13/08/2024 05:55 GMT+7

Học phí năm học mới: Những điều phụ huynh cần biết

Nhiều địa phương trong cả nước đã "chốt" mức học phí cho năm học 2024-2025 từ mầm non đến phổ thông công lập.

Học phí năm học mới: Những điều phụ huynh cần biết- Ảnh 1.

Học sinh tại một trường tiểu học TP.HCM trong giờ đọc sách - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trong đó, ghi nhận cho thấy một số địa phương giảm học phí và cũng có nơi miễn học phí cho học sinh ở các trường công lập.

Trường công giảm nhẹ

Tại TP.HCM, mức học phí cho các trường công lập lẫn tư thục đều ghi nhận nhiều thay đổi đáng chú ý trong năm học 2024-2025. 

Trong đó, mức thu học phí trường công lập TP.HCM trong năm học 2024 - 2025 sẽ dựa trên nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2024 - 2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn được HĐND TP.HCM thông qua trong kỳ họp giữa tháng 7 vừa qua.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-8-2024. Mức thu học phí được chia thành hai nhóm, trong đó nhóm 1 là học sinh học tại các trường ở TP Thủ Đức và các quận, còn nhóm 2 là học sinh các huyện. 

Đáng chú ý, mức học phí mới giảm khoảng 100.000 - 240.000 đồng/học sinh/tháng so với năm học 2023-2024, đưa về bằng mức thu năm học 2021 - 2022.

Trẻ em mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024-2025, được hưởng từ ngày 1-9-2024. Riêng với bậc tiểu học, học sinh trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí theo Luật Giáo dục 2019. Vì vậy, mức học phí đối với cấp tiểu học ở trên không phải là mức thu thực tế cho phép thu mà chỉ làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho một số đối tượng học sinh tiểu học tư thục.

Chẳng hạn, học sinh tiểu học tư thục ở những địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các đối tượng học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm thì học phí được tính theo mức nhóm 1 là 60.000 đồng/tháng, nhóm 2 là 30.000 đồng/tháng. Ngoài ra từ năm học 2025-2026, TP.HCM miễn học phí đối với học sinh THCS theo nghị định 81/2021 của Chính phủ.

Hiện các trường đang chờ quy định về các khoản thu này cho năm học 2024-2025. Mỗi năm, TP.HCM đều quy định cụ thể mức thu cho từng khoản thu. Ngoài ra, các khoản thu này bắt buộc phải được trường lấy ý kiến đồng thuận từ phụ huynh mới có thể triển khai.

Cô BÙI THỊ MINH TÂM (hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc, quận Tân Bình, TP.HCM)

Trường tư từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng

Với các trường ngoài công lập, mức học phí ghi nhận dao động từ 15 triệu đồng/năm ở các trường tư thục dạy chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và lên đến hàng trăm triệu đồng với các trường dạy chương trình tích hợp, chương trình quốc tế. 

Trường Quốc tế TP.HCM tiếp tục là trường có mức học phí cao nhất tại TP.HCM với học phí cho lớp 11 và 12 thu 931 triệu đồng/năm học, tăng từ 924 triệu đồng/năm của năm học 2023-2024.

Một trong những trường có mức tăng học phí cao nhất trong năm học 2024-2025 ở TP.HCM là Trường quốc tế Úc (AIS). Cụ thể năm học này, học phí lớp 11 và 12 của trường là 816,6 triệu đồng/năm - tăng đến 42,6 triệu đồng so với mức 774 triệu đồng/năm của năm học 2023-2024. 

Học phí lớp 6 tại trường này năm nay là 620,3 triệu đồng/năm, năm ngoái là 588 triệu đồng/năm, cũng tăng 32,3 triệu đồng.

Một số trường không điều chỉnh học phí trong năm học này. Trường quốc tế Canada (CIS) giữ mức học phí năm học 2024-2025 như với năm 2023-2024. Học phí dao động từ 531,6 triệu đồng/năm cho lớp 1 đến 785 triệu đồng/năm cho lớp 12. Nếu học chương trình Tú tài IB, học sinh lớp 11 đóng 799,2 triệu đồng/năm và lớp 12 đóng 824,1 triệu đồng/năm.

Học phí một số trường tư thục, quốc tế khác tại TP.HCM như Nam Úc Scotch AGS thu 316,9 triệu đồng/năm (lớp 1) và 521,5 triệu đồng/năm (lớp 12), Trường song ngữ quốc tế EMASI thu 160,9 triệu đồng/năm (lớp 1) và 341,9 triệu đồng/năm (lớp 12), Trường quốc tế Nam Mỹ UTS thu học phí chương trình quốc tế 202,8 triệu đồng/năm (lớp 1) và 304 triệu đồng/năm (lớp 8). Trường quốc tế Renaissance Sài Gòn thu học phí mầm non từ 189 - 380 triệu đồng/năm, tiểu học 491 - 586 triệu đồng/năm, trung học khoảng 656 triệu đồng/năm...

Phó hiệu trưởng một trường quốc tế tại Q.7 (TP.HCM) giải thích hằng năm học phí tại trường sẽ được điều chỉnh tăng khoảng 8 - 12%. Khoản tăng này nhằm bù đắp tỉ lệ trượt giá mỗi năm. 

Tiền thuê mặt bằng và các chi phí vận hành khác cũng tăng giá mỗi năm. Đặc biệt, tiền tăng học phí phần nhiều được dùng để tăng tiền lương cho giáo viên và đầu tư các hạng mục cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường trong năm học mới...

Học phí năm học mới: Những điều phụ huynh cần biết- Ảnh 3.

Chờ quy định nhiều khoản thu

Ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) - cho biết học phí sẽ được bắt đầu thu sau khi học sinh đã nhập học ổn định và có thông báo cụ thể đến phụ huynh. 

Chủ trương chung của trường là sẽ cho đóng học phí theo từng tháng. Các khoản thu sẽ được cân đối chia theo từng tháng từ đầu năm đến cuối năm học để phụ huynh không bị áp lực. Thu một lần từ đầu năm học sẽ khá khó khăn cho những phụ huynh có nhiều con trong độ tuổi đi học.

Cô Bùi Thị Minh Tâm - hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc (quận Tân Bình) - lưu ý bên cạnh phần học phí, phụ huynh sẽ đóng một số khoản thu theo quy định, tùy theo hoạt động của từng trường. 

Chẳng hạn, trong các khoản thu phục vụ hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa có tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tiền tổ chức dạy tăng cường môn ngoại ngữ, tiền tổ chức dạy tin học... Hay trong các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án có tiền tổ chức các lớp học theo đề án tin học quốc tế, tiền tổ chức thực hiện đề án trường thực hiện chương trình chất lượng cao...

Tương tự, ông Trần Quang Nhiên - hiệu trưởng Trường tiểu học Chính Nghĩa (Q.5) - cho biết hiện trường cũng đang chờ quy định mức thu cho từng khoản thu ngoài học phí chính khóa. Chẳng hạn, các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú (như tiền tổ chức phục vụ, quản lý và vệ sinh bán trú, tiền phục vụ ăn sáng...) hay các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh (tiền mua sắm đồng phục học sinh, tiền học phẩm - học cụ - học liệu, tiền nước uống...).

Theo ông, nhiều trường vẫn đang chờ quy định hay hướng dẫn từ Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT do nghị quyết của HĐND vừa thông qua không bao gồm những khoản này như trong nghị quyết năm 2023 quy định chi tiết đến 26 khoản thu. 

"Ngoài ra từ năm học này, các trường tiểu học sẽ không còn thu tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày do tất cả các khối từ 1 đến 5 đều học theo chương trình phổ thông 2018. Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh phải được học 2 buổi/ngày", ông Nhiên nói.

Đà Nẵng tiếp tục miễn học phí từ mầm non đến lớp 12

Kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vừa thông qua nghị quyết hỗ trợ toàn bộ học phí cho học sinh các cấp trong năm học tới.

Cụ thể, Đà Nẵng hỗ trợ 100% học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trong 9 tháng của năm học 2024-2025. Hỗ trợ 100% học phí cho học sinh đang học kiến thức văn hóa THPT và chương trình giáo dục phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục trong tối đa 9 tháng của năm học 2024 - 2025.

Các đối tượng được giảm học phí theo các chính sách của trung ương và thành phố được cấp bù phần hỗ trợ bằng 100% mức thu học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2024-2025.

Đà Nẵng tiếp tục miễn học phí từ mầm non đến lớp 12 trong năm học tới - Ảnh: Đ.NHẠN

Đà Nẵng tiếp tục miễn học phí từ mầm non đến lớp 12 trong năm học tới - Ảnh: Đ.NHẠN

Với các mức học phí từ 15.000 đến 95.000 đồng một tháng, tùy địa bàn và cấp học, tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến là 108 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 78,1 tỉ đồng dành cho khối công lập, còn lại chi cho nhóm ngoài công lập (trừ học sinh ở các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài). Nghị quyết hỗ trợ học phí bắt đầu xây dựng thời điểm người dân bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19, thực hiện lần đầu tiên vào năm học 2021-2022. Đây là năm thứ tư liên tiếp Đà Nẵng thực hiện chính sách này.

Cần Thơ: học phí giữ ổn định

Ngày 12-8, ông Trần Thanh Bình, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết năm học mới 2024-2025 mức thu học phí các cấp học ở TP Cần Thơ từ mầm non đến THPT được giữ ổn định thực hiện theo nghị quyết của HÐND TP (thực hiện từ năm học 2023-2024). Theo đó, học phí ở các trường công lập và tư thục đều không tăng so với các năm học trước đó.

Theo nghị quyết của HĐND TP Cần Thơ, mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2023-2024 được chia làm 2 khu vực: quận và huyện. Đối với trường ở quận, học phí cấp mầm non là 71.000 đồng/tháng/học sinh, cấp THCS là 65.000 đồng/tháng/học sinh, cấp THPT là 75.000 đồng/tháng/học sinh. Đối với các trường thuộc huyện, học phí cấp mầm non là 32.000 đồng/tháng/học sinh, cấp THCS là 33.000 đồng/tháng/học sinh, cấp THPT là 43.000 đồng/tháng/học sinh.

Mức học phí được áp dụng này được giảm hơn so với các mức được áp dụng ở những năm học trước, được đánh giá là phù hợp với điều kiện của phần lớn gia đình học sinh. Các nhóm đối tượng học sinh thuộc diện miễn giảm học phí các cấp học khác cũng miễn giảm theo quy định và nghị định hiện hành.

Học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) - Ảnh: THÁI LŨY

Học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) - Ảnh: THÁI LŨY

Hà Nội đang xây dựng dự thảo mức học phí mới

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Hà Nội hiện mới đang xây dựng mức học phí mầm non, phổ thông mới cho năm học 2024-2025 và trình HĐND thành phố vào kỳ họp tới.

Mức học phí áp dụng cho năm học 2023-2024 được HĐND TP Hà Nội chốt vào tháng 3-2024 (sau khi đã điều chỉnh so với quy định trước đó) dao động từ 19.000 đồng đến 217.000 đồng/tháng. Cụ thể với bậc nhà trẻ, mẫu giáo (không gồm mầm non 5 tuổi) và THPT có mức học phí 217.000 đồng/tháng (áp dụng ở địa bàn phường, thị trấn), 95.000 đồng/tháng (ở địa bàn xã không phải miền núi) và 24.000 đồng/tháng (ở xã miền núi).

Trẻ mầm non 5 tuổi, bậc tiểu học, THCS có mức học phí 155.000 đồng/tháng (phường, thị trấn), 75.000 đồng/tháng (xã không phải miền núi) và 19.000 đồng/tháng (xã miền núi).

Riêng với bậc tiểu học, học sinh được miễn học phí. Vì vậy, mức học phí quy định ở trên với bậc tiểu học là căn cứ để thành phố cấp bù ngân sách. Theo nội dung được chốt vào tháng 3-2024, trường hợp học sinh chuyển sang học trực tuyến, các trường công sẽ thu 75% học phí theo mức hiện hành. Nếu học cả trực tuyến và trực tiếp thì hình thức nào học trên 14 ngày trong 1 tháng thì áp dụng thu theo hình thức đó. Trẻ mầm non học ít hơn 14 ngày trong tháng sẽ chỉ đóng 50% học phí quy định, nếu học trên 14 ngày trở lên phải đóng đủ 100%.

Trước đó, khi áp dụng nghị định 81 về trần học phí công lập, Hà Nội đã quyết định thu học phí ở mức 50.000 - 300.000 đồng/tháng, áp dụng cho năm học 2022-2023, tăng gấp đôi so với năm học trước. Nhưng để hỗ trợ phụ huynh, thành phố đã chi 1.133 tỉ đồng để bù phần chênh lệch, nên số thực đóng của phụ huynh không tăng...

TP.HCM: Chính thức miễn, giảm học phí cho mọi cấp, điều chỉnh một số khoản thuTP.HCM: Chính thức miễn, giảm học phí cho mọi cấp, điều chỉnh một số khoản thu

Trẻ mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024-2025. Học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025-2026.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp