02/10/2013 16:00 GMT+7

Học hành nghiêm túc thì hết nạn phong bì ở cửa lớp?

Bùi Lan Hương (builanhuong1985@...)
Bùi Lan Hương (builanhuong1985@...)

TTO - Thật khó để giải quyết triệt để vấn nạn "phong bì" cho thầy cô ở các lớp học tại chức, nhưng có ý kiến cho rằng mỗi cá nhân có thể nỗ lực nói "không" trước tiên bằng cách học hành nghiêm túc, thi cử đàng hoàng.

Bạn có đồng ý như vậy không?

gDZ0rfrw.jpgPhóng to
Tranh minh học: DAD

Tuổi Trẻ Online xin tiếp tục trích đăng:

* Tôi đang học năm cuối một lớp tại chức. Qua một quá trình học tập dài hơi (5 năm), với mỗi năm học 2 kỳ, mỗi kỳ 3 tháng, tất cả thành viên lớp chúng tôi đều đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi ngày cầm trên tay tấm bằng ĐH cận kề.

Thú thực mà nói, đào tạo tại chức là một chủ trương rất hay của Đảng và Nhà nước, vừa giúp đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, người lao động vừa giúp những người không có cơ hội đến gần cổng trường ĐH trước đó thỏa nguyện giấc mơ của mình.

Trong lớp tôi, hiện tượng đóng tiền quỹ lớp, tiền thầy cô vẫn có nhưng diễn ra không thường xuyên, gay gắt. Tôi nghĩ có những khoản tiền quỹ lớp không thể không có như đóng tiền để mua nước, mua phấn, tiền vệ sinh, hay các khoản tiền để duy trì hoạt động của lớp.

Khi thi, lớp cử cán bộ lớp đến nhà thầy cô chơi, tiếp xúc xin thầy cô tạo điều kiện tốt... Vấn đề này rất nhạy cảm, nếu đến chơi với cân hoa quả và ít quà nhỏ thì không sao, chỉ là đơn thuần tình cảm thầy trò nhưng nếu đi nhiều sẽ gây ra thắc mắc và mất đi ý nghĩa tốt đẹp của nó, lâu dần sẽ tạo thành thói quen, tiền lệ xấu.

Lớp của tôi, có những người cũng tới nhà thầy riêng lẻ, tạo mối quan hệ có lợi cho mình khi học hành, thi cử.

Riêng tôi và một số bạn khác, hầu như chẳng khi nào làm vậy cả bởi chúng tôi nắm được kiến thức, giành ít thời gian ôn tập thì khi thi sẽ không phải lo lắng nhiều quá.

Theo tôi, việc học hành ở đâu, bao giờ cũng thế, tất cả do bản thân người học nếu không chịu khó tiếp nhận kiến thức thì sẽ bị chây ì, phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài.

Do vậy, học tại chức như thế nào, thu chi và phong bì ra sao phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và trách nhiệm của những người đi học. Không thể đổ tại rằng "Dốt chuyên tu, ngu tại chức" mà nộp tiền vô cớ, vô tội trong khi có rất nhiều người giỏi, thông minh nhưng vì điều kiện nào đó bây giờ mới có thể đi học.

Chẳng ai bắt các bạn đóng tiền nhiều như thế cả, các bạn cứ tự dọa mình thôi, rồi lớp nọ rỉ tai lớp kia thành truyền thống. Thế nên tự mình, các bạn hãy làm trong sạch môi trường của chính mình, để nó thật sự trở nên trong sạch, xứng với tấm bằng ĐH sau này bạn cầm trong tay.

Còn vấn đề thầy cô, cũng có nhiều con sâu "bỏ rầu" nồi canh, ở đâu chẳng vậy. Quan trọng là chúng ta kiên quyết nói "Không" đồng loạt thì khi ấy, những con sâu ấy sẽ không còn đất sống.

* Thực tế, các ý kiến của các bạn đều phản ánh đúng thực trạng của việc học tại chức (nay là hệ vừa làm vừa học) hiện nay.

Tôi nghĩ chắc rằng các bạn có ý kiến trên đều đã trải qua các khóa học như vậy và cũng đã được hưởng "ân huệ" từ hệ đào tạo này... Vậy thì các bạn còn trách ai, chê ai cơ chứ!?

Thử hỏi, trong khi học hệ này các bạn có dành thời gian và công sức để học nghiêm túc như sinh viên chính quy không? Hay các bạn chọn việc đưa phong bì là giải pháp thay cho việc học... Và khi xong rồi thì giờ lại la lên, nói không tốt về những chương trình mà mình đã học!

Phải nhìn nhận hệ vừa học vừa làm nếu thực hiện đúng theo quy định hiện hành thì vẫn còn giá trị nâng cao kiến thức cho người học.

Để hệ đào tạo vừa học vừa làm này làm tốt vai trò của mình, theo tôi vẫn còn thuốc chữa: Nhà trường tổ chức việc dạy và học thật nghiêm túc, các giảng viên thật nghiêm khắc và công bằng trong giảng dạy thì các học viên chỉ còn biết phải học thật thi thật mà thôi.

* Đọc qua , tôi cảm nhận một không khí "đối phó, đút lót" bao trùm môi trường giáo dục. Ở đó, từ người dạy, người ra đề, người coi thi đều thực dụng. Có khi giả vờ thanh cao nhưng lại ẩn ý buộc sinh viên phải đáp ứng những đòi hỏi của mình. Môi trường giáo dục đang ngày càng "bẩn". Xưa nay, có "cầu" thì mới có "cung", sinh viên cần bằng cấp, giáo viên cần tiền đáp ứng qua lại. Họ chỉ nghĩ đơn giản làm sao cả 2 cùng có lợi mà đâu biết mình đang dần làm tha hóa học đường. Xã hội liệu có còn những nhân tài nữa không khi vấn nạn "phong bì" cứ ào ạt.

Hy vọng tình hình phong bì sẽ cải thiện, để sinh viên có niềm tin trong học tập, chứ không bỏ bê chạy chọt theo những giá trị bằng cấp ảo.

* Tôi vừa mới tốt nghiệp xong khóa vừa học vừa làm, tuy có hơi vất vả vì phải thi lại vài môn và thi tốt nghiệp đến 2 lần, nhưng tôi không sử dụng phong bì. Có lúc tôi cũng đã nghĩ nhiều đến nó và tôi cũng đã dại một lần. Kết quả lần ấy là thầy tiếp tôi rất nhiệt tình nhưng thầy cương quyết không nhận phong bì. Sau lần đó tôi thật sự ngượng ngùng và quyết tâm học để thi cho đạt. Cuối cùng tôi cũng đã vượt qua. Tôi nghĩ mọi việc chỉ tại mình thôi, đừng đem vài con sâu để nói lên tất cả.

* Tôi từng học tại chức lớp báo chí của tỉnh phối hợp với khoa Báo chí và truyền thông của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Những thầy cô ở đây rất tốt và rất nhiệt tình. Mặc dù phải đi xe hơn 150km về dạy nhưng ai cũng tận tâm, tận lực hướng dẫn cho cả lớp chúng tôi. Mãi cho đến giờ, lớp học đã tốt nghiệp 5 năm nhưng cả lớp ai cũng nhớ và quý trọng các thầy cô ở đây. Có thể đâu đó có vài người thiếu đi cái tâm. Nhưng không phải không có những người vẫn còn nguyên những tấm lòng vì "những đàn em thân yêu" của mình.

* Tôi cũng đã từng học tại chức, vừa học vừa làm. Nhưng tôi cũng như lớp tôi từng học không có tình trạng phong bì như vậy. Năm ngoái, tôi đã học Dược sĩ tại trường Kỹ Thuật Âu Việt (Gò Vấp) với học viên đa số là những người vừa làm vừa học, tiền bạc hẳn là không thiếu. Tuy nhiên các thầy cô ở đây không cho phép bản thân nhận phong bì của học viên.

Có một lần nhân ngày 20-11 một lớp không có giờ học của thầy bộ môn, nên không tặng quà thầy được. Sau đó lớp mới gửi phong bì cho thầy sau đó, trong phong bì có số tiền là 200.000 đồng. Việc đến tai Ban giám hiệu của trường , thế là thầy giáo đó bị kiểm điểm. Tuy không có tình trạng phong bì, nhưng không vì thế mà giáo viên ở trường không dạy tốt. Trái lại, các thầy cô rất nhiệt tình tận tuy và rất quan tâm đến học viên.

* Tôi cũng đi học, học từ xa nữa và cũng chứng kiến ít nhiều phong trào phong bì. Nhưng không phải cả lớp tôi như vậy mà chỉ một số trong số đó thôi. Còn lại, chúng tôi vẫn tự học và thi đúng với trình độ của mình. Tôi đi làm và tự tin với kiến thức của mình, đôi khi người quanh tôi còn nể khi nghe tôi nói về kiến thức một môn học tôi đã học. Không ai nghĩ tôi đã học từ xa nếu họ không biết trước điều này. Kiến thức mình có được là nhờ thầy cô giảng dạy và do chính mình tìm tòi học tập. Không có nghĩa cứ học chính quy là giỏi nếu mình không thực sự nghiên cứu học tập.

Theo bạn, làm cách nào để dẹp được vấn nạn "phong bì" trong môi trường giáo dục hiện nay? Liệu việc học hành nghiêm túc có đủ để vấn nạn này biến mất?

Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì, thỏa hiệp theo số đông, hay nỗ lực học tập để nói "không" với tiêu cực?

Hãy chia sẻ ý kiến cùng Tuổi Trẻ Online, qua email [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài.

Bùi Lan Hương (builanhuong1985@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp