Tiến sĩ Hu tuyên bố sẽ không rời Mỹ dù bị đổ oan và sẽ tiếp tục theo đuổi nghiên cứu khoa học, thúc đẩy công lý với người Mỹ gốc Á - Ảnh: NYT
Tiến sĩ Anming Hu, một người Trung Quốc nhập tịch Canada, bị tố là gián điệp Trung Quốc khi đến Mỹ làm việc. Đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã tố ông Hu không đưa ra được bằng chứng nào và thừa nhận đã tìm thông tin trên Google khiến ông bị Đại học Tennessee (Mỹ) đuổi việc.
Trong phiên tòa vào tháng 9 vừa rồi, ông Hu được tuyên trắng án và bãi bỏ mọi tội danh gián điệp, khai man.
Trường hợp của tiến sĩ Hu đang được nhiều người xem là ví dụ điển hình cho sự cảnh giác và nghi ngờ thái quá đối với các nhà khoa học Trung Quốc và gốc Trung Quốc tại Mỹ, theo báo New York Times.
Trong vài năm gần đây, Chính phủ Mỹ ngày càng nghi ngờ những nhà khoa học như ông Hu đang lợi dụng kẽ hở để đánh cắp các nghiên cứu nhạy cảm theo lệnh của Chính phủ Trung Quốc.
Theo một số người, kể từ khi chính quyền ông Donald Trump đưa ra "Sáng kiến Trung Quốc" và được tiếp nối dưới thời Tổng thống Joe Biden, bầu không khí bên trong các trường học trở nên lạnh nhạt.
Báo New York Times đã liên hệ phỏng vấn một số nhà khoa học gốc Trung Quốc đang làm việc tại các trường đại học hàng đầu Mỹ.
Có người nói họ cảm thấy bị sỉ nhục khi bị bắt tham gia khóa đào tạo chống can thiệp từ nước ngoài. Tuy nhiên các dẫn chứng chỉ toàn là Trung Quốc và các nhà khoa học Trung Quốc hoặc có gốc gác Trung Quốc.
Số khác kể ra việc thị thực của họ bị treo hoặc mất nhiều thời gian gia hạn nhưng không được giải thích. Tất cả đều lo lắng rằng có thể bị FBI gõ cửa bất kỳ lúc nào nếu nhà điều tra tìm thấy một mẩu đơn hoặc thông tin cho thấy có sự liên lạc với ai đó tại Trung Quốc.
Đại học Arizona và Ủy ban 100, một tổ chức gồm những người Mỹ gốc Hoa nổi tiếng, đã tiến hành một cuộc khảo sát và nhận thấy khoảng một nửa số nhà khoa học Trung Quốc được hỏi - bao gồm một số công dân Mỹ - tin rằng họ đang bị chính phủ giám sát.
Nhóm này đổ lỗi cho "Sáng kiến Trung Quốc" và cho rằng Washington đã đi quá xa khi nhắm vào giới học thuật.
Gần 2.000 học giả tại các trường như Đại học Stanford, Đại học California cơ sở Berkeley và Đại học Princeton đã ký thư ngỏ gửi tới Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland thúc giục chấm dứt "Sáng kiến Trung Quốc".
"Phần lớn sức mạnh công nghệ trí tuệ của chúng ta là từ người nhập cư. Chúng ta đang tự bắn mình nhưng không phải ở chân, mà ở một vị trí nào đó gần đầu", một đoạn trong thư ngỏ lập luận.
Sự khó chịu của các học giả gốc Trung Quốc tại Mỹ vẫn đang gia tăng, theo New York Times.
Ông Yiguang Ju, giáo sư kỹ thuật cơ khí và hàng không tại Đại học Princeton và là một công dân Mỹ nhập tịch, tuyên bố sẽ từ chối nếu bây giờ NASA đề nghị ông giúp phát triển tên lửa không gian như đã làm vào năm 2010.
"Đó không phải là vì tôi không muốn phục vụ, mà là vì tôi rất sợ phải phục vụ", ông Ju giãi bày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận