05/09/2022 09:20 GMT+7

Học làm người, học làm việc, học làm dân

NHẬT HUY
NHẬT HUY

TTO - "Nghề làm người" là luận thuyết nổi tiếng trong tác phẩm Emile hay là về giáo dục của nhà khai sáng người Pháp Jean Jacques Rousseau. Theo đó "làm người" là một nghề và cần phải được học.

Học làm người, học làm việc, học làm dân - Ảnh 1.

Cô Trần Phương Nhung, chủ nhiệm lớp 1E, Trường tiểu học Ngô Quyền (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chỉnh lại trang phục cho học sinh trong lần đón khai giảng đầu tiên bậc tiểu học - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Phương hướng, nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 khối THPT của Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM xác định: "Học để làm người công dân tốt, có kỹ năng để thích ứng với đô thị thông minh và quá trình hội nhập quốc tế; Học để làm con hiếu thảo, có trách nhiệm, thấu hiểu "công ơn" và hành động để thể hiện "biết ơn"; Học để có nghề nghiệp hiệu quả, nuôi mình và gia đình; Học để đóng góp cho thành phố và đất nước"...

Mục tiêu của sự học đã được lượng hóa một cách cụ thể. Trước hết, học để làm công dân của một nước Việt Nam - sinh sống đàng hoàng, tử tế với gần 100 triệu đồng bào và công dân của Trái đất - tự tin hội nhập, làm việc và đua tranh với hơn 7 tỉ đồng loại.

Học để làm một người con hiếu thảo, biết trân quý công ơn cha mẹ; biết trách nhiệm, đầu tiên là trách nhiệm với chính mình, cuộc đời của mình rồi trách nhiệm với gia đình mình, quê hương mình, Tổ quốc mình.

Năm học 2022-2023, không chỉ ở TP.HCM mà tại Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước, ngành giáo dục và nhiều trường cũng đã chọn những chủ đề năm học hướng tới giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh như "năm học nhân ái", "năm học biết ơn", "năm học bảo vệ môi trường"...

Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục không còn chăm chăm nhắm tới truyền đạt kiến thức mà chú trọng phát triển kỹ năng, hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ; giúp người học xác định được những vấn đề trong học tập, cuộc sống và bước đầu biết cách để giải quyết các vấn đề đó, hướng tới cá nhân hóa, phát triển con người...

Hy vọng những "chuyển động" này sẽ không chỉ dừng lại ở một số trường, một số địa phương mà sẽ lan tỏa, trở thành dòng chảy chủ đạo của toàn ngành giáo dục.

Tuy nhiên, chỉ ngành giáo dục thôi không đủ, vì giáo dục con người là quá trình cần sự hợp sức của ba "lực lượng": nhà trường, gia đình, xã hội. Chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm học mới cũng đã nhấn mạnh: "Nếu thiếu đi sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ từ phía phụ huynh cũng như xã hội thì việc đổi mới rất khó khăn".

Và khi có đủ ba lực lượng này rồi thì vẫn còn cần lực lượng thứ tư, cực kỳ quan trọng, đó là người học. Học sinh là chủ thể của quá trình giáo dục. Nhà trường cần phát huy vai trò chủ động này của người học bằng cách ngay từ đầu năm học sinh hoạt kỹ với học sinh đích đến cuối cùng của sự học là gì, thế nào là con người (để học sinh có thể biết mà trở thành), cần phải học cái gì để đi tới đích. Và quan trọng nhất, thầy cô phải triệt để thay đổi tư duy và phương pháp dạy học theo hướng dạy tức là giúp cho học sinh học, giúp học sinh tìm ra và giải quyết được các vấn đề của mình, giúp học sinh thấu hiểu chính mình để có thể làm ra chính mình.

Có lý do để có thể hy vọng vào năm học 2022-2023 và các năm tới, khi ngành giáo dục tìm về với vai trò cội nguồn của mình: dạy cho học sinh làm người, dạy cho học sinh làm việc và dạy cho học sinh làm dân!

Sáng nay 5-9, gần 23 triệu học sinh cả nước dự khai giảng Sáng nay 5-9, gần 23 triệu học sinh cả nước dự khai giảng

TTO - Sáng nay 5-9, gần 23 triệu học sinh trên cả nước dự lễ khai giảng năm học mới, một lễ khai giảng sau đại dịch COVID-19 được nhiều nhà trường chuẩn bị đặc biệt.

NHẬT HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp