Hiến pháp Indonesia nêu rõ học tập là quyền của mọi công dân, và chính phủ phải chi trả cho giáo dục bằng cách phân bổ ít nhất 20% ngân sách nhà nước, nhưng đâu đó vẫn còn nhiều trẻ không được đến trường vì khó khăn.
Tại thủ đô Jakarta - nơi sinh sống của hơn 10 triệu người, chính quyền đang thực hiện chính sách mới để hỗ trợ những học sinh nghèo như vậy.
1.000 trường tư tham gia
Hôm 14-8, báo Jakarta Post đưa tin chính quyền Jakarta lên kế hoạch sắp xếp cho con em các gia đình có thu nhập thấp được học miễn phí tại 1.000 trường tư thục trong năm học tới, khi trường công lập thường không đủ chỗ.
Với chính sách trên, học sinh nghèo có thể được nhận vào những cơ sở giáo dục tư nhân mà không tốn chi phí gì. Chính sách này hiện đã triển khai tại khoảng 400 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm nay, và Jakarta dự kiến mở rộng số trường tham gia vào năm tới.
Để làm được điều đó, các trường học nói trên đang nhận được quỹ hỗ trợ hoạt động trường học (BOS) từ chính quyền Jakarta.
Tuần trước, cơ quan giáo dục của thành phố Jakarta cũng như một số cơ quan khác đã nhất trí rằng chính quyền cần tăng cường năng lực cho các trường tư thục miễn phí vì có một số lượng lớn trẻ em nghèo hiện nay không được hưởng các quyền giáo dục cơ bản đã nêu trong hiến pháp.
Điều này là cần thiết vì các trường công lập không đủ chỗ. Jakarta có tổng cộng 8.868 trường học, nhưng chỉ có 2.007 trường trong số đó là trường công lập, vốn miễn cho học sinh phần lớn học phí hoặc các loại phí khác hằng tháng, hằng năm.
Các trường tiểu học và trung học tư nhân còn lại thường yêu cầu học sinh phải đóng học phí cao, khiến nhiều em do hoàn cảnh khó khăn có thể phải bỏ học.
Số lượng tuyển sinh mới gần đây của Jakarta cho thấy thành phố này có thể đảm bảo 71.093 suất học tại các trường trung học cơ sở công lập, nhưng con số này chỉ bằng một nửa trong tổng số 151.164 học sinh trên thực tế (tức học sinh đông, nhưng trường không đủ chỗ).
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở cấp trung học phổ thông, khi khả năng tiếp nhận của các trường trung học công lập và trường dạy nghề lần lượt là 29.559 và 20.130 suất học, thấp hơn nhiều so với tổng số 139.841 học sinh dự kiến trong tương lai. Do đó giới chức Jakarta thông báo việc sử dụng 1.000 trường tư thục sẽ bắt đầu trong năm tới.
"Thành phố này có ngân sách. Vấn đề chỉ là ý chí chính trị để thực hiện nhiệm vụ theo hiến pháp" - báo Kompas dẫn lời ông Jhonny Simanjuntak, một quan chức tại Jakarta.
Để mọi trẻ được đi học
Năm 2003, Chính phủ Indonesia tuyên bố chính quyền trung ương và các khu vực phải cung cấp giáo dục cơ bản (từ lớp 1 tới 12) miễn phí cho mọi học sinh. Nhưng đến nay người dân vẫn chưa thấy điều này thành hiện thực.
Trong khi chính quyền khu vực phàn nàn chính quyền trung ương không cấp đủ kinh phí, chính quyền trung ương lại yêu cầu chính quyền khu vực cắt giảm các khoản chi không cần thiết để tài trợ cho kế hoạch giáo dục miễn phí.
Trong thập niên qua, Indonesia đã thực hiện quy định giáo dục bắt buộc 12 năm, dần loại bỏ quy định giáo dục bắt buộc 9 năm trước đó được ban hành vào năm 1994. Mục đích là tất cả trẻ em đều được đi học cho đến hết trung học phổ thông. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Dữ liệu năm 2022 của Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia cho thấy Jakarta có tỉ lệ học sinh bỏ học cao nhất nước, với hơn 75.000 trẻ. Trong khi đó, đây cũng lại là nơi có ngân sách khu vực cao nhất, khoảng 4,85 tỉ USD trong cùng năm.
Ông Jhonny kỳ vọng: "Trong tương lai, sẽ không còn tình trạng các trường giam bằng của học sinh, học sinh bị cấm thi hoặc bỏ học vì nợ học phí".
Quyền Thống đốc Jakarta Heru Budi Hartono cho biết đội ngũ của ông đang tiến hành nghiên cứu về khả năng mở rộng số trường tư tham gia chương trình trường học miễn phí.
Bữa ăn miễn phí cho học sinh
Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto - người sẽ lên thay ông Joko Widodo vào tháng 10 tới - đã lên kế hoạch đầy tham vọng: cung cấp bữa ăn miễn phí tại các trường học trên toàn quốc nhằm giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em. Ước tính sáng kiến này sẽ tiêu tốn 450.000 tỉ rupiah (27 tỉ USD) khi được triển khai đầy đủ vào năm 2029.
Tuy nhiên, theo báo South China Morning Post, thời gian qua kế hoạch này đã làm dấy lên lo ngại về khả năng ảnh hưởng đến tình hình tài chính của đất nước. Đội ngũ của ông Prabowo đang hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề này bằng cách học hỏi các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, những nước đã thực hiện và chi tiêu thận trọng cho các chương trình như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận