Hàng loạt trường đại học top đầu đã công bố các chương trình đào tạo hoàn toàn mới trong mùa tuyển sinh năm 2024. Một số trường cho biết khi sinh viên theo học sẽ được đào tạo thêm nhiều kiến thức khác biệt, cơ hội đảm nhận những vị trí việc làm mới.
Đào tạo "chéo sân"
Theo đó, năm nay Trường đại học Kinh tế quốc dân dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó 4 ngành thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin - lĩnh vực thế mạnh của các khối trường kỹ thuật, gồm kỹ thuật phần mềm (50 chỉ tiêu), hệ thống thông tin (50 chỉ tiêu), trí tuệ nhân tạo (100 chỉ tiêu), an toàn thông tin (50 chỉ tiêu). Cả 4 ngành đều đào tạo hai hệ cử nhân và kỹ sư.
Tương tự, Trường đại học Ngoại thương cũng dự kiến tuyển sinh ngành khoa học máy tính, với chỉ tiêu trong năm nay là 30, các năm sau có thể tăng.
Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến mở thêm mã ngành thứ 28 là điện ảnh và nghệ thuật đại chúng (50 chỉ tiêu). Ngành này sẽ chủ yếu đào tạo biên kịch, phê bình văn học.
Cũng từ năm nay, Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành thiết kế công nghiệp và đồ họa, dành 160 chỉ tiêu cho ba chuyên ngành là: Thiết kế công nghiệp và kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật và đồ họa, thiết kế mỹ thuật và nội thất.
Theo Trường đại học Công nghệ, ngành mới này sẽ thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, khác hẳn các chương trình thiết kế công nghiệp hiện nay với mã ngành thuộc lĩnh vực mỹ thuật như danh mục hiện hành của bộ và các trường khác đang đào tạo.
Mới đây nhất, Đại học Bách khoa Hà Nội thông báo năm nay dự kiến mở chương trình đào tạo mới là quản lý giáo dục - ED3, đây vốn là ngành học thuộc thế mạnh đào tạo của khối các trường sư phạm.
Bên cạnh đó, hàng loạt trường đại học khác cũng thông báo mở các ngành học mới là thiết kế vi mạch, bán dẫn như Trường đại học FPT, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường đại học Phenikaa…
Chương trình học khác biệt, nhiều vị trí việc làm mới
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho biết nhà trường có chiến lược phát triển thành Đại học Kinh tế quốc dân trong năm 2024. Để thực hiện chiến lược này, trường đã thành lập 3 trường trực thuộc là Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh và Trường Công nghệ.
"Trong khi Trường Kinh doanh và Trường Kinh tế và Quản lý công là thế mạnh truyền thống của trường, đã có số lượng ngành và chương trình khá phong phú thì Trường Công nghệ chỉ mới có số ít ngành, vì vậy việc phát triển các ngành công nghệ được ưu tiên trong năm 2024.
Nền kinh tế đang chuyển nhanh sang thời đại của công nghệ số, kinh tế số, chính vì vậy việc mở thêm các ngành đào tạo mới này của trường nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của xã hội", ông Triệu lý giải.
Theo ông Triệu, để mở các ngành công nghệ, nhà trường tiến hành chuẩn bị từ hàng chục năm nay, đồng thời chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên cho các ngành này.
Về cơ bản, các ngành đào tạo mới tại Trường đại học Kinh tế quốc dân sẽ tương tự như các ngành đang đào tạo ở các trường khác, khác biệt là trong chương trình đào tạo có nhiều môn học về kinh tế, kinh doanh, quản trị và định hướng đầu ra ứng dụng chủ yếu thuộc các lĩnh vực này.
Ông Triệu nhận định cơ hội việc làm của sinh viên chắc chắn sẽ rất rộng mở vì các bạn có cả hai nền tảng quan trọng là công nghệ và kinh tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang bước vào thời kỳ "cất cánh".
Ông Vũ Duy Hải, trưởng ban tuyển sinh - hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết chương trình đào tạo cử nhân quản lý giáo dục của Đại học Bách khoa Hà Nội không nhằm đào tạo các nhà quản lý giáo dục, mà hướng đến mục tiêu đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp đảm nhiệm các nhiệm vụ thuộc công tác quản lý giáo dục như lập kế hoạch đào tạo, tuyển sinh; tổ chức đào tạo; công tác quản lý nhân sự; công tác khảo thí và quản lý chất lượng, công tác quản lý cơ sở vật chất, tài chính…
Nhân sự này sẽ làm việc tại các cơ sở giáo dục, các tổ chức đào tạo; hoặc các nhiệm vụ thuộc công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo như tuyển sinh, đào tạo, khoa học - công nghệ, tổ chức - cán bộ, kế hoạch - tài chính… tại các cơ quản quản lý nhà nước.
Bên cạnh các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục công lập, trong quá trình nghiên cứu nhu cầu mở ngành, Đại học Bách khoa Hà Nội ghi nhận nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp cử nhân giáo dục khá cao tại các tổ chức giáo dục và đào tạo ngoài công lập.
Theo ông Hải, với thế mạnh là đại học có nền tảng kỹ thuật - công nghệ, đã đào tạo kinh tế - quản lý, sư phạm kỹ thuật và công nghệ giáo dục trong nhiều năm, chương trình đào tạo cử nhân quản lý giáo dục của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tập trung vào 2 định hướng chuyên sâu: quản lý giáo dục số (ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý và phân tích dữ liệu trong công tác quản lý giáo dục) và quản lý chất lượng giáo dục với các phương thức quản lý, đánh giá và đo lường chất lượng giáo dục hiện đại.
Sự kết hợp liên ngành này chính là một điểm khác biệt trong chương trình đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội.
"Một điểm khác biệt nữa của chương trình đào tạo quản lý giáo dục của Đại học Bách khoa Hà Nội là sinh viên sẽ được tiếp cận với phương thức học tập trải nghiệm thông qua hình thức học tập b-learning, project-based learning và được thực tập nghề nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các nhà trường và doanh nghiệp/tập đoàn giáo dục hàng đầu tại Việt Nam.
Riêng tại Đại học Bách khoa Hà Nội, sinh viên được thực tập trong hệ sinh thái gồm: Trường THCS & THPT Tạ Quang Bửu - một trong những ngôi trường đứng đầu trong khối các trường phổ thông liên cấp ngoài công lập tại Hà Nội; Trường cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội - đơn vị có uy tín và chất lượng trong khối các trường cao đẳng nghề tại Việt Nam; Khối các đơn vị hành chính tập trung thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội - đơn vị điển hình trong công tác quản lý chất lượng, quản trị và chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục Việt Nam", ông Hải thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận