Sinh viên Lâm Ngọc Quyên - Ảnh: Q.Linh |
Ngọc Quyên cười tươi:
- Khoe chút xíu là mình vừa nhận giải khuyến khích chung cuộc hội thi trắc nghiệm trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Giáo dục - đào tạo, Trung ương Đoàn và báo Tuổi Trẻ tổ chức kết thúc tháng 3 vừa rồi. Mình bắt đầu tham dự các cuộc thi trực tuyến từ năm thứ hai đến nay. Mình tham gia thi xuất phát từ việc cần hoàn thành học tập sáu bài lý luận chính trị, vì ở trường mình nếu tham gia đủ bốn lần thi trực tuyến các cuộc thi liên quan đến giáo dục chính trị, tư tưởng, lịch sử thì được công nhận hoàn thành việc học này. Và lần thi này cũng không ngoài lý do đó.
* Bí quyết nào để bạn bước đến vị trí cao nhất?
- Thí sinh nào tham gia hội thi cũng “đáng gờm” nên hơn thua nhau ở thời gian nhanh hay chậm thôi. Thi trong áp lực thời gian thú vị lắm, buộc mình nhớ kiến thức kỹ hơn đấy.
* Bạn chuẩn bị kiến thức thế nào khi lịch sử không phải là chuyên ngành của một sinh viên khối ngành tự nhiên?
- Ngoài mượn tài liệu ôn tập của một người bạn là cán bộ Đoàn và cũng từng vô địch một cuộc thi trực tuyến do Thành đoàn tổ chức trước đây, mình tìm đọc thêm thông tin trên mạng.
Mình và một cô bạn cùng lớp ôn, thi chung với nhau. Đang là học kỳ cuối, làm đề tài tốt nghiệp nên ngày nào hai đứa cũng có mặt ở phòng thí nghiệm từ sớm. Sau khi thực hiện các thí nghiệm và chờ các phản ứng hóa học xảy ra, đợi kết quả hai đứa coi tài liệu. Ngay cả khi ba đợt của hội thi này cũng tranh thủ vào những lúc như vậy.
* Đề thi có quá khó với bạn không?
- Mình bám vào chủ đề “Tự hào 40 năm thành phố tôi yêu” để tìm kiếm và phân loại tài liệu liên quan đến lịch sử TP.HCM, giới hạn phạm vi kiến thức lại nên cũng không thấy quá khó khăn. Có lẽ cũng may mắn hay sao đó mà trong cả chín lần thi của ba đợt (mỗi đợt một thí sinh được thi tối đa ba lần) mình thấy đề thi đều vừa sức và đều hoàn thành được bài thi.
* Bạn đã góp ý gì trong bài thi tự luận?
- Với chủ đề nói về các bảo tàng tại thành phố, mình chọn nói về Bảo tàng TP.HCM và đề xuất phải làm tốt hơn tuyên truyền, vì thật ra có nhiều người dân thành phố chưa biết và chưa từng bước chân vào đây.
Mình cho rằng không chỉ cần có thêm nhiều hiện vật mà còn cần áp dụng các phương pháp mới, tận dụng công nghệ trong trưng bày để bảo tàng hấp dẫn hơn. Chưa kể phải lưu ý đưa bảo tàng đến với học sinh, tạo cơ hội để học sinh được học trong bảo tàng nhiều hơn.
* Điều gì đáng nhớ nhất với bạn khi đến với cuộc thi này?
- Đây là cơ hội tốt để kiểm tra kiến thức lịch sử, để biết mình hổng chỗ nào mà bổ sung. Hội thi giúp mình hiểu biết và nhớ nhiều hơn về lịch sử đấu tranh, hình thành và phát triển của TP.HCM.
Dù không phải cư dân thành phố nhưng cuộc thi giúp mình yêu và thấy gắn bó hơn với nơi mình đã sống, học tập gần bốn năm qua. Và mình đã có dịp nhớ đến các vị anh hùng trẻ tuổi gắn liền với lịch sử đấu tranh của thành phố này, bấy nhiêu đó với mình là thu thập lớn rồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận