Không may thay, điều quan trọng như vậy lại được lựa chọn đa số là khá qua loa khi người ta còn quá trẻ. Khi làm hồ sơ thi đại học, cao đẳng, dưới cái nắng oi ả đầu hè cùng với áp lực bài vở cuối cấp, đối với các em, sự khát khao được thoát ra khỏi những ràng buộc nặng nề của thời học sinh (rủi thay) lại lớn hơn nhiều so với những suy nghĩ cẩn trọng về ngành nghề mà mình sẽ chọn.
Phần lớn các em lựa chọn ngành nghề theo cảm tính mà hiếm khi tưởng tượng được rằng với nghề nghiệp đó các em sẽ làm những việc gì, có phù hợp không, xã hội có đang cần hay đã thừa mứa rồi. Có thể nộp đơn vào trường này vì có bạn cùng nộp hoặc vì có người quen đã học trước đó. Có thể vì thần tượng một ai đó. Cũng có thể vì ngành đó năm trước ít người thi nên chắc hẳn mình còn nhiều cơ hội.
Có ảnh hưởng không hề nhỏ đến quyết định chọn ngành nghề, khối thi của các em là ý kiến của các bậc phụ huynh. Suy nghĩ của cha mẹ dĩ nhiên nặng về thực tế hơn.
Nhiều phụ huynh sẽ tư vấn cho con chọn ngành thi dựa vào mối quan hệ sẵn có (cứ lo thi cho đậu, ra trường có chú A, chú B lo việc tử tế); cứ thi vào trường X, trường Y (gần nhà cô Tư, cậu Năm, khỏi lo chuyện ăn ở); đừng thi vào trường nọ (vì thấy có đứa kia tốt nghiệp trường đó ra có làm nên cơm cháo gì đâu).
Nhiều bậc phụ huynh thậm chí còn áp đặt những định kiến của một người già từng trải qua thất bại (nên tự hào là nhiều kinh nghiệm) lên nhiệt huyết và tham vọng của tuổi trẻ.
Còn những người cân bằng giữa viển vông và thực tế, biết rõ thực lực và tiềm năng của các em cũng như nắm bắt được nhu cầu xã hội là những thầy cô giáo thì đang làm không xuể việc. Mục đích của giáo dục phổ thông là gì nếu không phải là định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em bên cạnh cung cấp những kiến thức văn hóa? T
hế nhưng, thực tế hiện nay vấn đề hướng nghiệp ở trường phổ thông chưa được quan tâm đúng mức. Cũng có giáo viên hướng nghiệp đấy nhưng phần lớn là giáo viên kiêm nhiệm nên chuyên môn cũng như sự nhiệt tình có phần hạn chế.
Thậm chí công tác hướng nghiệp cũng đổ dồn lên vai giáo viên chủ nhiệm với kiến thức được “trang bị” vỏn vẹn mấy tờ giấy photo từ giáo trình hướng nghiệp, được phát ngay trước giờ sinh hoạt. Còn nhiệm vụ của ban tuyển sinh nhà trường chỉ là hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi. Nhiều em đến lúc gần đăng ký dự thi rồi vẫn còn chưa xác định được khối thi và rất mơ hồ về ngành nghề.
Thiết nghĩ việc hướng nghiệp cũng như định hướng khối thi cho các em học sinh nên được bắt đầu càng sớm càng tốt. Ngay từ năm đầu cấp, các trường phổ thông nên dựa trên năng lực cũng như nguyện vọng của học sinh mà tư vấn cho các em khối thi thích hợp. Đừng để đến lớp 12 rồi mới tới tấp tư vấn, hướng nghiệp làm cho nhiều em lâm vào thế “bắc nước đuổi gà” (vốn tính tuổi trẻ đã sẵn hay do dự).
Cũng chẳng khó khăn hay tốn kém gì thêm mấy khi mời những nhân vật thật đến giao lưu với các em, giúp các em hình dung được những công việc cụ thể của từng ngành với khó khăn và thuận lợi thực tế, quá trình định hướng nghề nghiệp và phấn đấu của chính bản thân họ. Điều đó thật sự bổ ích biết bao.
Hãy giúp các em “biết người biết ta” trước khi quá muộn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận