên vẫn còn thi học kỳ nên các trường này đang cho rà soát" - ông Hào nói.
Cũng theo ông Hào, việc chăm lo cho các bạn sinh viên ở lại ăn tết vì dịch được giao cụ thể cho các trường thành viên phụ trách, quản lý.
Các trường sẽ lên phương án động viên, tặng quà hỗ trợ cho các bạn sinh viên này. Ngoài ra, ĐH Huế cũng sẽ xem xét từng hoàn cảnh cụ thể để ban giám đốc đến thăm và tặng quà tết, đảm bảo cho sinh viên có một cái tết ấm cúng, an toàn.
"Các bạn sinh viên có quê vùng dịch ở lại Huế ăn tết sẽ được chăm lo, hỗ trợ như các bạn sinh viên nước ngoài ở lại Huế ăn tết. Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và liên kết đào tạo (ĐH Huế) sẽ hỗ trợ việc ăn uống cho các bạn trong những ngày tết, vì thường những ngày này quán xá ở Huế gần như đóng cửa" - ông Hào nói.
Ông Hào cũng thông tin thêm ngoài sinh viên có quê vùng dịch thì một số sinh viên có quê chưa phát hiện dịch bệnh như ở Thanh Hóa, Nghệ An... cũng có ý định ở lại Huế ăn tết.
NHẬT LINH
Sẵn sàng không về quê ăn tết
* Cô Nguyễn Thị Mai (giáo viên môn địa Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM):
Gia đình tôi đã đặt mua vé máy bay hết hơn 22 triệu đồng. Dự định cả nhà sẽ về quê tôi và quê của chồng tôi với lịch trình Hải Phòng - Thái Bình - Ninh Bình. Nhưng thấy dịch bệnh diễn biến phức tạp quá, tôi đã quyết định hủy chuyến đi.
Đến ngày 1-2, hầu hết các giáo viên trong trường tôi cũng đã hủy vé về miền Bắc hoặc miền Trung. Chúng tôi biết rằng thời điểm này mà sử dụng các phương tiện công cộng là rất mạo hiểm. Lỡ có chuyện ngoài ý muốn mà bị cách ly đến 21 ngày thì rất vất vả.
* Bạn Nguyễn Thị Ái Nhi (sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế):
Tôi đang cân nhắc việc có về quê ăn tết hay không. Quê tôi ở Nghệ An, theo tôi biết vẫn chưa có ca nhiễm COVID-19 nhưng tôi vẫn lo. Tôi định vài ngày nữa sẽ về quê, nhưng nếu thời gian đó ở Nghệ An có dịch thì sẽ phải cách ly 21 ngày. Nếu chọn ăn tết ở khu cách ly và ăn tết ở Huế thì tôi chọn ở Huế.
Tôi ở lại Huế trong dịp tết sẽ đi làm thêm tại quán cà phê, quán ăn để vừa có thêm thu nhập vừa vơi đi nỗi nhớ nhà. Tôi thấy trên mạng nhiều quán cà phê, quán ăn tuyển nhân viên làm tết với mức lương gấp 3 lần so với ngày thường. Nếu dịch bệnh khiến tôi phải ở lại Huế ăn tết thì đây quả thật là một trải nghiệm khó quên.
H.HƯƠNG - N.LINH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận