16/07/2014 07:15 GMT+7

Học đâu nếu rớt lớp 10?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Sau khi công bố điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết có 8.534 thí sinh rớt cả ba nguyện vọng vào lớp 10 công lập. Thế nhưng, rớt lớp 10 không phải đã là bước đường cùng.

c5tPTIvC.jpg
Thí sinh trao đổi bài sau khi thi xong môn văn tại hội đồng thi Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP.HCM, kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2014 - Ảnh: Như Hùng

Ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, tư vấn: 8.534 học sinh rớt lớp 10 vẫn còn một trong ba lựa chọn cho con đường học vấn của mình. Một là đăng ký vào học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN - năm học 2014-2015 các trường hệ này tuyển 11.480 học sinh thông qua hình thức xét tuyển, không phải thi). Hai là đăng ký học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên (chỉ tiêu tuyển là 9.547 học sinh, học phí chỉ 180.000 đồng/tháng/học sinh). Ba là đăng ký học tại các trường THPT tư thục, dân lập (chỉ tiêu tuyển 20.199 học sinh).

Giảm 50% học phí nếu học TCCN

Điểm chuẩn tăng cao

Bảng điểm chuẩn vào lớp 10 công lập tại TP.HCM do Sở GD-ĐT TP công bố sáng 15-7 cho thấy hầu hết các trường đều tăng điểm chuẩn. Bốn trường THPT tốp trên đều tăng: Trường Nguyễn Thượng Hiền tăng 3,5 điểm, là trường có điểm chuẩn cao nhất TP (41,75 điểm), năm 2013 điểm chuẩn là 38,25 (xét nguyện vọng 1). Kế đó là Trường trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM: 40,75 điểm, đây là trường tăng điểm chuẩn đột biến: 6,25 điểm (năm 2013 điểm chuẩn là 34,5). Trường Bùi Thị Xuân cũng tăng điểm chuẩn (2 điểm), Trường Nguyễn Thị Minh Khai tăng 4 điểm. Nhìn chung hầu hết các trường năm nay đều tăng điểm chuẩn từ 1-5 điểm.

(Mời bạn đọc xem điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT ở TP.HCM trên tuoitre.vn).

Theo ông Đạt, thực hiện hướng dẫn của liên bộ GD-ĐT, Tài chính và LĐ-TB&XH, từ năm học 2014-2015 tất cả học sinh TCCN sẽ được miễn giảm 50% học phí. Tuy nhiên, thời gian tới Sở GD-ĐT TP sẽ bàn bạc với Sở Tài chính và làm đề xuất xin UBND TP thực hiện miễn giảm 100% học phí đối với học sinh hệ này. TP hiện đang có nhu cầu nhân lực rất cao ở các ngành: điện lạnh, hàn, tiện, điện công nghiệp, điện tử, xây dựng...

Ông Phạm Ngọc Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết: “Trên thực tế có nhiều học sinh học văn hóa rất khó khăn nhưng khi chuyển qua học nghề lại rất tốt. Nếu nhận ra điều này sớm, phụ huynh đăng ký cho con em mình học nghề ngay khi tốt nghiệp THCS sẽ hiệu quả hơn. Qua theo dõi, tôi thấy nhiều em không vào được lớp 10 công lập, cha mẹ các em động viên con em mình cố gắng học văn hóa ở các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trường THPT tư thục. Nhưng đáng buồn là nhiều em không thể theo kịp chương trình nên đi được một đoạn đường là “gãy gánh”: có em bỏ học giữa lớp 11, có em ráng tới hết lớp 11 mới nghỉ, có em mới vừa hết học kỳ 1 lớp 10 đã buông”.

Ông Thanh phân tích: học sinh học TCCN được rất nhiều cái lợi: học từ 3-4 năm (tùy trường), học sinh sẽ được cấp bằng TCCN. Với tấm bằng này, học sinh có thể đi làm ngay hoặc có thể đăng ký thi tuyển vào trường CĐ, ĐH mà không cần bằng tú tài (hiện nay trên địa bàn TP cũng có nhiều trường TCCN liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa cho học sinh. Khi tốt nghiệp, học sinh vừa được cấp bằng TCCN vừa được cấp bằng tú tài).

Đổi mới ở trường tư thục

Nếu gia đình không thuộc diện khó khăn và học sinh có đủ năng lực tiếp tục học văn hóa thì hiện nay các trường THPT tư thục trên địa bàn TP luôn mở cửa đón học sinh. Để đáp ứng nhu cầu của nhiều phụ huynh thành thị vốn có rất ít thời gian dành cho con, các trường tư thục mở ra nhiều hình thức giáo dục khác nhau: bán trú (học sinh học tập và sinh hoạt cả ngày trong trường, buổi chiều phụ huynh mới đón về); nội trú (học sinh ăn ở, học tập trong trường, có thầy cô quản nhiệm chăm sóc, nhắc nhở từ miếng ăn giấc ngủ, mọi sinh hoạt cá nhân cho đến học bài, làm bài tập sau giờ lên lớp chính khóa, lâu lâu phụ huynh mới đón con em về nhà chơi). Tuy nhiên với loại hình này, phụ huynh phải đóng khoản phí khá cao so với học phí của trường công lập: trung bình từ 5-10 triệu đồng/tháng/học sinh tùy trường.

Theo một hiệu trưởng trường THPT tư thục ở TP.HCM, điều phụ huynh cần nhất hiện nay chính là giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho con em mình. Hầu hết trường THPT tư thục, dân lập trên địa bàn TP đều chú trọng thực hiện tiêu chí này, bên cạnh việc nỗ lực rèn giũa cho học sinh có thể thi đậu tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH.

Tây Ninh: điểm chuẩn vào lớp 10 thấp kỷ lục

Ngày 15-7, Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh đã công bố điểm sàn kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT trên địa bàn là 9 điểm bao gồm điểm môn toán (hệ số 2), văn (hệ số 2), tiếng Anh và điểm cộng thêm (điểm nghề).

Theo đó, 23 trường THPT tổ chức thi tuyển lớp 10 năm học 2013-2014 sẽ căn cứ trên điểm sàn này để lấy điểm chuẩn riêng dựa trên số lượng học sinh thi vào trường. Trong số 23 trường THPT tổ chức thi tuyển có đến 10 trường lấy điểm sàn để làm điểm chuẩn tuyển học sinh lớp 10. Trường THPT Tây Ninh là trường cao nhất của cả tỉnh lấy điểm chuẩn 24,25 (mỗi môn chưa đến 5 điểm).

Đa số trường THPT đều lấy điểm nguyện vọng 2 bằng với điểm nguyện vọng 1. Hơn thế, ngoài 23 trường thi tuyển, địa bàn tỉnh Tây Ninh có chín trường THPT thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa và khu vực nông thôn tổ chức xét tuyển. Như vậy, để đậu vào lớp 10 THPT công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, mỗi học sinh chỉ cần trung bình môn thi chưa đầy 2 điểm và không bị điểm liệt (0 điểm bất kỳ môn nào, chưa kể các học sinh thi lớp 10 đều có điểm nghề cộng thêm từ 0,5-2,5 điểm).

Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, với điểm sàn và điểm chuẩn của các trường tổng cộng có khoảng 7.179 học sinh đỗ vào lớp 10 THPT. Kỳ thi lớp 10 THPT 2014-2015, tỉnh Tây Ninh có 9.269 học sinh đăng ký thi tuyển, như vậy có hơn 2.000 học sinh không đậu vào lớp 10.

NGỌC HẬU

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp