15/07/2016 08:38 GMT+7

Học bổng Chung một ước mơ: Đồng cảm và chia sẻ

QUANG PHƯƠNG
QUANG PHƯƠNG

TTO - 10 năm và 3.801 học sinh THPT hiếu thảo, có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi của khu vực Đông Nam bộ và Hà Nội đã được học bổng “Chung một ước mơ” tiếp sức.

Các học sinh nhận học bổng Chung một ước mơ sáng 14-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các học sinh nhận học bổng Chung một ước mơ sáng 14-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đó là con số được thông tin tại lễ trao học bổng và kỷ niệm 10 năm học bổng này, tổ chức ngày 14-7 tại TP.HCM.

Năm 2016, có 350 học sinh THPT có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học của bảy tỉnh, thành Đông Nam bộ được trao học bổng với mỗi suất trị giá 4 triệu đồng cùng quà lưu niệm. Tổng kinh phí chương trình năm nay là 1,4 tỉ đồng.

Kịp thời tiếp sức

Cả hội trường lặng im nhìn lên màn hình sân khấu dõi theo từng bước chân tật nguyền bán vé số mưu sinh lo cho đứa con gái ăn học của đôi vợ chồng bà Lê Thị Sương (51 tuổi) và ông Nguyễn Văn Duy (50 tuổi) ở Q.9, phụ huynh học sinh Nguyễn Lê Quỳnh Châu, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM).

Có mặt tại buổi lễ, ông Duy chăm chú xem clip, còn bà Sương lấy tay lau nước mắt. Bà chia sẻ hai vợ chồng cùng tàn tật nên đồng cảm rồi cưới nhau. Khi thấy đứa con gái lên nhận học bổng, bà tươi cười nói: “Biết tin con nhận được học bổng cả nhà mừng lắm. Nhận học bổng này tui sẽ mua cho con một bộ đồ mới, hai năm nay toàn mặt đồ cũ, rách hết trơn rồi và dành đóng học phí, mua sách vở mới”.

Đến dự lễ kỷ niệm 10 năm học bổng, bà Lê Thị Cúc (50 tuổi), mẹ của cựu học sinh Lê Minh Nghĩa (TP.HCM), nhận học bổng năm 2007, bồi hồi: “Tôi thấy các cháu hôm nay giống như con tôi ngày đó quá! Lúc đó nhà không có tiền, tôi tính cho cháu nghỉ học ở nhà phụ bán chè. Không có học bổng thì con tôi đâu có điều kiện học tiếp, đâu có được như ngày hôm nay”. 

Còn bà Huỳnh Thị Muộn (62 tuổi), mẹ cựu học sinh Trần Văn Mười (Bình Phước), nhận học bổng năm 2009, nhớ lại: “Lúc đó nhà có 5 sào đất, tôi tính bán cho cháu đi học nhưng nó cản, không cho. May nhờ có học bổng mà cháu mới tiếp tục được đi học và giờ là giảng viên đó!”.

Truyền cảm hứng vượt khó

Phát biểu tại buổi lễ, bà Ureerat Ratanaprukse, tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM, nói: “Tôi chắc chắn rằng những cựu học sinh của chương trình này sẽ là nguồn lực đóng góp to lớn vào sự phát triển của Việt Nam và cho cả khu vực”. 

Còn ông Roongrote Rangsiyopash, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Tập đoàn SCG, bày tỏ niềm hạnh phúc khi biết nhiều cựu học sinh nhận học bổng giờ đã thành đạt: “Ngày hôm nay tôi vô cùng hạnh phúc khi chứng kiến những em học sinh năm xưa đã trở thành những người thành đạt, có thể đóng góp cho gia đình và xã hội, các bạn đã thực hiện ước mơ của mình bất chấp nhiều khó khăn thử thách trong cuộc sống”.

Tại buổi giao lưu, bạn Nguyễn Lê Quỳnh Châu, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), chia sẻ ước mơ sau này trở thành một nữ kỹ sư cơ khí ôtô: “Từ bé em đã thích xe cộ rồi. Lớn lên có nhiều mô hình xe em thấy thích lắm nhưng không có tiền mua. Em đã vạch ra kế hoạch cho mình để đi đến đích là học thật giỏi ba môn toán - lý - Anh rồi sau đó thi vào khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa”.

Học bổng không chỉ trao cho các học sinh một số tiền mà còn truyền cho các bạn tinh thần san sẻ, tinh thần vượt khó. Anh Trần Văn Mười, giờ là giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nói: “Ý nghĩa to lớn nhất tôi nhận được từ suất học bổng đó là bài học sâu sắc và chân thực nhất về sự sẻ chia. Tôi mong rằng những thế hệ nhận học bổng đi trước hãy cùng chung tay giúp đỡ những thế hệ mai sau để cùng nhau xây dựng những ước mơ cho riêng mỗi người và ước mơ chung cho xã hội VN tốt đẹp hơn”.

Còn cựu học sinh Lê Minh Nghĩa, hiện công tác tại bộ phận tiền lương Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn, nói: “Để biến ước mơ thành hiện thực là một quãng đường dài, gian nan và đầy khó khăn. Để vượt qua nó cần phải có sự quyết tâm, nỗ lực lớn từ chính bản thân ta. Tôi nhấn mạnh rằng những khó khăn trong cuộc sống của mình chỉ có mình mới giải quyết được mà thôi”.

Bạn Nguyễn Thị Mai Trinh (học sinh THPT Long Thới, Nhà Bè, TP.HCM) cho biết nhận học bổng xong điều đầu tiên bạn làm là cho mẹ đi tái khám và mua thuốc cho bà ngoại  giảm đau chân và cột sống. Số tiền còn lại bạn sẽ mua đồ dùng học tập cho hai chị em và đóng học phí. 

Ông Tăng Hữu Phong, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết đã xem gia cảnh từng bạn nhận học bổng đợt này. Có bạn mồ côi cha, có bạn mồ côi mẹ, có bạn mồ côi cả cha lẫn mẹ... bạn nào cũng có hoàn cảnh khó khăn.

“Nhưng vượt lên trên tất cả là nghị lực của các bạn. Trong hoàn cảnh như vậy, các bạn vẫn kiên trì đeo bám con chữ, nuôi dưỡng khát vọng đến lớp đến trường, đạt những thành tích cao trong học tập. Các bạn đang ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Hãy hướng về con đường tươi đẹp, rộng mở phía trước và làm hết sức mình. Chúng tôi luôn tin rằng các bạn sẽ thực hiện ước mơ của mình một cách trọn vẹn nhất” - ông Phong nói.

QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp