Thông tin Hà Nội đề xuất áp dụng mức học phí mới theo nghị định số 81/2021/NĐ-CP chỉ bằng mức sàn (thấp nhất) từ năm học 2023-2024 khiến nhiều người có con đang học phổ thông thấy mừng.
Vừa mừng đã vội lo
Nếu đối chiếu với mức trần trong khung học phí được quy định tại nghị định này thì mức Hà Nội đang đề xuất "dễ thở" hơn nhiều. Cụ thể mức trần học phí của học sinh mầm non, tiểu học là 540.000 đồng/học sinh/tháng; mức trần học phí của học sinh THCS, THPT là 650.000 đồng/học sinh/tháng.
Trong khi đó, theo mức sàn đang được Hà Nội đề xuất, học phí với học sinh vùng thành thị ở cả cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT đều là 300.000 đồng/tháng/học sinh. Học phí với học sinh vùng nông thôn cấp mầm non, tiểu học, THCS là 100.000 đồng/tháng/học sinh, cấp THPT là 200.000 đồng/tháng/học sinh.
Học phí với học sinh vùng dân tộc thiểu số và các xã miền núi ở cấp mầm non, tiểu học, THCS là 50.000 đồng/tháng/học sinh và cấp THPT là 100.000 đồng/tháng/học sinh (tiểu học theo luật miễn học phí, mức học phí công bố là căn cứ để cấp bù cho các trường).
So với mức thu nằm trong quy định cũ thực hiện từ năm 2021 trở về trước, chỉ có từ 19.000 đồng đến 217.000 đồng (tùy theo cấp học, khu vực) thì mức "sàn" đang đề xuất tăng gần gấp đôi.
Thực chất, mức học phí mới đề xuất tương tự mức được Hà Nội áp dụng năm 2022. Nhưng ở thời điểm năm 2022, Hà Nội đánh giá đời sống người dân còn khó khăn sau hai năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nên đã chi 1.133 tỉ đồng để cấp bù phần chênh lệch (so với mức từ năm 2021 trở về trước), hỗ trợ 50% học phí cho người dân đang có con học mầm non, phổ thông.
Vì thế, mặc dù học phí đã tăng gấp đôi từ năm trước, nhưng người dân thực đóng một nửa so với mức quy định.
Hà Nội là địa phương có số lượng học sinh mầm non, phổ thông đông nhất cả nước nên số tiền hỗ trợ trên cũng cao nhất nước. Nhiều địa phương cũng chi ngân sách hỗ trợ khó khăn do COVID-19 nhưng gói hỗ trợ chỉ ở mức vài trăm tỉ đồng. Đơn cử Bà Rịa-Vũng Tàu 140 tỉ đồng, Cần Thơ 309 tỉ đồng, Hải Phòng 400 tỉ đồng, Đà Nẵng 450 tỉ đồng...
Từ năm học 2023-2024, gói hỗ trợ khó khăn do COVID-19 sẽ ngừng vì những khó khăn của người dân do dịch bệnh được cho là cơ bản được khắc phục. Và vì thế, so với mức thực đóng học phí năm trước, người dân có con học mầm non, phổ thông ở Hà Nội sẽ phải đóng gấp đôi.
Phụ huynh Hà Nội đón nhận thông tin này với tâm thế, suy nghĩ khác nhau. Một số người cho rằng mặc dù học phí gấp đôi nhưng không quá cao so với mặt bằng giá cả và so với mức thu nhập trung bình của người dân Hà Nội. Nhưng với những phụ huynh có thu nhập thấp, bấp bênh ở nội thành, người ở các vùng nông thôn, miền núi thì đây là mức tăng đáng để lo ngại.
Sẽ bớt lo nếu dẹp phụ phí
Điều mà nhiều phụ huynh lo ngại nhất là học phí tăng gấp đôi, phụ phí vẫn không giảm, thậm chí tình trạng lạm thu vào mỗi năm học mới còn được gia tăng hơn bởi nhiều khoản thu lạ.
"Quỹ phụ huynh 1-2 triệu đồng/học kỳ, rồi tiền đóng góp làm từ thiện, hoạt động cộng đồng, tiền mua tài liệu sách tham khảo, học tăng cường, phô tô tài liệu, tiền điện, nước, vệ sinh, trông xe, học câu lạc bộ, mua điều hòa, rèm cửa, bàn ghế, máy chiếu... Mỗi một năm cộng các khoản phụ phí đó có khi gấp 5-7 lần học phí. Nhiều trường nói vì học phí thấp nên cần phụ huynh hỗ trợ.
Nhưng khi học phí đã tăng rồi thì phụ phí có giảm không? Các cấp quản lý của Hà Nội có đảm bảo dẹp được nạn phụ phí không?" - anh Tuấn Khang, một phụ huynh có hai con đang học tiểu học, THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ.
Cũng trao đổi về chuyện "phụ phí", một số hiệu trưởng ở Hà Nội cho biết tiền chi thường xuyên mỗi năm học đã 80-90% chi lương nên số còn lại rất ít chia cho cả trăm thứ việc phát sinh. Ví dụ như làm một cái thẻ học sinh để quản lý học sinh tốt hơn nhưng nếu không "xin phụ huynh" thì không làm nổi.
Cũng có nhiều hiệu trưởng cho rằng thủ tục để được chi tiền cho các hoạt động giáo dục, nhất là các đầu việc phát sinh của trường quá phức tạp và phải chờ đợi lâu nên các nhà trường lựa chọn việc "xin phụ huynh" để giải quyết cho nhanh gọn, dứt điểm.
Vướng mắc trong việc giải bài toán tài chính ở các nhà trường cần được lắng nghe, tháo gỡ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tiết kiệm, minh bạch, hiệu quả là một giải pháp giúp các trường "giảm xin phụ huynh". Đó cũng là cách để tìm được sự đồng thuận của người dân trong quy định tăng học phí như hiện nay.
Tiếp tục hỗ trợ học phí
Năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ học sinh diện hộ nghèo, cận nghèo, học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, học sinh khuyết tật và các đối tượng hưởng chính sách, với tổng kinh phí khoảng 16,6 tỉ đồng. Những người không nằm trong diện hỗ trợ nhưng có đời sống không ổn định sẽ là nhóm gặp khó khăn với mức học phí mới.
Gánh nặng trường chất lượng cao
Mạng lưới trường lớp ở một số địa bàn tại Hà Nội không hợp lý. Có những khu dân cư đông nhưng thiếu trường, nhiều khu đô thị mới chỉ có trường tư, trường chất lượng cao. Cùng với đề xuất học phí cho khối trường công lập, vừa qua Hà Nội cũng đề xuất mức trần học phí trường công lập chất lượng cao.
Theo đó, mức trần học phí đối với trường công lập chất lượng cao từ 5.100.000 - 6.100.000 đồng/tháng/học sinh, tùy theo cấp học. Việc quy định trần học phí là đúng, nhưng điều đáng nói là ở một số địa bàn, người dân buộc phải lựa chọn trường chất lượng cao, trường tư vì thiếu chỗ học ở trường công lập bình thường.
TP.HCM không tăng học phí
Tháng 10-2022, TP.HCM đã có quyết định áp dụng mức học phí mới cho các trường công lập từ mầm non đến THPT năm học 2022-2023. Tương tự Hà Nội, TP.HCM chọn mức thấp nhất theo khung học phí của nghị định 81 để áp dụng trong năm học 2022-2023.
Tuy nhiên, UBND TP.HCM cho rằng trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc thực hiện tăng học phí là rất nhạy cảm, gây áp lực cho nhiều gia đình có con đang đi học. Vì vậy, trên cơ sở tham mưu của Sở Giáo dục và Đào tạo và đề xuất của UBND TP.HCM, HĐND TP.HCM đã ban hành nghị quyết hỗ trợ học phí năm học 2022-2023.
Cụ thể, thành phố chi ngân sách cấp bù học phí để mức thực đóng của phụ huynh năm học 2022-2023 không tăng so với trước đây. Mức hỗ trợ với từng học sinh là phần chênh lệch giữa học phí năm học 2022-2023 và 2021-2022. Tức là phụ huynh vẫn đóng học phí như năm học 2021-2022.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, dự kiến năm học 2023-2024 TP.HCM không tăng học phí mà giữ nguyên như năm học 2022-2023. Nếu thành phố tiếp tục hỗ trợ thì phụ huynh sẽ đóng theo mức học phí của năm học 2021-2022; nếu thành phố không tiếp tục hỗ trợ thì phụ huynh sẽ đóng học phí theo mức của năm học 2022-2023 như bảng.
H.HG.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận