Các hạng GPLX và lộ trình nâng hạng
Trong 10 hạng GPLX, các hạng B1TĐ (số tự động), B1 (số sàn), B2 và C được học mới từ đầu, các hạng còn lại phải học nâng lên từ GPLX thấp hơn. B1TĐ và B1 chỉ lên được B2, còn B2 và C được vượt qua một hạng. Các hạng C, D, E nếu muốn đều có thể nâng thành FC.
Dù khác nhau rõ ràng như vậy, nhưng tất cả lại gần như cùng học chung 1 bộ giáo trình lý thuyết và sát hạch chung 1 bộ câu hỏi trắc nghiệm.
Đạt rồi vẫn phải học lại và kiểm tra lại
Giả sử bạn đủ 18 tuổi, yêu thích nghề lái xe và mong muốn điều khiển được tất cả các loại ôtô thông dụng. Theo sơ đồ trên, bạn sẽ bắt đầu từ B2, sau đó nâng tiếp 6 loại GPLX còn lại khi có đủ điều kiện về tuổi, số kilômet và học vấn phổ thông.
Về phần lý thuyết, ở khóa B2, bạn sẽ được học 5 môn như hình dưới đây, với giáo trình do cơ quan quản lý nhà nước ban hành, được gọi là "giáo trình khung". Nếu học B1TĐ hoặc B1, do không làm nghề lái xe nên không có môn "nghiệp vụ vận tải".
Từng môn học, bạn đều phải làm bài kiểm tra kết thúc, cuối khóa lại làm thêm bài kiểm tra "pháp luật giao thông đường bộ" bằng bộ câu hỏi trắc nghiệm, cũng do cơ quan quản lý nhà nước nêu trên ban hành, để cấp chứng chỉ nghề.
Thời lượng học các môn lý thuyết theo hạng xe
Ở khóa nâng hạng sau đó, bạn chỉ có 4 môn lý thuyết, tuy nhiên 3 trong số đó là môn cũ, học theo giáo trình cũ, chỉ số giờ là ít hơn. Môn còn lại, "kiến thức mới về xe nâng hạng" có nội dung chủ yếu về cấu tạo ôtô thì chưa có giáo trình. Bạn sẽ lặp lại tiến trình tương tự như khi học B2, kể cả kiểm tra cuối khóa bằng câu hỏi trắc nghiệm "pháp luật giao thông đường bộ". Khi nâng hạng các lần sau thì lặp lại y như lần đầu.
Như vậy, có thể thấy rằng từ GPLX ôtô thứ hai trở đi, bạn chủ yếu học lại kiến thức lý thuyết cũ, mà kiến thức này lại đã được công nhận hoàn thành bởi bài kiểm tra hết môn học ở hạng trước rồi. Trong khi đó, quy định đào tạo trình độ sơ cấp hiện hành ghi rõ: "Những môđun đã tích lũy được công nhận và không phải học lại khi học các chương trình đào tạo khác hoặc được bảo lưu để học liên thông lên trình độ cao hơn".
Ở các trình độ cao hơn cũng vậy, môn nào đã hoàn thành đều được chuyển điểm mà không phải học lại. Đồng thời, việc tổ chức kiểm tra cuối khóa là trái với quy định, người học chỉ cần tích lũy đủ số môđun, môn học là được cấp chứng chỉ.
Ông N.T.Q., giáo viên dạy lý thuyết lái xe lâu năm tại Khánh Hòa, cho biết học viên lái xe nâng hạng chỉ tập trung vào bộ câu hỏi sát hạch, rất hay vắng học các môn lý thuyết, chỉ đến đủ khi làm kiểm tra.
Do vậy, có thể cho rằng học lại và kiểm tra lại các môn lý thuyết khi nâng hạng GPLX là không cần thiết, gây thêm tốn kém thời gian và chi phí cho người học. Việc tổ chức kiểm tra cuối khóa cũng vậy.
Sát hạch lý thuyết 10 trong 1
Tương tự việc học lý thuyết, dù sát hạch cho GPLX đầu tiên hay GPLX thứ 7, chỉ có một bộ câu hỏi dùng cho cả 10 hạng ôtô, cho tất cả các lần sát hạch. Năm 2005 là 300 câu, từ tháng 8-2020 sẽ là 600 câu. Đáng chú ý là không có câu hỏi nào về "Kiến thức mới về xe nâng hạng" trong các bộ câu hỏi này.
Trước đây, số câu hỏi trong một đề sát hạch là như nhau, hạng thấp thì yêu cầu có số câu đúng ít hơn so với hạng cao. Nhưng với bộ 600 câu thì số lượng câu hỏi và số câu đúng sẽ tăng theo hạng xe và còn có 1-2 câu điểm liệt, chỉ cần sai câu điểm liệt là rớt, không cần tính đến các câu khác.
Các bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết lái ôtô từ năm 2005 đến 2020
Dù đề sát hạch hạng E có 45 và B2 chỉ có 35 câu, nhưng chúng đều được tổ hợp từ 600 câu. Nên nếu không muốn rớt thì sát hạch E hay B2 vẫn phải học hết bộ câu hỏi này.
Nghĩa là việc học để sát hạch lý thuyết của 10 hạng GPLX là như nhau, lần sau là sự lặp lại của lần trước. Lúc này sự khác nhau về số câu hỏi trong một đề sẽ không còn ý nghĩa nữa. Và cũng chưa rõ cơ sở khoa học của việc có số câu hỏi, số câu trả lời đúng khác nhau trong các hạng GPLX cũng như thêm vào câu điểm liệt.
Như vậy, tương tự việc học lý thuyết, có thể nói tổ chức sát hạch lý thuyết lái xe khi nâng hạng là không cần thiết, gây tốn kém cho người học nói riêng và cho toàn xã hội nói chung.
Tại Singapore, khi nâng hạng GPLX, người học chỉ cần sát hạch thực hành, không sát hạch lý thuyết. Tuy nhiên, ở GPLX trước, về lý thuyết, người học phải trải qua 2 kỳ sát hạch, bao gồm sát hạch lý thuyết cơ bản (pháp luật giao thông đường bộ) và sát hạch lý thuyết kết thúc (kỹ thuật lái xe), mỗi bộ câu hỏi sát hạch gồm 500 câu, gần gấp đôi so với Việt Nam.
Đề sát hạch có 50 câu trắc nghiệm, làm trong 50 phút, đúng 45 câu là đạt, cũng nhiều hơn đề Việt Nam và không có câu bị điểm liệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận