04/09/2011 07:19 GMT+7

Học bơi lợi cả đôi đường

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Xem những tấm hình chụp người nhà của sáu em học sinh lớp 6 ở xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) vật vã trong nỗi đau mất con vì chết đuối hôm 2-9, thật khó cầm được nước mắt.

Nói đến chuyện chết đuối, đặc biệt với nạn nhân là trẻ em, không thể không giật mình khi thống kê những câu chuyện xảy ra gần đây. Tôi xin điểm lại một số vụ thương tâm mà báo chí đưa trong nửa cuối tháng 8-2011: Sáng 30-8, hai em Trần Văn Hải (12 tuổi) và Trần Văn Đăng (11 tuổi) ở thôn Lộc Khánh, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát (Bình Định) chết đuối vì tắm ao.

Chiều 22-8, tại bản Lũng Sắc, xã Tân Dương (Bảo Yên, Lào Cai), bốn em nhỏ đã chết đuối ở một hồ nước bỏ hoang của dân trong bản. Ngày 20-8, tại khu vực khai thác đất đồi thuộc khu vực tổ 4, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng xảy ra vụ tai nạn thương tâm làm em Trần Viết Hoàng Lâm (13 tuổi) chết đuối. Chiều 14-8, bốn em nhỏ Nghiêm Văn Hưng (11 tuổi), Nghiêm Văn Huy (8 tuổi), Ngô Văn Hùng (12 tuổi), Ngô Văn Hưng (7 tuổi) chết đuối tại hố nước nằm trong công trình dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Hà Nội)...

Trẻ chết đuối ở Việt Nam không còn là chuyện để báo động nữa, mà là một vấn đề gây nhức nhối từ rất nhiều năm nay. Ngày 29-8 tại TP Cần Thơ, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ phát động và cam kết phòng chống chết đuối trẻ em năm 2011 cho 19 tỉnh, TP phía Nam. Tại đây, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết mỗi năm cả nước có trên 6.000 trẻ em chết đuối, trong đó riêng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long trên 400 em mỗi năm. Con số này cũng đã làm rúng động cả thế giới, nên hồi tháng 5-2011, Liên đoàn Cứu hộ quốc tế đã chọn Hà Nội làm nơi tổ chức hội nghị ngăn ngừa chết đuối thế giới. Ở đó, người ta cho biết 80% số trẻ em chết đuối trên thế giới tập trung ở châu Á. Mà ở châu Á, Việt Nam cùng với Campuchia, Bangladesh là ba điểm nóng nhất!

Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã thấy được nỗi bức xúc do trẻ chết đuối quá nhiều từ cả chục năm trước. Ngày ấy, chúng tôi đã dự một cuộc họp báo do ông Lương Kim Chung - vụ trưởng Vụ Thể thao quần chúng (thuộc Ủy ban TDTT Việt Nam lúc ấy) - chủ trì tại Trung tâm TDTT quận 1 với nội dung triển khai chương trình dạy bơi cho trẻ em. Đây là chương trình quốc gia do Chính phủ phê duyệt và giao cho ngành thể thao phụ trách. Tuy nhiên, chương trình rơi vào cảnh “đánh trống bỏ dùi”!

Giờ đây, chuyện dạy bơi cho trẻ em lại đang được đặt ra. Rất nhiều ý kiến từ xã hội đã kêu gọi nên đưa bơi lội và các kỹ năng tự ứng cứu cho học sinh vào chương trình học bắt buộc trong nhà trường phổ thông. Chắc chắn làm được chuyện buộc phải học bơi, từ học sinh đến phụ huynh sẽ hoan nghênh vì nó thiết thực hơn nhiều so với học “chạy đá lăn chân” (điền kinh), xà lệch (thể dục), tấn công bằng mu bàn chân (đá cầu)...trong môn giáo dục thể chất lâu nay.

Ngành giáo dục còn chờ gì nữa khi đưa môn bơi vào chương trình học bắt buộc sẽ là nhất cử lưỡng tiện: 1- Thay đổi chương trình dạy và học thể dục bị chê từ nhiều năm nay. 2- Góp phần giảm bớt nỗi đau xót cho xã hội vì những ca chết đuối thương tâm.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp