23/03/2018 16:12 GMT+7

Học sinh bật khóc vì 'cô không nói gì ngoài giảng bài'

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - 'Em mong muốn cô nói chuyện với lớp dù chỉ một lần vì ngoài giảng bài ra, cô không nói gì cả', một học sinh ở TP.HCM bật khóc khi kể về cô giáo.

Học sinh bật khóc vì cô không nói gì ngoài giảng bài - Ảnh 1.

Em Phạm Song Toàn chia sẻ tại buổi đối thoại - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

Trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo ngành giáo dục với học sinh tiêu biểu TP.HCM ngày 23-3, nhiều học sinh bày tỏ trăn trở trước việc học sinh và giáo viên không có mối quan hệ khăng khít do thời gian bị bó hẹp. 

Thầy và trò không có thời gian sinh hoạt, trò chuyện cùng nhau. Nhiều giáo viên chủ nhiệm còn phải lấy tiết sinh hoạt để "chạy" bài hoặc làm giờ kiểm tra.

Thậm chí, em Phạm Song Toàn đến từ Trường THPT Long Thới đã bật khóc khi kể về cô dạy toán của mình. 

"Mối quan hệ giữa thầy cô với học sinh đôi khi không tốt chút nào. Bản thân em, em luôn mong muốn giáo viên dạy toán của mình nói chuyện với lớp. 

Chúng em cảm thấy việc giáo viên đến lớp chỉ để giảng bài là một việc vô cùng nhàm chán. Em mong muốn cô nói chuyện với lớp dù chỉ một lần vì ngoài giảng bài ra, cô không nói gì cả", Toàn nói.

"Ba em là giáo viên, em hiểu nỗi lòng của nhà giáo, những khó khăn mà thầy cô phải trải qua. Em không hiểu sao cô lại không nói gì với chúng em. Cô chỉ đến lớp viết bài. Tụi em đến lớp đâu phải để viết bài không. 

Hơn một học kỳ nay, chúng em hầu như phải tự học. Có thể nói cô khá là quyền lực, không ai dám nói gì, không ai dám làm gì tại vì sợ, chính con cũng sợ. Chúng em rất mong muốn được dạy dỗ một cách bình thường, bình thường là được rồi!" - Song Toàn chia sẻ thêm.

Trước những ý kiến của các em học sinh và em Song Toàn, ông Lê Duy Tân - trưởng Phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sẽ cố gắng làm nhiều hơn nữa để tạo không gian học-chơi, học trải nghiệm và những sân chơi giao lưu học hỏi, chia sẻ giữa thầy và trò… 

"Về ý kiến của em Song Toàn, có lẽ thầy cô lãnh đạo trường chưa lắng nghe được mong muốn của các em, thầy sẽ làm cầu nối để nhà trường hiểu rõ học sinh nhiều hơn. 

Thầy cô có những áp lực từ chương trình dạy, từ cuộc sống riêng… đôi khi vì những áp lực này mà thầy cô quên đi mong muốn của các em. Tôi sẽ hỗ trợ các em để mong muốn của các em được thực hiện. 

Thầy cô có những khó khăn nhưng vẫn phải lắng nghe, sẻ chia với các em. Dù là dạy toán, lý, hóa, sinh… các thầy cô vẫn có nhiệm vụ bồi dưỡng đạo đức, hình thành nhân cách cho các em", ông Tân nói.

Ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng cho rằng khi thầy cô chọn nghề giáo, thầy cô phải yêu thương học trò. "Nếu không yêu học trò thì làm sao yêu nghề. Đã có địa chỉ cụ thể, con người cụ thể, chúng tôi sẽ tìm hiểu, giải quyết khúc mắc giữa cô và trò", ông nói.

Tôi đã dằn được lòng khi học trò nói "cô kể láo..."

TTO - Tôi tâm niệm là nhà giáo, ta phải kềm chế tối đa cơn nóng giận. Và nếu cần, ta cũng nên mạnh dạn nhận lỗi với học sinh.

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp