Băng rừng trong đêm lạnh tới lớp |
Màn đêm phủ xuống cánh rừng già, những ngôi nhà lụp xụp bên triền núi của người dân tộc Nùng ở xã Nấm Lư (Mường Khương, Lào Cai) cũng chìm trong bóng tối là lúc kết thúc một ngày làm việc nhọc nhằn.
Bà con dân tộc thiểu số đeo trên đầu đèn pin lấy ánh sáng dẫn đường lại í ới gọi nhau băng qua đồi núi, đi bộ cả 3-4 cây số trong giá lạnh tới lớp “tìm chữ”.
Từ nhiều tháng nay không quản ngại ngày mưa, nắng hay gió rét, cứ khoảng 7g tối thầy Hoàng Văn Chẩn (giáo viên điểm trường tiểu học Lầy Lùng, thuộc Trường tiểu học Nấm Lư) lại vội vã cho mấy chiếc đèn sạc đủ pin cùng giáo án vào balô tới lớp xóa mù dạy chữ cho bà con.
Lớp học có 25 học sinh, độ tuổi từ 28-60 ở các bản Ngam Lâm, Lầy Lùng, Na Pạc Đoỏng. Sau khi viết những dòng chữ ngay ngắn về chuyện “Thầy cúng đi bệnh viện” trên bảng, thầy Chẩn nói: “Các bác cố gắng viết cho thật đẹp. Viết xong thì nhìn lên bảng đọc theo thầy giáo”.
Nói chưa dứt lời thầy giáo xuống tận bàn, cười tươi hướng dẫn từng nét bút để học sinh viết sao cho nhanh, cho đẹp.
Là người học giỏi nhất lớp, từ người không biết chữ nào sau mấy tháng đến lớp, chị Vàng Thị Thương (33 tuổi, có ba con nhỏ) đọc rõ ràng mặt chữ như học sinh lớp 2 ở tiểu học. Không chỉ đọc thông, viết thạo, chị còn biết tính các bài toán đơn giản.
“Đến lớp được học cái chữ mình thích lắm, trước là con gái nên không được đi học. Mới đầu luyện viết về cái tay nó cứ đau, rồi nhiều chữ chẳng nhớ lúc không gặp thầy giáo mình lại hỏi đứa con lớn đang học lớp 6 nó chỉ giúp cho. Nhiều hôm lên nương mình cũng mang theo sách, nghỉ giải lao là bỏ ra đọc ngay” - chị Thương cười bẽn lẽn.
Học sinh hát dân ca giữa giờ tặng thầy giáo - Ảnh: QUANG THẾ |
Cũng có mặt tại lớp, anh Nguyễn Quốc Việt - chuyên viên phụ trách công tác phổ cập xóa mù chữ Phòng GD- ĐT huyện Mường Khương - bảo rằng học sinh ở lớp 100% là người không biết đọc, không biết tính toán và viết chữ.
“Cách đây mấy ngày tôi đi mở lớp ở xã Bản Sen có một bác đã 62 tuổi kể do không biết chữ nên đã mua thuốc trừ sâu nhầm sang thuốc cỏ, phun xong mấy ngày sau hoa màu cháy khô hết” - anh Việt chia sẻ. Có nhiều người đi làm xe bị hỏng giữa đường cũng không biết chỗ vá săm, rồi lên phố hay bị lạc vì không đọc được tên đường nên đã quyết tâm đến lớp “tìm chữ”.
Thầy Nguyễn Hồng Sơn - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Nấm Lư - cho biết nhiệm vụ của thầy cô đứng lớp xóa mù không chỉ dạy cho học sinh biết chữ, biết tính toán mà còn phải lồng ghép tuyên truyền bài trừ các hủ tục lạc hậu, lưu giữ nét văn hóa đặc sắc, cách trồng lúa, chăn nuôi rồi đến cả phổ biến kiến thức về kế hoạch hóa gia đình.
Sau mỗi buổi đến lớp học sinh tiếp thu rất tốt, làm kinh tế giỏi hơn. Các hủ tục như ốm không đi bệnh viện mà nhờ thầy cúng đã được bỏ hay đám ma không để lâu ngày như trước đây.
Đã có cháu nội, cháu ngoại, bà Cò Thị Dứn (60 tuổi) mặc dù tiếp thu bài không được tốt như các học sinh khác nhưng không có buổi nào vắng mặt. Bà Dứn nói cứ đến giờ là bà đi học chữ, ở nhà có việc gì là chồng làm hết để bà có thời gian chăm chút tới lớp.
Bà bảo mới đầu đi học cũng ngại lắm vì xấu hổ với các cháu nhưng học vào rồi lại thấy ham. “Trước đây mỗi khi vay vốn ngân hàng mua bò tôi phải điểm chỉ nhưng giờ đã ký và viết được tên mình rồi nhé…” - bà Dứn khoe.
Do phải làm việc cả ngày mới đến lớp, để tránh buồn ngủ cứ giữa giờ thầy giáo lại cho học sinh hát dân ca. Bài dân ca Nùng Dín có đoạn: “Ngày hôm nay tôi làm trên nương nhưng tôi vẫn nhớ tới các bài giảng của thầy. Cám ơn thầy đã mang ánh sáng tới bản, mang cái chữ đến với chúng tôi…”.
Mặc dù phải dạy cả ban ngày nhưng tối nào thầy Chẩn cũng cố gắng lên lớp đầy đủ. Thầy Chẩn bảo rằng: “Lý do tôi gắn bó với lớp là vì các cô, các bác ham học lắm và họ rất quý, rất thương thầy giáo. Hôm nào tôi cũng gắng tới lớp đúng giờ vì sợ học sinh lại phải chờ mình…”.
Theo Phòng GD - ĐT huyện Mường Khương, chỉ trong năm 2016 trên địa bàn huyện mở 24 lớp xóa mù với 511 học viên tham gia. Kết quả sau khi học viên hoàn thành khóa học đã biết đọc, biết viết.
Thầy giáo đọc trước, học sinh đọc sau - Ảnh: QUANG THẾ |
Thầy giáo tận tình luyện viết cho từng người - Ảnh: QUANG THẾ |
Chuẩn bị bàn ghế để học chữ - Ảnh: QUANG THẾ |
Thầy Hoàng Văn Chẩn - Ảnh: QUANG THẾ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận