Phóng to |
Học sinh nghề trong ngày thi thiết kế thời trang tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Bình Thanh |
Ngoài phần thi lý thuyết, các thí sinh còn tranh tài ở phần thi thực hành với mười nghề: công nghệ lập trình trên máy điều khiển số CNC, cắt may, thiết kế thời trang, điện công nghiệp, điện tử, thiết kế website, kế toán doanh nghiệp, tiện, công nghệ ôtô và phục vụ nhà hàng.
Giám khảo hài lòng
Tuyển công nhân là chính “Hiện nay chỉ tiêu tuyển dụng trình độ ĐH, CĐ tại các doanh nghiệp chỉ chiếm gần 25%, còn lại là tuyển đối tượng công nhân trực tiếp tham gia vận hành máy móc, tạo ra sản phẩm, sản xuất kinh doanh - dịch vụ. Vậy nên, nhu cầu nhân lực thuộc đối tượng học nghề còn thiếu hụt nhiều, đặc biệt ở các ngành cơ khí, may mặc, điện tử, hóa chất...” - ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhận định. |
Với đội dự thi đến từ Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm, sau hơn một tuần tranh luận về ý tưởng và hoàn thiện mẫu vẽ với đề tài “Thiết kế trang phục học đường cho nữ sinh trường nghề trên địa bàn TP.HCM”, buổi thi thực hành với cả đội năm thành viên thật sự là một kỳ làm việc ăn ý và rất trách nhiệm. “Lần đầu tranh tài thi nghề nhưng cả đội rất thoải mái vì khi học ở trường đã được đào tạo và luyện tập kỹ các thao tác thực hành”, Nguyễn Việt Sang, một thành viên trong đội, chia sẻ.
Suốt bảy giờ thi, năm thí sinh thoăn thoắt, nào cắt, may, ủi... không ngơi nghỉ. Buổi trưa chẳng mấy người chợp mắt, bữa cơm cũng vội vàng. Và dù 16g phần thi mới kết thúc nhưng mới hơn 14g, hai bộ đồng phục dự thi đã hoàn thành. Lau giọt mồ hôi trên trán, Sang bày tỏ: “Cả đội khá ưng ý với sản phẩm này và hi vọng sẽ đạt điểm cao khi trình diễn trên người mẫu”. Thầy Nguyễn Ngọc Châu, trưởng ban chấm thi ngành cắt may, đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc và khả năng thuần thục các thao tác thực hành của các đội thi.
Ở phần thi phục vụ nhà hàng, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng với các thí sinh mọi chuyện không hề đơn giản. Dự thi nghề này, đều đặn mỗi ngày suốt hai tuần trước khi thi, thí sinh Nguyễn Trung Tín (học sinh hệ trung cấp Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, một trong bảy thí sinh lọt vào chung kết ngành thi phục vụ nhà hàng) không ngơi nghỉ tập luyện. Chàng trai này luôn nở nụ cười tươi tắn, giới thiệu và phục vụ món ăn, nước uống cho thực khách. Các “vị khách” (là giám khảo) tỏ ra hài lòng trước cung cách phục vụ lịch sự, tận tình của Tín. Đánh giá tay nghề các thí sinh, thầy Nguyễn Hữu Nghĩa, trưởng ban giám khảo ngành phục vụ nhà hàng, nhìn nhận: “Tuy còn một số thí sinh mắc lỗi về quy trình thực hiện nhưng chất lượng tay nghề của các bạn phần lớn đạt yêu cầu. Nếu được thực hành nhiều hơn, các kỹ năng thực tế sẽ thêm chuyên nghiệp”.
Bài thi của các thí sinh thi ngành điện công nghiệp có vẻ hóc búa hơn: tự lắp đặt hoàn chỉnh một mạng điện trong thời gian bốn tiếng. Lưng áo đẫm mồ hôi, Nguyễn Hoài Anh (học viên hệ trung cấp Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) rạng rỡ khi bài thi hoàn thành sớm hơn quy định gần một giờ. Với Hoài Anh, “Học sinh giỏi nghề” là một sân chơi bổ ích để bạn có cơ hội rèn giũa các kỹ năng được học, cọ xát với thực hành nhiều hơn và tự rút ra bài học thực tế.
Hỗ trợ nhiều cho người học nghề
Trao giải vào ngày 15-3 Lễ tổng kết, trao giải hội thi “Học sinh giỏi nghề” 2012 sẽ được tổ chức lúc 18g30 ngày 15-3 tại công viên văn hóa Lê Thị Riêng (Q.10). Dịp này, tại công viên Lê Thị Riêng cũng sẽ diễn ra “Ngày hội thanh niên, việc làm” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức kéo dài từ ngày 14 đến 18-3. |
Theo anh Phạm Văn Linh, thường trực ban tổ chức, những bài thi, sản phẩm xuất sắc của thí sinh sẽ được trưng bày, triển lãm và giới thiệu tới các doanh nghiệp. Ngoài ra, những thí sinh đoạt giải cao trong hội thi sẽ được Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên (YES Centre, thuộc Thành đoàn TP.HCM) trao tặng các suất học bổng kỹ năng và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Theo anh Nguyễn Thanh Đoàn, nhằm cổ vũ, khuyến khích các bạn trẻ học nghề, Thành đoàn dự kiến tổ chức, phát động các phong trào rèn luyện tay nghề dành riêng cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp dựa trên ba yếu tố: vững tay nghề, rèn luyện tác phong công nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Các suất học bổng hỗ trợ học sinh nghề cũng sẽ được trao nhiều hơn. Vào đầu tháng 4, Thành đoàn TP.HCM sẽ phối hợp với báo Tuổi Trẻ trao 120 suất học bổng Nhất nghệ tinh (mỗi suất trị giá 4 triệu đồng) cho học sinh, sinh viên nghề năm nhất nhằm khuyến khích các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi con đường học nghề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận