Phóng to |
Ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trước cổng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, Q.3 (TP.HCM) mỗi khi học sinh tan trường (ảnh chụp chiều 5-10) - Ảnh: Minh Đức |
Theo gợi ý của Sở GD-ĐT, các bậc học ở TP.HCM sẽ vào học và ra về khác giờ nhau. Bậc mầm non vào học muộn nhất là 8g sáng và bậc trung học phổ thông ra về trễ nhất lúc 17g45. Trước gợi ý này, những người liên quan có ý kiến khác nhau.
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
* Ông Lê Thống - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.1:
Tuần sau áp dụng
Ngay sau khi họp ở Sở GD-ĐT (3-10) xong, Trường Nguyễn Khuyến và Nguyễn Tri Phương đã ngồi lại bàn bạc với nhau để thống nhất giờ học lệch nhau 15 phút, tránh tình trạng ùn tắc trên đường Nguyễn Tri Phương. Thứ hai tuần sau (8-10) cả hai trường sẽ áp dụng giờ vào học và giờ ra về theo lịch mới nhưng không thay đổi nhiều (ví dụ trước đây vào học 6g45, ra về 11g30 thì bây giờ 7g vào học, 11g45 tan học) nên phụ huynh không phản ứng gì.
* Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - hiệu trưởng Trường mầm non 19-5, Q.10:
"Phá lệ" lâu rồi
Đường Cách Mạng Tháng Tám lúc nào cũng đông đúc, lúc nào xe cộ cũng phải nhích từng chút một. Đã thế, nhiều người đi từ trong hẻm ra cứ đi ngược chiều vì không dám băng qua đường - cũng góp phần gây nên tình trạng kẹt xe. Buổi chiều trường chúng tôi phải "phá lệ": 16g đã mở cổng cho phụ huynh đón con (qui định của Phòng GD-ĐT Q.10 là 16g30) vì thấy phụ huynh đứng tràn ra dưới lòng đường.
Từ ngày tôi về trường làm quản lý đến nay đã bốn năm, chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra ngay phía trước cổng trường, tôi rất sợ. Hiện nhà trường vẫn đang chờ chỉ đạo của Phòng GD-ĐT về việc bố trí học lệch giờ. Không biết cụ thể sẽ như thế nào, chúng tôi chỉ mới dọ ý phụ huynh đã thấy nhiều người làm công chức nhà nước phản đối rồi. Họ bảo: "8g mới đưa con đi học thì mấy giờ đến cơ quan làm việc? Kẹt xe là do đường quá hẹp, lượng người lưu thông quá đông, không có phụ huynh đưa con đi học thì khúc đường này vẫn kẹt xe".
* Bà Bạch Thị Ánh Ngọc - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, Q.Bình Thạnh:
Chưa phù hợp
Tôi thấy rằng nguyên nhân kẹt xe không chỉ do phụ huynh đưa đón con đi học, ngay cả những lúc HS đã vào học rồi đường Lê Quang Định vẫn đông xe. Hiện nhà trường vẫn đang chờ chỉ đạo của Phòng GD-ĐT xem hướng bố trí lệch giờ học như thế nào. Tôi mới đọc trên báo, thấy gợi ý của sở đưa ra: 7g30 HS tiểu học bắt đầu giờ học là không phù hợp. Đa số phụ huynh đi làm rồi chở con đi học luôn, hiện tại giờ vào học là 6g45 thì họ còn đủ thời gian chạy từ trường của con em mình đến sở làm.
* Ông Lê Trương Sằng - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10:
Giờ cao điểm vẫn đông
Phóng to |
Ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ngay trước cổng Trường THCS Ngô Mây, quận Phú Nhuận, TP.HCM mỗi khi đến giờ học sinh tan trường (ảnh chụp chiều 11-4-2007) - Ảnh: Minh Đức |
Chỉ có "cái eo" chút xíu ở đường Nguyễn Lâm mà tập trung đến bốn trường học: Dương Minh Châu, Măng Non 2, Mầm non phường 6 và Nguyễn Văn Tố. Từ lâu rồi trường tôi và các trường mầm non đã học lệch giờ: vào học 7g, ra về từ 15g30-17g , còn mầm non thì vào học lúc 7g30, ra về từ 16g30-17g30.
Vậy nhưng giờ cao điểm vẫn đông. Chúng tôi đã nhờ lực lượng dân phòng và công an chặn không cho xe hơi chạy vào khu vực "cái eo" trong thời gian phụ huynh đưa đón con. Cũng đã xảy ra tranh cãi, to tiếng vì việc chặn xe như vậy nhưng đành chịu, không còn cách nào khác.
* Bà Vương Nguyệt Anh - phụ huynh ở Q.Gò Vấp:
Nguy cơ mất việc
Tôi đã đọc báo và đang lo ngay ngáy mấy hôm nay. Nếu các trường bố trí lệch giờ học theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM chắc tôi phải nghỉ làm. Ông xã đi công tác liên miên, một mình tôi đưa hai con đi học: thường tôi đưa cháu lớn đến trường THCS trước, rồi chạy xe mất 5 phút nữa đến trường mầm non của cháu nhỏ. Nếu thay đổi: 7g sau khi cho con lớn vào học, tôi sẽ đưa cháu nhỏ chạy lòng vòng ngắm cảnh kẹt xe của TP, đợi đến 8g sẽ quay lại cho bé vào trường mầm non? Chưa hết, 8g mới đưa được con đi học, chạy đến công ty 8g30 chắc tôi bị đuổi việc sớm.
* Ông Nguyễn Thanh Hải - trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình:
Tốt nhất là dùng xe đưa rước HS
Bậc mầm non: giờ học 8g, giờ về 16g30. Bậc tiểu học: giờ học và giờ về buổi sáng 7g30-11g30, buổi chiều: 13g15-16g45. Bậc THCS: sáng 7g-11g30, chiều: 13g15-17g15. THPT: sáng 6g45-11g30, chiều: 13g30-17g45. Theo ông Huỳnh Công Minh - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khung giờ trên chỉ là gợi ý. Chủ tịch UBND các quận, huyện sẽ họp bàn với các trường trong khu vực và đưa ra giờ học hợp lý với từng địa bàn. |
Địa bàn Q.Tân Bình có một số "điểm nóng" thường xảy ra tình trạng kẹt xe trước cổng trường như: Trường THCS Võ Văn Tần, Nguyễn Gia Thiều, Ngô Quyền, Tân Bình, Ngô Sỹ Liên... Mặc dù vậy nhưng nếu bố trí giờ học của HS theo gợi ý của Sở GD-ĐT TP thì không ổn.
Từ nhiều năm nay, một số trường ở Tân Bình đã thành lập tổ giải tỏa kẹt xe trước cổng trường (bao gồm: công an khu vực, lực lượng dân phòng, bảo vệ trường, Đoàn thanh niên...) rồi sắp xếp cho những trường gần nhau học lệch giờ 10-15 phút, nhưng thời gian gần đây không hiểu sao lượng xe đi trên đường nhiều quá, không phải giờ cao điểm cũng đông xe, kẹt xe.
Đối với Tân Bình, tôi nghĩ phương pháp hiệu quả nhất là cho HS đi học bằng xe đưa rước. Hiện đã có năm trường trên địa bàn sử dụng phương tiện này và tôi thấy tình trạng kẹt xe trước cổng trường giảm hẳn. Ví dụ như Trường THCS Nguyễn Gia Thiều hiện có 20 xe đưa rước HS (hơn 10 HS/xe), như thế hằng ngày đã giảm được hơn 200 phụ huynh đưa rước con em trước cổng trường.
* Ông Trần Quốc Tuấn - phụ huynh ở Q.10:
Ý thức phụ huynh là quan trọng
Bố trí cho HS học lệch giờ sẽ không giải quyết được tình trạng kẹt xe mà lại gây rắc rối cho phụ huynh. Chúng tôi còn phải đi làm chứ đâu chỉ mỗi việc đưa con đi học. Chưa kể chuyện thay đổi giờ học còn ảnh hưởng đến đời sống giáo viên - họ cũng phải lo cho gia đình, con cái chứ đâu chỉ đi dạy. Điều quan trọng nhất đồng thời nó cũng khiến tôi bức xúc nhất là ý thức của phụ huynh. Giờ tan học ở trường nào cũng đông mà nhiều phụ huynh cứ chen nhau đòi đi trước, bất kể người khác như thế nào.
Nếu có thời gian, bạn hãy thử một lần đi ngang qua Trường THPT Nguyễn Khuyến (đường Nguyễn Tri Phương), sẽ thấy rất bực mình khi phụ huynh từ trong trường phóng ra là băng ngay qua đường gây nên tình trạng dồn cứng một chỗ. Nếu họ đi theo chiều xuôi của con đường khoảng 3-5 phút đến trước cửa trụ sở Công an Q.10 rồi quẹo lại thì rất tốt vì đoạn này vắng người. Điều này nhà trường phải định hướng và vận động phụ huynh thực hiện.
Tôi nghĩ nhà trường nên bàn bạc kỹ với phụ huynh để tìm ra phương án hay nhất chống kẹt xe, chứ việc học lệch giờ khó có thể thực hiện được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận