Bùi Trung Hiếu là sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2015, nay là kỹ sư phần mềm của một tập đoàn lớn tại Việt Nam - Ảnh: HÀ QUÂN
Video tư liệu năm 2015 về cậu bé mồ côi khiến người làm chương trình Tiếp sức đến trường khi đó rơi nước mắt khi đọc thư xin học bổng em gửi
Sau 7 năm kiên trì, nỗ lực, chàng trai "vác đá, bán than" đã trưởng thành, tự tin hơn với vị trí kỹ sư phần mềm tại một tập đoàn lớn ở Việt Nam.
Ngày các anh chị đến nhà quay phim, nghĩ đến máy quay tôi vừa run vừa sợ. Nhưng lúc trực tiếp gặp mọi người, ai cũng thân thiện, động viên và nhiệt tình giúp đỡ. Các anh chị còn chở mình lên Hà Nội nhập học. Những hành động nhỏ nhưng ấm áp ấy đã theo mình đến tận hôm nay.
Anh Bùi Trung Hiếu
Gieo mầm yêu thương
Bùi Trung Hiếu vác đá kiếm tiền sinh hoạt năm 2015 - Ảnh cắt từ video
Thời điểm ấy, tiếp chúng tôi là một nam sinh hình dáng gầy gò, đen nhẻm, song khát khao mãnh liệt được đến trường luôn bộc bạch trong từng lời nói, suy nghĩ. Phải thuyết phục rất nhiều lần, Hiếu mới cho phóng viên gặp ở mỏ đá nơi mình làm việc. Có lẽ Hiếu cũng ngại khi những bao bột đá nặng hơn 50kg đã nhiều lần khiến đôi chân của anh run rẩy.
Bố bỏ mẹ con Hiếu năm anh 2 tuổi. Vì mưu sinh, mẹ lại gửi Hiếu và em trai cho bác gái nuôi để đi tìm việc. Mẹ nuôi không lấy chồng, ở vậy nuôi các cháu ăn học. Cả 2 người mẹ đều nghèo nên ngoài giờ học, Hiếu đi làm thuê làm mướn, vác từng bao đá bột, đi giao từng bao than để kiếm tiền đóng học phí.
Những ngày nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT, anh đau đớn khi mẹ về cõi vĩnh hằng. "Mẹ từng nói không rời xa hai con nữa, vậy mà một tháng sau mẹ ra đi". Đã 7 năm qua trôi qua nhưng mỗi lần nhớ lại, chàng trai trẻ vẫn không ngăn được dòng lệ nơi khóe mắt. Anh tâm sự chưa bao giờ quên được hình ảnh mẹ rời cõi trần ngay trước mặt mình.
Gạt niềm đau, khăn gói lên thủ đô, Hiếu lựa chọn giảng đường Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để nuôi dưỡng ước mơ. Nỗi nhớ mẹ biến thành sức mạnh, tiếp thêm nghị lực cho chàng trai vượt qua những sóng gió.
Bấy giờ, trong túi anh có chưa tới 10 triệu đồng, nhưng đủ khoản chi phí có tên lẫn không tên bủa vây. May mắn được quỹ học bổng tiếp sức, số tiền 7 triệu đồng/suất học bổng ngày ấy đã phần nào giúp Hiếu giải quyết việc đóng học phí trước mắt. Hiếu còn được tặng thêm một chiếc máy tính để học tập, thỏa mãn đam mê lập trình. "Người bạn" này đã gắn bó với anh suốt những năm đại học.
"Học bổng ngày đó không chỉ là sự giúp đỡ về mặt tài chính, mà còn gieo vào trái tim tôi hạt mầm của sự yêu thương khi tôi cảm nhận giá trị của tình người trong cuộc sống này", Hiếu bộc bạch.
Là người từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường, Hiếu khuyên các bạn trẻ khó khăn không nên tự ti, mà hãy mở lòng đón nhận sự hỗ trợ, để sau đó tự mình tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội - Ảnh cắt từ video
Giúp người đi sau
Kỳ học đầu tiên vừa đi học vừa làm thêm, áp lực tiền bạc khiến lực học của Hiếu giảm sút. Thế nhưng sang những học kỳ sau, anh xốc lại mục tiêu chính là học tập, đồng thời xin đi làm tại các công ty công nghệ để vừa trang trải học phí, vừa trau dồi thêm kinh nghiệm. Năm thứ 3 đại học, Hiếu phát triển sản phẩm tại công ty để làm đồ án tốt nghiệp, nhờ đó rút ngắn thời gian học tập và ra trường sớm hơn 1 năm.
"Đặt chân vào đại học, tôi đã đặt mục tiêu ra trường sớm, bởi vì có như vậy mới nắm bắt được cơ hội đi làm sớm hơn, kiếm tiền giúp em trai ăn học", anh quả quyết.
Những ngày hè, Hiếu không về quê mà chọn ở lại Hà Nội. Anh được nhận vào vị trí lập trình viên cho một công ty công nghệ có vốn đầu tư Nhật Bản. Môi trường này đã giúp Hiếu rèn giũa được tính cẩn thận, tỉ mỉ của người Nhật, trau dồi tốt chuyên môn. Ra trường anh chủ động thử sức ở nhiều dự án công nghệ lớn nhỏ. Một năm sau, anh được tuyển vào làm nhân viên chính thức của một tập đoàn lớn tại Việt Nam, đảm nhận vị trí kỹ sư phần mềm.
Công việc bận rộn nhưng mỗi năm đến kỳ tuyển sinh, Hiếu vẫn dành thời gian tham gia tư vấn, giới thiệu các bạn trẻ đến các quỹ học bổng, giới thiệu chỗ thực tập để vừa làm việc, vừa bổ sung giá trị cho bản thân.
"Trong những năm đầu đại học, các bạn sinh viên nghèo phải lao vào kiếm tiền mà đánh mất đi nhiều thứ. Chúng tôi - những người từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ và các học bổng khác - đảm nhận việc hướng dẫn, tư vấn cho các bạn trước lúc vào trường. Dù không thể giúp được tất cả mọi người, nhưng chúng tôi tin rằng hôm nay giúp được một bạn trẻ thì mai sau chính bạn trẻ ấy sẽ giúp cho các bạn khó khăn khác, dần dần kết thành một mạng lưới bền chặt" - Trung Hiếu quả quyết.
Không dừng lại ở việc hỗ trợ học tập, việc làm, Hiếu còn thuê một căn nhà ở thủ đô để hỗ trợ sinh viên khó khăn về chỗ ăn ở mà không tốn quá nhiều chi phí sinh hoạt.
"Các bạn tân sinh viên phải có cái nhìn thoáng hơn, tiếp nhận sự giúp đỡ của mọi người. Đừng tự ti khi nghèo khó, bởi có rất nhiều cánh tay sẵn sàng dang ra hỗ trợ. Đó là sự chia sẻ của xã hội, trước hết giúp cho bản thân, về sau khi bản thân tốt rồi có thể tạo ra giá trị nhiều hơn cho xã hội" - Hiếu nhắn nhủ.
Chia sẻ của Bùi Trung Hiếu với các tân sinh viên khó khăn năm 2021 - Video: TRUNG HIẾU - HÀ THANH - H.VY
Để trưởng thành như ngày hôm nay, Hiếu xúc động nhắc đến công dưỡng nuôi của người bác Trịnh Thu Hà (51 tuổi, ở Hà Nam). Khi Hiếu còn nhỏ, bà đã cưu mang cháu. Đến ngày mẹ Hiếu mất, bà Hà nhận nuôi cả hai anh em. Thu nhập hằng tháng của bà không ổn định, tính ra chỉ 3 - 4 triệu đồng/tháng nhưng vẫn gắng nuôi hai anh em ăn học nên người. Hiếu gọi bà là mẹ, và quả quyết: "Mẹ là người khiến tôi khâm phục nhất trong cuộc đời".
Học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ đã bước vào năm thứ 19 - Đồ họa: LAP
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận